(HBĐT) - Tuy cách Thủ đô Hà Nội trên 30 km nhưng tỉnh ta có nhiều địa bàn vùng đặc biệt khó khăn, điều kiện kinh tế và nhận thức của người dân không đồng đều, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn xảy ra.
Thống kê của các cơ quan chức năng, từ năm 2013 - 2015, toàn tỉnh có 1.556 trường hợp tảo hôn (nhiều nhất là các huyện: Mai Châu, Tân Lạc, Lương Sơn, Kỳ Sơn, Yên Thủy, Lạc Sơn, Kim Bôi). Tình trạng hôn nhân cận huyết thống cũng xảy ra ở một số địa bàn vùng đặc biệt khó khăn.
Trước tình hình này, thực hiện Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015- 2025, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2196, ngày 26/10/2015 để thực hiện Đề án của Chính phủ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 1 (2015- 2020). Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2020 vừa nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi trong lĩnh vực hôn nhân của người dân vùng dân tộc thiểu số, vừa giảm bình quân mỗi năm từ 2 - 3% cặp tảo hôn và ngăn chặn không để xảy ra tình trạng hôn nhân cận huyết thống. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh tập trung tập huấn kiến thức pháp luật, y tế, tuyên truyền nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi cho cán bộ, công chức làm công tác dân tộc các cấp, cán bộ thôn, bản, người có uy tín trong dòng họ; thanh niên, thiếu niên; phụ huynh và học sinh trong độ tuổi đi học tại địa bàn các xã đặc biệt khó khăn và địa bàn có tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cao; xây dựng các mô hình điểm để can thiệp trước khi tổ chức ra diện rộng. Cũng theo quyết định của UBND tỉnh, dự kiến tổng kinh phí cho thực hiện giai đoạn 1 của Đề án là 3, 120 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và các nguồn vốn hợp pháp khác. UBND tỉnh giao Ban Dân tộc tỉnh chủ trì phối hợp với các ngành hữu quan tổ chức thực hiện.
Đồng chí Hoàng Quang Minh, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Sau một thời gian thực hiện các bước chuẩn bị, Ban Dân tộc tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh quyết định phê duyệt mô hình điểm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh (giai đoạn 2016- 2018) tại trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT tỉnh Hòa Bình và xã Hang Kia, huyện Mai Châu; phối hợp với các Sở: Y tế, Tư pháp, GD&ĐT, UBND huyện Mai Châu và UBND xã Hang Kia và các trường học trên địa bàn xã để thực hiện.
Kết quả, trong năm 2016, Ban Dân tộc tỉnh đã biên soạn tài liệu, tổ chức 2 đợt hội nghị tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho các cán bộ, công chức tham gia thực hiện đề án; tổ chức các đoàn khảo sát, nắm tình hình thực tế ở địa bàn trước khi triển khai các hoạt động của mô hình. Tiếp đó, Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức 2 lớp tập huấn cho 100 học viên là cán bộ không chuyên trách của các xóm, cán bộ xã Hang Kia và cán bộ, giáo viên, bí thư chi Đoàn thanh niên, lớp trưởng các lớp học của trường phổ thông dân tộc nội trú THPT tỉnh. Nội dung tập huấn tập trung vào các chuyên đề: Quy định của pháp luật liên quan đến tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; những tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đến đời sống gia đình, sức khỏe bà mẹ, trẻ em và trật tự xã hội. Học viên cũng được xem các phóng sự tuyên truyền về thực trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết và các giải pháp ngăn ngừa, khắc phục.
Bên cạnh đó, Ban Dân tộc tỉnh cũng phối hợp với các ngành hữu quan tổ chức 6 buổi nói chuyện chuyên đề cho 440 học đoàn viên, thanh - thiếu niên dân tộc thiểu số của xã Hang Kia và trường dân tộc nội trú tỉnh; hỗ trợ 42 buổi phát thanh chuyên đề; lắp đặt 10 pa nô tuyên truyền, phát 600 tờ gấp pháp luật về các nội dung liên quan đến phòng tránh, hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại 2 địa bàn làm mô hình điểm; lồng ghép tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” cho học sinh trường dân tộc nội trú tỉnh.
Thông qua các hoạt động truyền thông, tư vấn tại 2 địa bàn thực hiện mô hình điểm triển khai Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số” cho thấy: Sau khi được học tập và truyền thông các kiến thức pháp luật về chăm sóc sức khỏe sinh sản, đa số người dân và các đối tượng trực tiếp chịu sự tác động của tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đều hiểu rõ chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về hôn nhân và gia đình, về bình đẳng giới; nâng cao nhận thức và kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, phòng tránh tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (đặc biệt là nhóm đối tượng đoàn viên, thanh - thiếu niên xã Hang Kia).
Từ kết quả triển khai mô hình điểm, năm 2017, các cơ quan được giao thực hiện đề án tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền theo hướng: Đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung, đảm bảo phù hợp với văn hóa, dân trí, phong tục của từng vùng đồng bào dân tộc nhưng vẫn đảm bảo truyền tải các quy định của pháp luật cũng như những hậu quả xấu có thể xảy ra khi tảo hôn và xác lập hôn nhân cận huyết thông. Cùng với tuyên truyền, các cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm pháp luật trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình để tăng hiệu quả giáo dục, phòng ngừa chung. Tuy nhiên, việc hạn chế, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh là việc làm lâu dài, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị ở cơ sở và trách nhiệm cụ thể của từng gia đình, từng bạn trẻ là người dân tộc thiểu số mới có thể làm chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động, vì hạnh phúc của từng gia đình và sự phát triển bền vững của xã hội.
Mai Huệ
(Sở Tư pháp)
(HBĐT) - Ngày 5/2, Văn phòng Tổng đại lý Bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi Life Việt Nam tại tỉnh Hòa Bình tổ chức tổng kết hoạt động năm 2016 và triển khai định hướng kinh doanh năm 2017.
(HBĐT) - An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) là vấn đề liên quan đến hiệu quả SX-KD của doanh nghiệp, quan trọng hơn là liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người lao động (NLĐ). Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, huấn luyện và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về ATVSLĐ… nhưng tình hình tai nạn lao động trên địa bàn tỉnh đang có chiều hướng gia tăng. Thực trạng đó đòi hỏi có các giải pháp kịp thời, hữu hiệu để bảo vệ vốn quý nhất của con người là sức khỏe, tính mạng.
(HBĐT) - Tại xã Ngọc Sơn - huyện Lạc Sơn, Công an tỉnh phối hợp cùng Báo CAND, Ngân hàng NN &PTNT Việt Nam và một số nhà hảo tâm đã trao hơn 20 suất quà, mỗi suất trị giá 500.000 đồng và một số hiện vật khác cho các hộ nghèo, người già neo đơn, hộ gia đình chính sách khó khăn, trẻ em nghèo hiếu học 4 xã (Ngọc Sơn, Tự Do, Ngọc Lâu, Định Cư). Đây là các xã thuộc vùng 135, đường đi hiểm trở, trên 90% là đồng bào dân tộc Mường. Tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 50%.
(HBĐT) - Từ những lũa gỗ, phiến đá vô tri, dưới bàn tay chế tác tài hoa của người thợ đá, gỗ bỗng nên hình hài, trở thành những kiệt tác độc đáo và sống động. Chúng tôi đến thăm “làng nghề gỗ lũa, đá cảnh” xóm Đoàn Kết, xã Lâm Sơn, làng nghề duy nhất của huyện Lương Sơn đến thời điểm này được công nhận làng nghề, xem cách bà con làm nghề và nghe họ kể câu chuyện khởi nghề chừng hơn 20 năm trước.
Từ tháng 2-2017, nhiều chính sách mới trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội như Miễn thuế nhập khẩu, giá trị gia tăng với hàng tạm nhập bán tại cửa hàng miễn thuế; Miễn lệ phí cấp căn cước công dân lần đầu cho người đủ 14 tuổi; Vứt tàn thuốc lá không đúng nơi quy định, phạt đến 1 triệu đồng; Thi thăng hạng viên chức y tế 2017 chưa cần có chứng chỉ bồi dưỡng… sẽ chính thức có hiệu lực.
(HBĐT) - “Anh đến Kỳ Sơn sớm xuân này/ Sương giăng quanh núi, mưa nhẹ bay / Dòng người nô nức đi trẩy hội / Nghe tiếng cồng chiêng vui ngất ngây”… Những câu thơ mở đầu bài thơ “Xuân hội Kỳ Sơn” của tác giả Phạm Mạnh Hùng như lời mời gọi đưa chúng tôi hoà vào dòng người về với hội xuân Kỳ Sơn.