Cây cỏ tranh có ở khắp các vùng cao tỉnh Hoà Bình từ lâu. Cỏ tranh thường được đồng bào dân tộc Mường sử dụng để lợp nhà, làm thức ăn cho gia súc hoặc phơi khô để ủ ấm cho vật nuôi những ngày giá lạnh. Mấy năm trở lại đây, với đôi tay khéo léo, nhiều chị em người dân tộc thiểu số ở xã Phong Phú (Tân Lạc) đã biến loại cây này thành các sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo để xuất khẩu. Từ đó, cải thiện sinh kế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Nhiều lao động nữ dân tộc thiểu số xã Phong Phú (Tân Lạc) có thêm thu nhập, vươn lên thoát nghèo nhờ sản xuất các sản phẩm mỹ nghệ từ cây cỏ tranh.
Đến thăm Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp Lương Phú, xã Phong Phú chứng kiến các chị em miệt mài ngồi đan giỏ thủ công. Những đôi tay thoăn thoắt, những sợi nan thành phẩm cứ thế dần thành hình. Chị Bùi Thị Mơ, xóm Mường Lồ, xã Phong Phú chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi thuộc hộ nghèo, quanh năm chỉ biết làm ruộng, nuôi ít gà, vịt nên cuộc sống khó khăn. Từ khi tham gia vào HTX làm hàng thủ công mỹ nghệ, tôi có nguồn thu nhập ổn định khoảng 6 - 7 triệu đồng/tháng. Đến nay, gia đình tôi đã thoát nghèo.
Bà Nguyễn Thị Bảy, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Lương Phú cho biết: Trong cộng đồng người dân tộc Mường nơi đây, nghề đan lát đã có từ xa xưa. Đồng bào dùng nguyên liệu là cỏ tế, song mây để đan các dụng cụ, vật trang trí… Tuy nhiên, do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nên nguồn thu nhập bấp bênh. Khi chuyển sang dùng nguyên liệu cỏ tranh để làm đồ mỹ nghệ xuất đi nước ngoài, đơn đặt hàng đều hơn, giúp bà con có thu nhập ổn định hơn. Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là đồ chơi dành cho thú cưng của người nước ngoài. Từ năm năm 2020 có một doanh nghiệp xuất nhập khẩu đặt hàng HTX đan các vật dụng đặc trưng của người dân tộc Mường từ cây cỏ tranh. Vậy là từ loại cỏ mọc hoang trên đồi, giờ đã được sử dụng để sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, xuất khẩu sang các nước Mỹ, Anh, Pháp…
Nghề làm thủ công mỹ nghệ ở HTX dịch vụ nông nghiệp Lương Phú đã hoạt động được 20 năm và đang tạo việc làm cho 600 lao động, phần lớn là nữ với mức thu nhập trung bình 5 – 7 triệu đồng/tháng. Trong đó, 90% lao động là đồng bào dân tộc thiểu số. Mỗi năm, HTX xuất khẩu hàng vạn sản phẩm thủ công mỹ nghệ đa dạng, độc đáo; năm 2023 thu về gần 1 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, HTX đã xuất sang thị trường nước ngoài hơn 100.000 sản phẩm, doanh thu khoảng 1,5 tỷ đồng.
Ngoài ra, việc khai thác cỏ tranh ngoài tự nhiên cũng giúp nhiều lao động khác có thêm thu nhập. Cỏ tranh khô đang được thu mua với giá 7.000 đồng/kg, cứ 10kg cỏ tươi sẽ thu được 5 kg cỏ khô. Do cỏ tranh ngoài tự nhiên ngày một hiếm, HTX dịch vụ nông nghiệp Lương Phú đã có kế hoạch xây dựng vùng nguyên liệu, diện tích dự kiến khoảng 20 - 30 ha. HTX cũng khuyến khích người dân trồng thêm cỏ tranh trên đất sản xuất của gia đình, góp phần đảm bảo đủ nguyên liệu phục vụ xuất khẩu.
Đồng chí Bùi Văn Nức, Chủ tịch UBND xã Phong Phú đánh giá: HTX dịch vụ nông nghiệp Lương Phú là đơn vị tiêu biểu tại địa phương. Nhờ phát triển sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu từ cây cỏ tranh, hàng trăm lao động là người dân tộc thiểu số trên địa bàn đã có việc làm và thu nhập ổn định, từng bước thoát nghèo. Thời gian tới, nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, xã đề ra các giải pháp, kế hoạch cụ thể để phát triển du lịch, hướng cộng đồng vào các hoạt động du lịch gắn với phát triển sinh kế. Qua đó, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp nổi bật, thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường và tài nguyên du lịch trên địa bàn.
Hải Đăng
Dự án phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS&MN) đã góp phần thay đổi phương thức sản xuất, nâng cao thu nhập cho ĐBDTTS trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, theo kế hoạch, nguồn vốn đầu tư của huyện Đà Bắc năm 2022 kéo dài sang năm 2023 là 39,3 tỷ đồng, đến giữa tháng 11/2023 đã giải ngân được trên 27,2 tỷ đồng, đạt 69,1% vốn kế hoạch. Năm 2023, nguồn vốn được phân bổ trên 71,1 tỷ đồng, đến giữa tháng 11/2023 giải ngân được trên 18 tỷ đồng, đạt 25,3% vốn kế hoạch. Dự kiến đến hết năm 2023, tỷ lệ giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn giao.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi (viết tắt là Chương trình phát triển KT-XH vùng dân tộc) giai đoạn I (2021 - 2025) đã đi được nửa chặng đường. Cùng với các chương trình mục tiêu quốc gia khác được thực hiện từ nhiều năm, chương trình này đã đáp ứng mong mỏi của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh và được kỳ vọng làm thay đổi toàn diện diện mạo, đời sống vùng dân tộc và miền núi trong tỉnh.
(HBĐT) - Thực hiện dự án 4, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi về đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống, trong 2 năm (2022 - 2023), tỉnh được phân bổ 484.155 triệu đồng. Trong đó, vốn đầu tư phát triển 455.366 triệu đồng, vốn sự nghiệp 28.789 triệu đồng.
(HBĐT) - Theo báo cáo của UBND tỉnh, qua rà soát, tỉnh có 1.126 hộ dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có nhu cầu sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư tại chỗ, xen ghép và 455 hộ cần bố trí ổn định dân cư tập trung.
(HBĐT) - Cách đây hơn 6 năm, anh Bùi Văn Chiến, hộ cận nghèo xóm Ong Man, xã Chí Đạo (Lạc Sơn) được vay vốn ngân hàng Chính sách xã hội phát triển chăn nuôi trâu theo hướng vỗ béo. Cùng với sự nhanh nhạy trong nắm bắt nhu cầu thị trường, anh mở thêm cửa hàng kinh doanh đồ điện gia dụng và mặt hàng gas tiêu dùng tại nhà.