Đến xóm Tân Vượng, xã Phú Lai (Yên Thủy), ấn tượng đầu tiên là công trình nhà văn hóa khang trang, đầy đủ tiện ích. Trên lộ trình đưa xã Phú Lai đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao vào cuối năm 2023, thiết chế văn hóa quan trọng này được đầu tư nguồn lực để sửa chữa, nâng cấp nên có diện mạo hoàn toàn mới, đáp ứng yêu cầu là nơi tổ chức các hoạt động gắn kết cộng đồng.



Các trường học trên địa bàn huyện Yên Thủy được đầu tư khang trang, đáp ứng tốt nhu cầu dạy và học. Ảnh: Trường mầm non thị trấn Hàng Trạm đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.

Không riêng nhà văn hóa, các cơ sở hạ tầng quan trọng khác như giao thông, thủy lợi, điện, trường, trạm y tế… cũng được xã Phú Lai ưu tiên nguồn lực đầu tư theo hướng đáp ứng các tiêu chí NTM nâng cao. Xã còn huy động nguồn lực hỗ trợ xây dựng nhà ở dân cư, lắp đặt camera an ninh, wifi miễn phí tại các điểm công cộng, trồng cây xanh, trồng hoa các tuyến đường... Nhờ đó, diện mạo xã NTM Phú Lai khởi sắc với hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư đồng bộ, dọc hai bên đường là những ruộng lúa, vườn cây trái xanh tốt, những hàng cây rì rào tô điểm cho bức tranh làng quê thanh bình, tươi đẹp.

Đồng chí Nguyễn Trung Thành, Chủ tịch UBND xã Phú Lai cho biết: Năm 2023, xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Đây là kết quả quan trọng sau nhiều quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân toàn xã. Tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) có nhiều khởi sắc, hạ tầng được đầu tư tương đối đồng bộ, nhưng không dừng lại ở đó, xã tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt gắn với thực hiện các tiêu chí NTM kiểu mẫu, phấn đấu hoàn thành vào năm 2025 theo lộ trình.

Trên phạm vi toàn huyện, những năm qua, Yên Thủy luôn quan tâm đầu tư hệ thống hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống người dân. Như trong thực hiện chương trình xây dựng NTM, huyện chú trọng lồng ghép các nguồn lực để nâng cấp, cải tạo các tuyến đường giao thông. Kết quả đến nay, 100% đường huyện, đường trục xã, liên xã được nhựa hoá, bê tông hoá đạt chuẩn; 89% đường trục thôn, xóm và 71% đường ngõ xóm được cứng hóa bằng bê tông, xi măng. Hạ tầng giao thông được đầu tư, nâng cấp đã tạo thêm động lực cho sự phát triển của huyện. 



Thi công đường nối đường Hồ Chí Minh và quốc lộ 12B đi quốc lộ 1 trên địa bàn huyện Yên Thủy.

Cũng với tư duy đó, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), huyện Yên Thủy tập trung thực hiện hiệu quả Dự án 4: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS&MN và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc. Căn cứ kế hoạch vốn hàng năm, UBND huyện đã đầu tư xây mới, nâng cấp, sửa chữa, bảo dưỡng hàng trăm công trình giao thông, thủy lợi, giáo dục, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng… trên địa bàn các xã vùng DTTS&MN. Sau đầu tư, các công trình phát huy hiệu quả tốt, không những thiết thực phục vụ đời sống người dân mà còn đóng góp tích cực cho các địa phương hiện thực hóa một số tiêu chí trong xây dựng NTM. Trong 5 năm gần đây, huyện có 4 xã khu vực III đạt chuẩn NTM là: Hữu Lợi, Bảo Hiệu, Lạc Lương, Đa Phúc. Dự kiến năm 2024 có thêm xã Lạc Sỹ, nâng tổng số xã vùng III đạt chuẩn NTM là 5/5 xã.

