Những năm qua, vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) là một trong những "trụ cột” quan trọng trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).
Người dân xã Quyết Thắng (Lạc Sơn) vay vốn chính sách để nuôi gà thả vườn, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Hòa Bình là tỉnh miền núi với dân số trên 90 vạn người, đồng bào DTTS chiếm gần 75%. Tỉnh có 1 huyện nghèo, 145 đơn vị cấp xã thuộc vùng DTTS và miền núi; 507 thôn, xóm đặc biệt khó khăn. Do đó, nhu cầu được vay vốn chính sách của bà con rất lớn. Từ nguồn vốn này đã có hàng nghìn hộ nghèo, hộ chính sách có những bước tiến vững chắc trên hành trình vượt lên đói, nghèo. Gia đình ông Bùi Văn Út (dân tộc Mường), xóm Đai, xã Thạch Yên (Cao Phong) là một trong số đó. Trước đây, gia đình ông Út thuộc hộ nghèo, kinh tế hết sức khó khăn. Mặc dù có gần 1 ha đất đồi, đất vườn, nhưng ông Út vẫn loay hoay bài toán "trồng cây gì, nuôi con gì?”. Quan trọng nhất là lấy vốn ở đâu đầu tư?
Vay vốn của NHCSXH, đó là lời giải cho những băn khoăn của gia đình ông Út. Với số vốn vay, ông đã đầu tư trồng mía, mua thêm 2 con trâu sinh sản để tận dụng nguồn thức ăn từ sản xuất nông nghiệp. Nhờ sự cần cù, chịu khó mà kinh tế gia đình ông không ngừng được cải thiện, đến nay đã chính thức thoát nghèo. Ông Út chia sẻ: Vốn vay ưu đãi của NHCSXH có ý nghĩa rất quan trọng đối với gia đình tôi. Bởi từ nguồn vốn này gia đình mới phát triển chăn nuôi, trồng mía, đem lại nguồn thu nhập để dần ổn định cuộc sống.
Cũng từng thuộc diện hộ nghèo và loay hoay trong những khó khăn, nhưng khi được vay vốn chính sách, gia đình bà Bùi Thị Viến, xóm Duộng Rềnh, xã Quyết Thắng (Lạc Sơn) đã tìm được hướng thoát nghèo. Có tiềm năng về đất vườn rộng, bà Viến mạnh dạn làm đơn xin vay vốn từ NHCSXH để đầu tư nuôi gà thả vườn. Với số tiền được vay 100 triệu đồng, gia đình bà Viến đã đầu tư chuồng trại, thức ăn cho gà. Sau gần một năm vay vốn, mô hình nuôi gà thả vườn của gia đình bà bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế. Bà Viến chia sẻ: "Ở địa phương có nhiều hộ đã nuôi gà từ lâu. Do đó gia đình tôi đã vay vốn của NHCSXH để nuôi gà. Tôi thấy đây là hướng phát triển kinh tế phù hợp”.
Ngoài nguồn vốn phát triển kinh tế, nguồn vốn cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn của NHCSXH cũng đã "phủ” khắp các thôn, xóm trên địa bàn tỉnh. Từ nguồn vốn này đã giúp rất nhiều hộ xây dựng được công trình vệ sinh, công trình nước sạch đảm bảo phục vụ cuộc sống. Như chia sẻ của bà Vì Thị Phiến, xóm Nhót, xã Nà Phòn (Mai Châu): Khoảng hơn 10 năm trước, không chỉ kinh tế còn khó khăn mà chất lượng cuộc sống của bà con còn rất thấp. Từ khi có nguồn vốn cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường, các hộ gia đình có nguồn nước đảm bảo, xây dựng được nhà tiêu hợp vệ sinh. Do đó chất lượng cuộc sống, sức khoẻ được nâng lên rõ rệt.
Theo Chi nhánh NHCSXH tỉnh, hiện nay trên địa bàn tỉnh triển khai 20 chương trình tín dụng chính sách. Giai đoạn từ năm 2021 đến nay, đã có trên 102 nghìn hộ nghèo và hộ đồng bào DTTS được tiếp cận nguồn vốn. Việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách có vai trò quan trọng trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, góp phần to lớn vào công tác giảm nghèo của tỉnh. Năm 2023, hộ nghèo toàn tỉnh còn 20.306 hộ, giảm 13.723 hộ so với năm 2021; chiếm tỷ lệ 9,2%, giảm 6,29% so với năm 2021.
Viết Đào
Những năm qua, các cấp Hội Nông dân (HND) huyện Yên Thủy triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" thu hút đông đảo cán bộ, hội viên tham gia. Từ phong trào, nhiều hộ hội viên, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã vươn lên thành hộ khá, giàu và giúp đỡ nhiều hộ khác vươn lên thoát nghèo, góp phần phát triển KT-XH địa phương.
Giai đoạn 2019 - 2024, huyện Kim Bôi thực hiện Dự án 6 - Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN). Cùng nguồn ngân sách trung ương giao, huyện đã huy động, lồng ghép các nguồn lực để đầu tư trang thiết bị và nâng cấp các công trình sinh hoạt cộng đồng cho các xóm vùng đồng bào DTTS&MN.
Cùng với việc nâng cao chất lượng giáo dục, những năm gần đây, huyện Kim Bôi đã đa dạng các hình thức giúp học sinh dân tộc thiểu số gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Bằng tình yêu với nhạc cụ dân tộc, ở tuổi ngoài 60, nghệ nhân Hoàng Văn Viên, xóm Giếng Xạ, xã Cư Yên (Lương Sơn) vẫn giữ niềm say mê, nhiệt huyết. Ông tích cực tham gia biểu diễn dân ca, dân vũ và truyền dạy chiêng Mường với mong muốn bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
Theo Phòng giao dịch Ngân hành Chính sách xã hội huyện Tân Lạc, trong 9 tháng năm 2024, trên địa bàn huyện đã có 3.056 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn chính sách. Doanh số cho vay đạt trên 124,6 tỷ đồng, với 10 chương trình tín dụng được giải ngân. Đến nay, tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Tân Lạc đạt trên 577 tỷ đồng với 15.521 hộ còn dư nợ.
Để giải quyết tình trạng thiếu nhà ở, đất ở, đất sản xuất cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai có hiệu quả chính sách về đất đai và các tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.