(HBĐT) - Từ những lũa gỗ, phiến đá vô tri, dưới bàn tay chế tác tài hoa của người thợ đá, gỗ bỗng nên hình hài, trở thành những kiệt tác độc đáo và sống động. Chúng tôi đến thăm “làng nghề gỗ lũa, đá cảnh” xóm Đoàn Kết, xã Lâm Sơn, làng nghề duy nhất của huyện Lương Sơn đến thời điểm này được công nhận làng nghề, xem cách bà con làm nghề và nghe họ kể câu chuyện khởi nghề chừng hơn 20 năm trước.
Chuyện rằng vào năm 1994, có vài ba hộ ở xóm Đoàn Kết nhận thấy ở địa phương mình có sẵn nguyên vật liệu đá, gỗ nên nảy sinh ý tưởng tự chế tác. Ngày đầu, hàng hóa sản xuất chủ yếu là hàng thô. Các hộ tận dụng lợi thế có tuyến QL6 đi qua để giới thiệu sản phẩm và bán cho khách qua đường. Cứ như vậy, thời gian thử thách ý chí và sự sinh tồn, từ 5 - 6 hộ, đến nay, làng nghề đã phát triển lên 51 hộ. Trước yêu cầu ngày càng cao của thị trường cả về số lượng và kỹ thuật, các hộ vừa mày mò nghiên cứu, vừa đi học nâng cao tay nghề, từ đó cho ra đời những tác phẩm gỗ lũa, đá cảnh ngày càng có tính thẩm mỹ và nâng tầm giá trị cao hơn. Trong làng có 6 nghệ nhân và có tới 60 thợ kỹ thuật chế tác.
Khách hàng thăm quan cơ sở sản xuất gỗ lũa của anh Đoàn Xuân Thành, làng nghề Đoàn Kết -xã Lâm Sơn (Lương Sơn).
Ông Trần Xuân Tú đã có ngót 20 năm làm nghề chế tác gỗ lũa tại làng nghề Đoàn Kết. Cơ sở sản xuất gỗ lũa Xuân Tú của gia đình ông quy mô không thua kém bất cứ cơ sở nào cùng địa phương lại có vị trí ngay trên trục đường nên khá đông khách. Công việc hàng ngày của ông là giao dịch kinh doanh nhưng với các sản phẩm đòi hỏi tay nghề kỹ thuật cao, ông vẫn phải là người trực tiếp chỉ bảo, hướng dẫn thợ tỉ mỉ. Xưởng chế tác của ông hiện thu hút 6 thợ làm nghề. Theo ông Tú, việc giao dịch sản phẩm gỗ lũa diễn ra quanh năm nhưng cao điểm, nhộn nhịp nhất vẫn là vụ Tết. Khách hàng không chỉ là những người qua đường mà phần nhiều là các mối mua buôn chuyển các tỉnh mạn xuôi như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định…
Cách cơ sở của ông Tú không bao xa, cơ sở gỗ lũa Thành Hạnh của anh Đoàn Xuân Thành cũng quy mô nhất, nhì xóm. Anh Thành còn khá trẻ, vào nghề khoảng mươi năm nay nhưng đôi tay chế tác khéo léo của anh thì trong làng nghề này ít ai bì kịp. Hiện tại, cơ sở của anh thu hút 6 lao động với mức thu nhập bình quân 7 triệu đồng /người/tháng. Riêng với thợ chế tác tay nghề cao, anh trả mức lương 10 triệu đồng. Anh Thành tiết lộ: Hàng tháng, doanh thu của gia đình bình quân 100 triệu đồng /tháng, riêng tháng Tết, doanh thu tăng gấp hai, gấp ba lần, lợi nhuận nhờ vậy cũng tăng đáng kể.
