Nói đến anh Bùi Văn Trang (sinh năm 1982), hội viên nông dân người dân tộc Mường trú tại xóm Trang Giữa, xã Hợp Phong (Cao Phong), người dân địa phương không ai thấy xa lạ, bởi anh là tấm gương tiêu biểu trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, hội viên nông dân nhiệt huyết với các phong trào của hội.


Mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi và kinh doanh dịch vụ của hội viên nông dân Bùi Văn Trang, xóm Trang Giữa, xã Hợp Phong (Cao Phong) đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Sinh ra và lớn lên trên quê hương Mường Thàng trong một gia đình thuần nông, do đó ít nhiều anh Trang tích lũy được cho mình kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi. Chọn mô hình khởi nghiệp là chăn nuôi gia súc, anh chia sẻ: Ban đầu vốn ít, tôi chỉ nuôi khoảng 1 - 3 con lợn và tầm 7 con trâu. Gặp đúng thời điểm dịch bệnh, giá cả đầu ra bấp bênh nên nguồn thu từ mô hình thấp. Khi đó, Hội Nông dân xã kịp thời chia sẻ khó khăn và đồng hành với gia đình. Qua "cầu nối” này tôi được tham gia lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi trâu sinh sản do các cấp hội phối hợp tổ chức, được giới thiệu đi học hỏi kinh nghiệm những mô hình sản xuất hiệu quả ở các địa bàn lân cận. Có thêm kiến thức nông nghiệp, tôi thêm tự tin và kỳ vọng vào mô hình của mình. Quan trọng nhất, nhờ được Hội Nông dân giới thiệu, tôi được vay vốn Ngân hàng NN&PTNT để phát triển sản xuất. Từ 100 triệu đồng vốn vay với mức lãi suất ưu đãi, tôi đầu tư mở rộng quy mô sản xuất.

Đến nay, sau nhiều năm chăm chỉ, cần cù, gia đình anh Trang đã phát triển đàn gia súc lên 23 con trâu sinh sản và gần 15 con lợn thương phẩm. Ngoài ra, anh trồng thêm 4.000m2 mía tím và kinh doanh cửa hàng tạp hóa để nâng cao thu nhập. Nhờ mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh, chăn nuôi, dịch vụ đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao, gia đình anh được đánh giá là hộ đi đầu trong thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm tại địa phương, sản xuất thực phẩm sạch, gắn với bảo vệ môi trường nông thôn. Mô hình kinh tế tổng hợp phát huy hiệu quả đã mang lại cho gia đình anh Trang thu nhập khoảng 500 - 700 triệu đồng mỗi năm sau khi đã trừ các chi phí.

Không chỉ làm giàu cho bản thân và gia đình, hàng năm, mô hình kinh tế của anh Trang còn tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động địa phương với mức lương 5 triệu đồng/người/tháng và 20 lao động thời vụ. Từ thành công đầu tiên trên con đường lập nghiệp, anh Trang hy vọng trong xóm, trong xã ai cũng có thể vượt khó, làm giàu bằng chính đôi tay của mình. Do đó, anh tích cực hỗ trợ, lan tỏa kinh nghiệm làm ăn tích lũy được cho hội viên nông dân trong vùng. Mỗi năm có 10 hộ hội viên nông dân được anh hỗ trợ về kỹ thuật, phổ biến kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh. Anh Trang còn tích cực vận động hội viên nông dân trong xóm cùng tham gia ủng hộ các hoạt động từ thiện tại địa phương. Hưởng ứng các cuộc vận động, kêu gọi ủng hộ quỹ vì người nghèo, quỹ chất độc màu da cam, ủng hộ đồng bào bị lũ lụt, thiên tai, quỹ đền ơn - đáp nghĩa, người cao tuổi, quỹ khuyến học, ủng hộ các chiến sỹ đảo Trường Sa..., bình quân mỗi năm anh đóng góp 2,5 - 3 triệu đồng.

Với những thành quả đạt được và những đóng góp cho địa phương, gia đình anh Trang nhiều năm được công nhận hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện; mô hình kinh tế của gia đình anh cũng là một trong những mô hình mẫu để hội viên nông dân trong huyện học hỏi và trao đổi kinh nghiệm sản xuất. Đặc biệt, anh được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có thành tích trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, giai đoạn 2021 - 2023 và đạt danh hiệu "Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi" cấp tỉnh.

Thu Hằng


Các tin khác


Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh giải ngân 29 dự án

Từ đầu năm đến nay, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh tích cực phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố tổ chức giải ngân vốn vay của quỹ từ nguồn ngân sách của tỉnh cấp năm 2024. Theo đó, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh đã tiếp nhận trên 4 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh cấp năm 2024; 1 tỷ đồng nguồn vốn Trung ương Hội ủy thác; trên 4,3 tỷ đồng ngân sách cấp huyện cấp.

Bàn giao nhà “mái ấm nông dân” cho nông dân nghèo xã Dũng Phong

Hội Nông dân huyện Cao Phong vừa phối hợp với Hội Nông dân xã Dũng Phong tổ chức Lễ bàn giao nhà "Mái ấm nông dân” cho gia đình hội viên Bùi Minh Châu, xóm Dũng Tiến.

Huyện Đà Bắc: Trên 94% trạm y tế được xây dựng khang trang

Những năm qua, công tác bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân trên địa bàn huyện Đà Bắc tiếp tục được chỉ đạo triển khai thực hiện. Chất lượng dịch vụ y tế ngày càng nâng cao, cơ bản đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Hàng năm, hệ thống y tế trên địa bàn huyện khám, chữa bệnh cho trên 57 nghìn lượt người. Các tuyến y tế duy trì chế độ trực 24/24 giờ, thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt vệ sinh phòng bệnh.

Huyện Lạc Sơn: Trên 80 tỷ đồng đầu tư hạ tầng thiết yếu vùng dân tộc thiểu số

Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Sơn, thực hiện Tiểu dự án 1 (Dự án 4) về đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), tổng kế hoạch vốn ngân sách Trung ương giao huyện gần 110 tỷ đồng.

“Những hạt nhân đoàn kết” trong đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Mai Châu

Huyện vùng cao Mai Châu có 7 dân tộc cùng chung sống đoàn kết. Trong đó, dân tộc Thái chiếm 56,5%, dân tộc Mường 16,6%, dân tộc Kinh 11,6%, còn lại là các dân tộc khác. Những năm qua, đời sống người dân không ngừng được nâng lên, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Kết quả đó có sự đóng góp của những người có uy tín (NCUT) trong đồng bào dân tộc thiểu số trong huyện.

Hợp tác xã Thành Công khai trương xưởng dệt thổ cẩm truyền thống dân tộc Mường

Ngày 13/7, Hợp tác xã Thành Công ở xóm Mát Trên, phường Dân Chủ (TP Hòa Bình) đã tổ chức khai trương xưởng dệt thổ cẩm truyền thống dân tộc Mường. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục