Theo số liệu thống kê của Công an huyện Yên Thủy, trên địa bàn huyện hiện có 89 người chấp hành xong án phạt tù, trong đó có 61 người được tha về từ trại giam Bộ Công an, 28 người chấp hành từ trại tạm giam Công an tỉnh. Sau khi được tha về địa phương, 61 đối tượng đã về đúng địa bàn nơi cư trú, 27 người không về đúng địa bàn nơi cư trú. Đây là một trong những khó khăn trong công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù. Đồng chí Bùi Đức Hảo, Phó Công an huyện Yên Thủy cho biết: Trong thời gian qua, đơn vị đã chủ động tham mưu nhiều văn bản, chương trình về thực hiện Nghị định số 80 của Chính phủ trong việc thực hiện, đẩy mạnh công tác tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn. Trên cơ sở đó, Chủ tịch UBND huyện đã có văn bản yêu cầu, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, UBND cấp xã có nhiều chính sách, cách thức giúp đỡ những người lầm lỡ để họ yên tâm ổn định cuộc sống, góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn. Công an huyện cũng tổ chức tư vấn về tâm lý, hỗ trợ các thủ tục pháp lý cho 67 người, hướng dẫn thủ tục đăng ký hộ khẩu, cấp giấy chứng minh nhân dân, cấp phiếu lý lịch tư pháp cho 100% đối tượng đã chấp hành xong án trên địa bàn, phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn rà soát đối tượng chấp hành xong án phạt tù và giao các đoàn thể tổ chức quản lý, giám sát các đối tượng.
Đặc biệt, xác định công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của xã hội là một trong những yếu tố quan trọng giúp người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng, lực lượng Công an huyện và các ngành, đoàn thể đã tổ chức tư vấn bằng cách nói chuyện trực tiếp về các thủ tục pháp lý cho 12 đối tượng chấp hành xong án phạt tù tại xã Ngọc Lương. Tại đây, Công an huyện chỉ rõ khi đã chấp hành xong án phạt, họ có quyền trở về bình đẳng với xã hội, tuy nhiên, họ rất cần sự giúp đỡ của cộng đồng để có thể tránh xa con đường tội lỗi. Từ năm 2016 đến nay, Công an huyện và các ngành, đoàn thể đã tổ chức được 13 lượt tuyên truyền về công tác tái hòa nhập cộng đồng cho 120 người chấp hành xong án phạt tù, 300 người là thân nhân và cán bộ cơ sở.
Không dừng lại với việc tuyên truyền, huyện Yên Thủy đã triển khai xây dựng mô hình giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình. Tiêu biểu là trường hợp ông Hoàng Văn Hùng, sinh năm 1966, tại xóm Tân Thành, xã Yên Lạc. Sau khi trở về được xã giúp đỡ, các ban, ngành quan tâm tạo điều kiện về vốn và hướng dẫn cách làm ăn, ông đã kinh doanh vận tải phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Từ đó, ông Hùng trở thành tuyên truyền viên tích cực để vận động, tuyên truyền những đối tượng lầm lỡ trên địa bàn.
Cũng bằng cách giúp đỡ vốn, hướng dẫn làm ăn, Công an huyện và các đoàn thể xã Ngọc Lương đã giúp ông Trịnh Văn Liên, sinh năm 1966, xóm Liên Tiến phát triển kinh tế, ổn định đời sống và tích cực tham gia vào các hoạt động của thôn, xóm.
Hiện nay, với sự giúp đỡ của gia đình, người thân, đã có 60 người trên địa bàn huyện Yên Thủy sau khi tái hòa nhập cộng đồng có việc làm ổn định cuộc sống.
Tuy nhiên, quá trình triển khai các kế hoạch, chương trình tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn huyện Yên Thủy gặp không ít khó khăn. Đồng chí Phó Công an huyện Yên thủy thừa nhận: Bên cạnh những tấm gương điển hình có ý thức sửa chữa sai lầm, tìm hướng phục thiện, không ít người vẫn chạy theo đường cũ. Sự lôi kéo của những đối tượng xấu cộng với tác động của môi trường, nhiều người tiếp tục vi phạm pháp luật. Trong khi đó, một số xã chưa thực sự phát huy sức mạnh tổng hợp của các ban, ngành, đoàn thể. Nhiều tổ chức vẫn xem nhiệm vụ tái hòa nhập cộng đồng là trách nhiệm của lực lượng công an. Mặt khác, huyện Yên Thủy kinh tế nông nghiệp là chủ yếu, cơ sở sản xuất, kinh doanh không nhiều nên cơ hội tìm việc làm, ổn định cuộc sống cho các đối tượng này gặp nhiều khó khăn.
P.L