Sản phẩm hàng hóa bán chạy, đời sống, thu nhập của người làm nghề ngày càng được nâng cao. Để tạo ra kết quả, những người thợ chế tác đá, gỗ lũa làng nghề Đoàn Kết phải miệt mài, vất vả đêm ngày, tìm tòi đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao về kỹ thuật. Chúng tôi trầm trồ trước những sản phẩm gỗ lũa, đá cảnh được tạo hình, chạm, khắc quá kỳ công. Để ra đời những sản phẩm hoàn hảo, chạm, khắc tinh vi như hạc tùng, ông rùa… Các bậc nghệ nhân ít nhất phải làm trong 45 - 50 ngày hay như tác phẩm bát tiên, ngũ phúc, long thọ… thời gian hoàn thành chí ít cũng ròng cả tháng. Tại cơ sở của anh Thành có những tác phẩm hết sức ấn tượng mà cơ sở khác không có, đó là tuyệt tác cửu long tranh châu, anh hùng độc lập, ngũ phúc, cây tùng… Bên cạnh những sản phẩm có giá vài trăm triệu đồng, các thợ chế tác làng nghề còn tạo ra rất nhiều sản phẩm mang giá trị thẩm mỹ và mỹ thuật, có tính ứng dụng cao như bàn, ghế, tủ, kệ, lục bình, tranh…
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Văn Diệp, trưởng xóm Đoàn Kết khẳng định: Nghề gỗ lũa, đá cảnh đã mang đến cho các hộ dân cơ hội đổi đời và tiếp tục duy trì sức sống làng nghề mãnh liệt. Số hộ tham gia làm nghề ở xóm chiếm 34% tổng số hộ. Hàng hóa sản xuất ra đến đâu được tiêu thụ hết đến đó. Đáng kể, ngành nghề đã tạo ra những sản phẩm đa dạng về chủng loại, phong phú về mẫu mã, mang đậm nét văn hóa Việt Nam, hợp với thuần phong mỹ tục, mỹ thuật nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Trong các năm 2014 - 2016, thu nhập từ nghề chế tác gỗ lũa, đá cảnh dao động ở mức trên, dưới 4 tỷ đồng, chiếm trên 70% tổng thu nhập của cả xóm.
Bùi Minh
(HBĐT) - Thực hiện chỉ đạo của LĐLĐ tỉnh về chăm lo tết cho công nhân lao động, ngày 21/1/2017 Liên đoàn Lao động huyện Lạc Thủy đã phối hợp với TTPT Cụm Công Nghiệp và Hội Doanh Nghiệp vừa và nhỏ huyện tổ chức Tết Sum Vầy cho 80 CNLĐ trong huyện.
(HBĐT) - 20 ngày nữa là khắp các bản, làng trong tỉnh đón Tết cổ truyền, thời điểm này, những bó lá dong rừng đang được bà con ở xóm Cạn 1 và Cạn 2, xã Xuân Phong (Cao Phong) tập kết về “bảo quản” tại suối Cái. Một công việc thời vụ với bao niềm vui, cả những nỗi vất vả đã góp phần tạo nên một nét chấm phá thú vị trong bức tranh rộn ràng của ngày Tết.
HBĐT) - Mỗi độ xuân về, khi hoa đào, hoa mơ nở rộ cũng là lúc người Dao Tiền xóm Phủ, xã Toàn Sơn (Đà Bắc) tạm gác công việc hàng ngày để chuẩn bị vui Tết, đón xuân. Năm nay, người dân xóm Phủ đón Tết cổ truyền sớm và to hơn mọi năm, từ người già đến trẻ nhỏ đều chuẩn bị cho mình những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất để đi chơi Tết.
(HBĐT) - Mừng tuổi ngày Tết hay còn gọi lì xì từ lâu đã trở thành nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của người phương Đông nói chung và của các miền quê của đất nước Việt Nam nói riêng mỗi khi Tết đến, xuân về. Trong những ngày đầu năm, trẻ con được nhận tiền mừng tuổi với ước mong trẻ hay ăn, chóng lớn, ngoan ngoãn, học giỏi. Người già được con cháu lì xì để mừng thọ, chúc sức khỏe. Mọi người mừng tuổi nhau chúc cho 1 năm mới đủ đầy, an khang, thịnh vượng…
(HBĐT) - Phố lên đèn cũng là lúc mỗi người sau một ngày làm việc mệt mỏi đều muốn trở về bên gia đình nhưng lại có những con người vẫn hàng ngày cần mẫn, âm thầm và lặng lẽ làm công việc làm sạch đô thị như một guồng quay không ngừng nghỉ. Nếu ví bụi bẩn, rác thải, cái khắc nghiệt của thời tiết như cát ở sa mạc thì họ - những công nhân vệ sinh môi trường đô thị chính là “hoa xương rồng trên cát”.