Theo thống kê của UBND huyện Yên Thủy, trên địa bàn huyện có 5 xã khu vực III, 5 xã khu vực I, 1 thị trấn khu vực I; không có thôn đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực II, xã khu vực I. Thời điểm cuối năm 2023, toàn huyện có 17.310 hộ dân, trong đó có 12.011 hộ dân tộc thiểu số (chiếm 69,38%). Tỷ lệ hộ nghèo của huyện khoảng 4,26% (số hộ nghèo người dân tộc thiểu số chiếm 85,84%). Trong bối cảnh KT-XH còn nhiều khó khăn, huyện đã linh hoạt lồng ghép các nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, hệ thống giao thông liên xã, liên thôn và những nơi tập trung đông dân cư đều được nhựa hoá, bê tông hoá. 100% xã, thị trấn được đầu tư xây dựng trường học, trạm y tế kiên cố, đảm bảo cho việc học tập và khám, chữa bệnh ban đầu cho nhân dân. 100% hộ dân được sử dụng điện. Trung tâm huyện có điện chiếu sáng công cộng. Các công trình thuỷ lợi hàng năm được đầu tư cải tạo, sửa chữa, nâng cấp đảm bảo tưới, tiêu chủ động cho trên 60% diện tích gieo trồng... Nhìn chung, kết cấu hạ tầng thiết yếu được đầu tư đồng bộ theo hướng kiên cố và vững chắc, làm thay đổi cơ bản, toàn diện vùng đồng bào DTTS&MN nơi đây. Đó là kết quả ấn tượng, cho thấy quyết tâm của huyện Yên Thủy trên lộ trình phát triển, góp phần đắc lực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020 - 2025.


Khánh An

Các tin khác


Anh Bùi Văn Trang - nông dân tiêu biểu ở xã Hợp Phong

Nói đến anh Bùi Văn Trang (sinh năm 1982), hội viên nông dân người dân tộc Mường trú tại xóm Trang Giữa, xã Hợp Phong (Cao Phong), người dân địa phương không ai thấy xa lạ, bởi anh là tấm gương tiêu biểu trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, hội viên nông dân nhiệt huyết với các phong trào của hội.

Hỗ trợ các xã vùng cao huyện Lạc Sơn

Các xã vùng cao của huyện Lạc Sơn cách xa trung tâm, kết cấu hạ tầng, sản xuất, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Nhiều năm qua, tỉnh và huyện đã chú trọng hỗ trợ các địa phương này phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), cải thiện đời sống nhân dân.

Huyện Tân Lạc: Đầu tư 1,25 tỷ đồng cho bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số

Giai đoạn 2019 - 2024, huyện Tân Lạc đã đầu tư 1,25 tỷ đồng cho hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

Huyện Lạc Sơn: Mỗi năm có 7.000 hộ dân tộc thiểu số được vay vốn phát triển kinh tế

Những năm qua, huyện Lạc Sơn quan tâm thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập. Hoạt động cho vay vốn được triển khai kịp thời đã giúp hộ đồng bào dân tộc thiểu số tạo việc làm, chuyển đổi cơ cấu kinh tế.

Đổi mới công tác tuyên truyền pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số

Xác định rõ tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật (TTPBPL) cho người dân, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS), thời gian qua, các cấp, ngành, các địa phương chú trọng đổi mới, vận dụng linh hoạt, đa dạng hình thức tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức, ý thức và sự đồng thuận của nhân dân trong việc chấp hành các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh giải ngân 29 dự án

Từ đầu năm đến nay, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh tích cực phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố tổ chức giải ngân vốn vay của quỹ từ nguồn ngân sách của tỉnh cấp năm 2024. Theo đó, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh đã tiếp nhận trên 4 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh cấp năm 2024; 1 tỷ đồng nguồn vốn Trung ương Hội ủy thác; trên 4,3 tỷ đồng ngân sách cấp huyện cấp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục