Những năm qua, hệ thống chính trị các cấp vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Hòa Bình thường xuyên được củng cố và kiện toàn. Công tác phát triển đảng viên trong vùng đồng bào DTTS được đẩy mạnh. Đảng bộ tỉnh hiện có 13 đảng bộ trực thuộc với 732 tổ chức cơ sở đảng, 70.192 đảng viên, trong đó có 43.205 đảng viên là người DTTS, chiếm 61,55%. Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, người đứng đầu các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ được quan tâm. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Đề án số 10-ĐA/TU và Nghị quyết số 11-NQ/TU về xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người DTTS tỉnh Hoà Bình giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030; tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ là người DTTS tham gia cấp ủy và HĐND các cấp đạt tỷ lệ cao.
Theo thống kê của Sở Nội vụ, giai đoạn 2019 - 2024, tỉnh đã tuyển dụng 836 công chức, viên chức, trong đó, tuyển dụng 561 công chức, viên chức người DTTS, chiếm 67%. Do thực hiện tốt công tác tuyển dụng, đến nay, tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) là người DTTS trên địa bàn tỉnh luôn cao hơn so với quy định tại Quyết định số 402/QĐ-TTg, ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển đội ngũ CBCCVC người DTTS trong thời kỳ mới. CBCCVC là người DTTS cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã hiện có 7 tiến sĩ, 551 thạc sĩ, 9.155 đại học.
Để xây dựng hệ thống chính trị vùng đồng bào DTTS, tỉnh ưu tiên phát triển nguồn cán bộ là người DTTS. Tỷ lệ cán bộ người DTTS tham gia cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp ngày càng tăng cao. Hiện nay, Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh có 49 đồng chí, tỷ lệ cán bộ người DTTS chiếm 71,4%; BCH Đảng bộ huyện có 391 đồng chí, tỷ lệ cán bộ người DTTS chiếm 63%; BCH Đảng bộ xã có 2.093 đồng chí, tỷ lệ cán bộ người DTTS chiếm 76,3%.
Theo Sở Nội vụ, chất lượng đội ngũ CBCCVC ngày càng được nâng lên; công tác phát triển đội ngũ CBCCVC là người DTTS được chú trọng. Đến nay, đội ngũ CBCCVC là người DTTS của tỉnh đã nâng lên cả về chất lượng và số lượng; có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất, đạo đức, trình độ, năng lực nghiệp vụ, góp phần củng cố, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước. Để xây dựng hệ thống chính trị vùng đồng bào DTTS vững mạnh ngay từ cơ sở, tỉnh đã thực hiện hiệu quả việc ghép các chức danh tại thôn, xóm, tổ dân phố với phương châm tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động tại cơ sở.
Bên cạnh thường xuyên chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội luôn chú trọng xây dựng, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.
Ngoài ra, tỉnh phát huy hiệu quả đội ngũ người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS. Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện có 1.407 người có uy tín trong đồng bào DTTS. Trong xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, người có uy tín là cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền với người dân, tích cực tham gia các hoạt động xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể. Các đợt tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp, người có uy tín trên địa bàn tỉnh đã có nhiều ý kiến phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Nhiều người có uy tín tuy tuổi cao nhưng vẫn nhiệt tình tham gia công tác ở cơ sở, đảm nhiệm các chức vụ như bí thư chi bộ, trưởng thôn, bản, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng ban công tác mặt trận và các đoàn thể; tham gia làm tổ trưởng tổ hòa giải, tổ an ninh; là hội viên mẫu mực của các tổ chức xã hội… Qua đó góp phần xây dựng hệ thống chính trị vùng đồng bào DTTS vững mạnh từ cơ sở.
Dương Liễu