Nhằm mục tiêu hợp tác, tương trợ lẫn nhau, tạo việc làm cho lao động nông thôn trong lĩnh vực đan lát thủ công mây tre đan, dệt thổ cẩm truyền thống, may công nghiệp, tạo việc làm cho các thành viên, năm 2019, Hợp tác xã (HTX) Thành Công, phường Dân Chủ (TP Hòa Bình) được thành lập. Trong quá trình hoạt động, HTX triển khai hiệu quả mô hình "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là người dân tộc thiểu số, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm mây tre đan, sản phẩm dệt thổ cẩm, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc Mường”.


Hợp tác xã Thành Công, phường Dân Chủ (TP Hòa Bình) gìn giữ, phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn.

Tham gia HTX từ ngày đầu thành lập, bà Phùng Thị Tiếp, xóm Mát Trên, phường Dân Chủ chia sẻ: Dệt thổ cẩm là một trong những nét văn hóa độc đáo của người Mường Hòa Bình. Nghề dệt thổ cẩm đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo và thẩm mỹ cao để tạo ra các hoa văn trên cạp váy, cao váy, phà, khăn đa dạng, phong phú. Các dải hoa văn trên tấm vải được phân bố tạo ra thảm chỉ ngang, dọc, đối xứng theo các loại hình như: hình vuông, hình thoi, hình tam giác, hình chữ chi và những biểu tượng thiên nhiên như: cỏ cây, hoa lá, chim muông, con rồng 3 đụm, rồng 4 đụm, thể hiện sự phong phú, đa dạng của thiên nhiên. Ngay từ nhỏ tôi đã được bà, mẹ hướng dẫn dệt những nét hoa văn độc đáo của dân tộc Mường. Tuy nhiên, mãi sau này tôi mới có dịp theo đuổi đam mê nghề dệt thổ cẩm. Năm 2010, 6 chị em phụ nữ trong xóm thành lập tổ dệt thổ cẩm, sau này tham gia HTX Thành Công. Nghề dệt thổ cẩm đã góp phần tăng thu nhập cho bản thân và gia đình.

Ông Quách Thành Công, Giám đốc HTX Thành Công cho biết: Các thành viên trong HTX là người tại địa phương, am hiểu về lịch sử, có tay nghề, kinh nghiệm về đan lát thủ công mây tre đan và nghề dệt thổ cẩm, tạo ra những sản phẩm khác biệt. Thời điểm mới thành lập, HTX chỉ có 7 thành viên, cơ sở vật chất còn khó khăn, hiện tăng lên 20 thành viên, khoảng 40 nhân công lao động thời vụ. Các thành viên HTX đa số ở phường Dân Chủ và một số phường lân cận như Thống Nhất, Quỳnh Lâm, phần nhiều làm nghề nông nghiệp, có nhiều thời gian rảnh rỗi sau các mùa vụ, nên có nhu cầu tham gia sản xuất mây tre đan, dệt thổ cẩm để tăng thêm thu nhập cho gia đình. 

Để tiếp tục gìn giữ nét văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc trong lĩnh vực dệt thổ cẩm, phát triển và tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn là người dân tộc thiểu số trên địa bàn, HTX Thành Công đã phối hợp Hội Nông dân phường Dân Chủ và các xã, phường tổ chức các lớp dạy nghề ngắn hạn cho học viên là hội viên nông dân, phụ nữ. Từ năm 2022 - 2023, HTX đã mở 4 lớp dạy nghề may công nghiệp cho 120 học viên, 2 lớp học nghề đan lát thủ công mây tre đan cho 60 học viên, 2 lớp nghề dệt thổ cẩm cho 60 học viên lao động nông thôn là người dân tộc thiểu số tại xã Phong Phú, huyện Tân Lạc; các phường: Dân Chủ, Quỳnh Lâm, Thái Bình (TP Hoà Bình). Từ đó góp phần tạo việc làm tại chỗ, đáp ứng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp, làng nghề trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, HTX Thành Công đã mở xưởng dệt với 10 khung dệt và 10 thợ dệt lành nghề, trong đó có 1 thợ mắc khung cửi, 2 thợ đã có chứng chỉ dạy nghề, sản lượng 550 m/tháng, các mặt hàng đa dạng như cạp váy (rang trên, rang dưới), cao váy, các sản phẩm phụ của trang phục dân tộc Mường. Xây dựng chuỗi cung ứng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm mây tre đan, thời gian đầu có 20 nhân công đan lát thủ công mây tre đan, hiện có 50 nhân công trên địa bàn xã Phong Phú (Tân Lạc) và tổ 5, phường Quỳnh Lâm, sản lượng mỗi tháng đạt trên 2.000 sản phẩm.

Từ sự thành công của mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm mây tre đan với làng nghề xã Phú Vinh, huyện Chương Mỹ, (Hà Nội) xuất khẩu sang các nước châu Âu, được sự hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh, UBND phường Dân Chủ và các cơ quan, ban, ngành tạo điều kiện cho HTX phát triển hàng năm. Năm 2022, HTX đạt tổng doanh thu 2,5 tỷ đồng (tổng chi phí 1,8 tỷ đồng, lợi nhuận 700 triệu đồng), thu nhập bình quân đạt 9,7 triệu đồng/người/tháng. Năm 2023, tổng doanh thu đạt trên 3,3 tỷ đồng ( tổng chi phí trên 2,5 tỷ đồng, lợi nhuận 860 triệu đồng), thu nhập bình quân tăng lên 11,9 triệu đồng/người/tháng.

Đồng chí Nguyễn Đức Thịnh, Chủ tịch UBND phường Dân Chủ cho biết: Phường có trên 9.000 nhân khẩu, dân tộc Mường chiếm trên 40%. Trên địa bàn có 6 HTX, trong đó HTX Thành Công phát triển ổn định, giải quyết việc làm cho nhiều lao động trong và ngoài phường. Mô hình "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là người dân tộc thiểu số, sản xuất tiêu thụ sản phẩm mây tre đan, sản phẩm dệt thổ cẩm, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc Mường”của HTX Thành Công đã, đang tạo được hiệu ứng lan toả, cần được nhân rộng. Chúng tôi mong muốn HTX tiếp tục phát triển để tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.


Hương Lan

Các tin khác


Hiệu quả chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc ở xã Thành Sơn

Xã Thành Sơn (Mai Châu) có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, điều kiện kinh tế - xã hội (KT-XH) còn nhiều khó khăn. Thời gian qua, xã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, tập trung triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, coi đây là một trong những giải pháp quan trọng để từng bước nâng cao đời sống người dân.

Anh Bùi Văn Trang - nông dân tiêu biểu ở xã Hợp Phong

Nói đến anh Bùi Văn Trang (sinh năm 1982), hội viên nông dân người dân tộc Mường trú tại xóm Trang Giữa, xã Hợp Phong (Cao Phong), người dân địa phương không ai thấy xa lạ, bởi anh là tấm gương tiêu biểu trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, hội viên nông dân nhiệt huyết với các phong trào của hội.

Hỗ trợ các xã vùng cao huyện Lạc Sơn

Các xã vùng cao của huyện Lạc Sơn cách xa trung tâm, kết cấu hạ tầng, sản xuất, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Nhiều năm qua, tỉnh và huyện đã chú trọng hỗ trợ các địa phương này phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), cải thiện đời sống nhân dân.

Huyện Tân Lạc: Đầu tư 1,25 tỷ đồng cho bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số

Giai đoạn 2019 - 2024, huyện Tân Lạc đã đầu tư 1,25 tỷ đồng cho hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

Huyện Lạc Sơn: Mỗi năm có 7.000 hộ dân tộc thiểu số được vay vốn phát triển kinh tế

Những năm qua, huyện Lạc Sơn quan tâm thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập. Hoạt động cho vay vốn được triển khai kịp thời đã giúp hộ đồng bào dân tộc thiểu số tạo việc làm, chuyển đổi cơ cấu kinh tế.

Đổi mới công tác tuyên truyền pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số

Xác định rõ tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật (TTPBPL) cho người dân, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS), thời gian qua, các cấp, ngành, các địa phương chú trọng đổi mới, vận dụng linh hoạt, đa dạng hình thức tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức, ý thức và sự đồng thuận của nhân dân trong việc chấp hành các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục