Thuộc địa bàn vùng đặc biệt khó khăn, Trường TH&THCS Hang Kia A, xã Hang Kia (Mai Châu) bước đầu tạo được nền nếp trong công tác dạy và học với tỷ lệ học sinh chuyên cần có sự chuyển biến, học sinh vui đến lớp tăng lên từng năm.


 



Trong dịp khai giảng năm học 2024 - 2025, lãnh đạo Đảng uỷ, UBND xã Hang Kia đã động viên, tặng quà học sinh nghèo vượt khó của Trường TH&THCS Hang Kia A.

Cô giáo Ngần Thị Lâm, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Quá trình về đây công tác, tôi và các thầy, cô giáo có nhiều trăn trở trước thực trạng học sinh nghỉ học, bỏ học giữa chừng, nhất là học sinh khối THCS. Đặc biệt vẫn còn tình trạng học sinh tảo hôn. Với 98,5% học sinh của trường là người dân tộc Mông, vấn đề giao tiếp, truyền đạt kiến thức giữa giáo viên và học sinh có nhiều trở ngại. Đa số học sinh đầu cấp tiểu học không biết tiếng phổ thông, không mạnh dạn, ít được tiếp cận với thông tin. Do đó, chất lượng học sinh của nhà trường thấp hơn so với mặt bằng chung của huyện và của tỉnh. Nhà trường có 3 chi lẻ, chi xa nhất là Thung Mài cách điểm trường chính 7 km. 

Cùng với đó, trình độ dân trí trên địa bàn xã chưa cao, tỷ lệ phổ cập mù chữ của xã chỉ đạt mức 1. Do đời sống kinh tế khó khăn, việc quan tâm đến con cái, nhận thức đúng tầm quan trọng về vấn đề học của không ít cha mẹ học sinh còn hạn chế. Ngoài tới trường, các em còn phải giúp đỡ gia đình làm những công việc nặng nhọc của người lớn. Do đó, tỉ lệ chuyên cần của học sinh thấp, đặc biệt là lịch học buổi chiều. 

Để hoàn thành kế hoạch năm học, nhà trường xác định phải làm tốt công tác vận động học sinh, tham mưu lãnh đạo địa phương ủng hộ các hoạt động của nhà trường. Mặt khác, đội ngũ thầy, cô giáo nỗ lực bám trường, bám lớp. Với mục tiêu quan trọng là tăng tỉ lệ chuyên cần của học sinh, trong năm học 2023-2024, nhà trường duy trì được tỉ lệ chuyên cần đạt 97,23%, vượt 3,91% so với chỉ tiêu và tăng 2,36% so với năm học trước. Bên cạnh đó, nhà trường quan tâm chỉ đạo và giữ vững các tiêu chuẩn, chất lượng về công tác phổ cập giáo dục năm sau cao hơn năm trước, hiện xã đạt phổ cập THCS mức độ 2. 

Song song với những cố gắng tăng tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần, nhà trường đã có sự chuyển biến đáng kể về chất lượng giáo dục mũi nhọn. Năm học 2023-2024 là năm đầu tiên nhà trường có 6 học sinh tham dự IOE, kết quả có 4 em đạt. Về giáo viên giỏi cấp huyện có 4 đồng chí, trong đó có 1 đồng chí đạt giải ba. Ngoài ra, có 1 học sinh tham gia cuộc thi vẽ tranh "Em là chiến sĩ nhỏ Điện Biên” đạt giải nhì cấp tỉnh; học sinh tham gia các môn trong Hội khỏe Phù Đổng cấp huyện đoạt 1 chương vàng, 2 huy chương bạc, 1 huy chương đồng, ... Về kết quả hai mặt giáo dục phổ thông, trong tổng số 271 học sinh có 19 em xuất sắc, 57 em tiêu biểu, học tập tốt 1 nội dung, 186 em hoàn thành chương trình, 9 em chưa hoàn thành chương trình (3,32%). Khối THCS có tổng số 184 học sinh, trong đó 31 em đạt khá, 147 em đạt trung bình, 6 học sinh yếu (3,3%).

Hiệu trưởng nhà trường Ngần Thị Lâm cho biết: Những thành tích của nhà trường còn khiêm tốn, còn nhiều khó khăn trong việc dạy và học nên cần tiếp tục phát huy những việc làm được, có giải pháp đồng bộ hơn để khắc phục những tồn tại, hạn chế. Trong năm học 2024 - 2025, nhà trường tiếp tục quản lý chặt chẽ, có biện pháp thu hút học sinh đến trường nhằm nâng cao hơn nữa tỉ lệ chuyên cần. Xây dựng kế hoạch thực hiện nâng cao chất lượng giáo dục hai mặt của nhà trường. Tăng cường công tác mũi nhọn trong bồi dưỡng giáo viên giỏi, bồi dưỡng học sinh giỏi các cấp. Làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của phụ huynh học sinh trong việc phối hợp cùng nhà trường giáo dục con em, có biện pháp hữu hiệu để nâng cao khả năng tự học, cầu tiến trong học sinh, đặc biệt phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể làm tốt công tác phòng chống tảo hôn trong học sinh.


Bùi Minh

 

Các tin khác


Trên 800 tỷ đồng thực hiện chính sách về giáo dục

Toàn tỉnh hiện có 13 trường phổ thông dân tộc nội trú, trong đó có 1 trường phổ thông dân tộc nội trú THPT, 11 trường phổ thông dân tộc nội trú THCS&THPT và 1 trường phổ thông dân tộc nội trú THCS.

Góp phần nâng cao chất lượng dạy và học vùng dân tộc thiểu số

Là ngôi trường chuyên biệt, Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS&THPT huyện Đà Bắc là cái nôi nuôi dưỡng và đào tạo con em các dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn của huyện. Từ đó, góp phần đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng là người dân tộc thiểu số cho địa phương.

Giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết tại vùng dân tộc thiểu số

Sau 3 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021- 2025 (Chương trình 1719), nhiều nội dung, dự án nhằm giải quyết các vấn đề cấp thiết tại vùng đồng bào DTTS đã phát huy hiệu quả, góp phần xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ sinh kế, nâng cao đời sống người dân.

Huyện Kim Bôi bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc 

Huyện Kim Bôi có 83% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó chủ yếu là dân tộc Mường. Những năm qua, công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc được huyện quan tâm, là tiền đề để nâng tầm giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Mường trong cuộc sống hôm nay.

Tỷ lệ công chức, viên chức người dân tộc thiểu số được tuyển dụng chiếm 67,1%

Những năm qua, công tác phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số được chú trọng, nâng cao cả chất lượng và số lượng. Giai đoạn 2019 - 2024, tỉnh Hoà Bình đã tuyển dụng 836 công chức, viên chức, trong đó có 561 công chức, viên chức người dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 67,10%.

Huyện Cao Phong: Trên 77 tỷ đồng đầu tư các công trình vùng dân tộc thiểu số

Từ năm 2019 - 2024, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, huyện Cao Phong đã huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thuộc 4 dự án.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục