(HBĐT) - Sau 1 năm, chúng tôi trở lại xóm Sổ, xã Trung Thành (Đà Bắc) vào những ngày cuối năm với thật nhiều cảm xúc khó tả. Xóm nghèo này đang từng ngày đổi thay, khoác lên mình “tấm áo mới” đầy hy vọng. Chi trường mầm non được xây mới. Trong xóm đã có những con đường được bê tông hóa phẳng lì và Tết này, đường vào xóm Sổ sẽ được đổ bê tông hết.

 

Xóm Sổ là 1/36 xóm đặc biệt khó khăn của tỉnh với 58 hộ dân, chủ yếu là bà con dân tộc Tày. Tháng 12/2015, chúng tôi có chuyến công tác lên Sổ, khi ấy bà con ở xóm nghèo này rất vui vì cây cầu treo dân sinh bắc qua suối Sổ đã được xây dựng. Lần trở lại vào những ngày cuối năm Bính Thân này, câu chuyện thêm rôm rả, xúc cảm hơn khi bà con kể lại quá khứ đói khổ và niềm lạc quan về tương lai no ấm.

 

Chuyện của bà Lan - chuyện của xóm Sổ

 

Khác hẳn với thời tiết mây mù, u ám của những ngày đông giá rét, chúng tôi về Sổ trong một ngày trời quang đãng, những tia nắng hồng “đổ” từ những triền đồi ở phía xa xuống Sổ. Sổ những ngày này đã tràn ngập sắc xuân. Bà Hà Thị Lan năm nay 55 tuổi bế đứa cháu nhỏ, ngồi ở cửa vóng (cửa sổ) nhà sàn chăm chú nhìn các anh thợ hồ xây từng viên gạch cho ngôi trường mầm non của xóm.  

 

Lấy chồng từ năm 18 tuổi, đến năm bà 21 tuổi, vì bạo bệnh, chồng bà mất. Cuộc sống vất vả, đầu tắt mặt tối của bà Lan là minh chứng điển hình cho một thời gian khó của xóm lác đác vài ngôi nhà ở nơi thâm sơn, cùng cốc này. “Trước đây, Sổ chỉ có 7 nóc nhà, sau tăng lên 12, đến mãi sau này mới đông như bây giờ. Xóm nằm biệt lập, không có đường vào, bốn mặt chỉ có núi non. Đời sống nghèo nàn, lam lũ, chủ yếu ăn sắn, rau, măng ở rừng, còn muốn mua, bán thì phải xuống chợ Cao Sơn”, bà Lan mở đầu câu chuyện về những năm gian khó.

 

 

Một đoạn đường được bê tông hóa trong năm 2016, thỏa nỗi  ao ước bao ngày của bà con  xóm Sổ, xã Trung Thành (Đà Bắc).

 

50 kg măng rừng, một bó đuốc, ngày này qua tháng nọ, bà Lan và những người phụ nữ trong xóm dậy từ lúc 1 giờ sáng, cuốc bộ hơn 5 km đường rừng, vượt qua con dốc Hang Ma dựng đứng, đến 5 giờ mới đến chợ Cao Sơn. Bán vội hàng, họ lại mau chóng mua mắm, muối, vài con cá khô, ít dầu thắp sáng nhanh chóng trở về nhà. “Do chưa có đường nên người trong xóm chả đi đâu, người xóm khác cũng chẳng ai đến. Việc canh tác cũng rất khó khăn, trồng ngô, sắn ở nương phải đi canh vì thú rừng phá. ốm đau chẳng có thuốc men, nặng quá thì nhờ thầy mo đến cúng. Bây giờ gọi là xóm Sổ nhưng ngày xưa mọi người vẫn gọi là xóm Khổ vì nghèo đói quá”, bà Lan chia sẻ thêm.

 

Thân gái một mình nuôi con vất vả, ngỡ rằng trên khuôn mặt bà chỉ có những “vết thời gian” đói khổ, nụ cười là thứ xa xỉ. Thế nhưng, câu chuyện về thời hàn vi được bà kể lại vừa xúc động, vừa đầy tiếng cười bởi sự khôi hài, dí dỏm. Nụ cười của bà Lan hôm nay là minh chứng cho sự chuyển mình của Sổ.

 

Những niềm vui gọi xuân về sớm

 

“Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, năm nay, xóm bê tông hóa 450 m đường giao thông nội xóm. Chi trường mầm non nhà tranh, vách nứa giờ được xây mới to đẹp hơn, dự kiến sẽ khánh thành vào tháng 5 năm sau. Trước Tết Nguyên đán, tuyến đường từ trung tâm xã vào xóm sẽ được đổ bê tông những đoạn còn lại nên bà con rất phấn khởi”, anh Lường Văn Tuấn, Trưởng xóm Sổ phấn khởi khoe với chúng tôi.

 

Năm ngoái, con đường độc đạo, rộng chỉ hơn gang tay dẫn vào khu nhà anh Tuấn khiến chúng tôi lạnh sống lưng khi liều mình đi xe máy vào. Khi đó, bà Đinh Thị Lộc là Trưởng xóm Sổ đã chia sẻ mong ước cháy bỏng, đó là mở được con đường “chỉ cần rộng 50 cm là hết ý rồi”. Giờ đây, điều đó đã trở thành hiện thực, con đường rộng gấp đôi ước muốn của bà Lộc.

 

Được biết, ngoài 2 ngày Tết (Độc lập và Nguyên đán), người Tày còn có Lễ Cơm mới. “Giờ đây đời sống có nhiều thay đổi, bà con ăn Tết vui vẻ, lành mạnh. Trong ngày Tết, các gia đình thường tổ chức lồng 2 lễ là (cúng tổ tiên và cúng cơm mới). Tết kéo dài 3 - 4 ngày, là dịp anh em, họ hàng đi chúc Tết, cùng ôn lại những nét văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc. Tết này, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhiều công trình mới được xây dựng nên ai nấy đều phấn khởi”, anh Lường Văn Tuấn, Trưởng xóm Sổ bộc bạch.

 

Là dâu mới của xóm Sổ, chị Lò Thị Đào, quê ở huyện Mường ẳng, tỉnh Điện Biên đi theo tiếng gọi con tim về làm dâu ở xóm nghèo này. Chị Đào cho biết: “Lúc đầu theo chồng về ra mắt gia đình, nhìn hoàn cảnh, đường sá khó khăn cũng ngại nhưng duyên số thì mình phải theo. Bây giờ, xóm có nhiều thay đổi nên tôi và gia đình rất vui”.

 

Trong câu chuyện với bà con xóm Sổ, họ còn khoe, giờ nhà nào ở Sổ cũng có tivi. Một số con em trong xóm đã đi học cao đẳng, đại học. Cháu nh? đều đến trường theo đúng độ tuổi quy định. Trong phát triển kinh tế, với sự hỗ trợ của các cấp ủy, chính quyền, Sổ đã có những hướng đi đầy lạc quan.

 

 

 

                                                                                        Viết Đào

 

Các tin khác


Khẩn cấp mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định có thể tăng gấp đôi năng lực cho sân bay. Hàng loạt dự án mở rộng, giải tỏa ách tắc cho cảng hàng không đông nhất cả nước này đã được công bố

Huyện Cao phong: Khó khăn thực hiện tiêu chí thu nhập và hộ nghèo

(HBĐT) - Trong những năm qua, huyện Cao Phong đã triển khai nhiều biện pháp, tạo điều kiện để nhân dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững. Theo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2016 theo chuẩn nghèo mới, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Cao Phong còn 21,87%.

Bún mắng, cháo chửi hết đất sống

“Bún mắng, cháo chửi” từ lâu đã trở thành đặc sản bất đắc dĩ của Hà Nội. Mới đây, Văn phòng Thành ủy Hà Nội có văn bản yêu cầu xử lý nghiêm, thậm chí thu hồi giấy phép của những chủ kinh doanh có hành vi xúc phạm khách hàng.

Huyện Kỳ Sơn nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn

(HBĐT) - Được sáp nhập vào cuối năm 2014 từ Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Trung tâm Dạy nghề, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp huyện Kỳ Sơn đã đi vào hoạt động ổn định, đóng góp vào kết quả công tác đào tạo nghề cho người lao động trên địa bàn.

Lo ngại tình trạng tảo hôn ở thành phố Hòa Bình

(HBĐT) - Theo thống kê của Trung tâm DS-KHHGĐ thành phố Hòa Bình, năm 2015, trên địa bàn có 13 trường hợp tảo hôn, năm 2016 có 7 trường hợp. Phần lớn các trường hợp tảo hôn là nữ nhưng cũng có những trường hợp cả vợ và chồng. Sau tảo hôn, các em phải chịu thiệt thòi hơn so với bạn cùng trang lứa, khi bạn bè ngày ngày đến trường học thì các em phải nghỉ học ở nhà lo cho kỳ sinh nở, chăm con.

Bệnh viện đa khoa Bắc Cạn nhận trách nhiệm đối với bệnh nhân bị để quên kéo panh trong ổ bụng

Sáng 29-12, Bác sĩ Trịnh Thị Lượng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Bắc Cạn cho biết: Chúng tôi sẽ có trách nhiệm tối đa với bệnh nhân Ma Văn Nhật, cư trú tại thôn 1, xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn (Bắc Cạn)- người bị kíp mổ của BVĐK Bắc Cạn để quên chiếc kéo panh trong ổ bụng 18 năm trước mà Nhân Dân điện tử đã phản ánh ngày 28-12.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục