(HBĐT) - Đến Mai Châu trong một chiều mưa vội vã, chúng tôi tìm tới cơ sở bảo trợ xã hội Thuận Hòa. Trong không gian chừng 20 m2, hơn 30 chị em đang miệt mài làm việc. Tiếng thoi đưa lách cách, người kết thú, người dệt vải, tạo nên những hình khối thổ cẩm nhỏ xinh như đan lên câu chuyện về những mảnh đời nơi đây... Khắp vùng đất Chiềng Châu này, ai ai cũng biết câu chuyện về chị Vì Thị Thuận - "Người mẹ hiền” của mái ấm Thuận Hòa, người phụ nữ đầy nghị lực sống và lòng nhân ái đã tự thân phát triển nghề và giúp đỡ hàng chục chị em khuyết tật, hoàn cảnh khó khăn có việc làm và thu nhập ổn định cuộc sống.


Chị Vì Thị Thuận hướng dẫn và kiểm tra sản phẩm do các chị em trong cơ sở bảo trợ xã hội Thuận Hòa làm ra.

Từ khởi đầu gian nan...

Tay vân vê con thú thổ cẩm vừa hoàn thành, chị Bùi Thị Hưng nhớ lại cơ duyên đến với cơ sở từ gần chục năm trước: Mang trên mình khuyết tật từ bé, tôi phần vừa lao động khó khăn, phần vừa mang nhiều mặc cảm với cuộc sống. Nhưng rồi "mẹ” Thuận tới, mang cho tôi cái nghề, cái tình và niềm tin yêu vào cuộc sống. Bỏ ruộng nương, tôi theo "mẹ” từ vùng cao Piềng Vế xuống đây học làm thổ cẩm. Cái tay xưa kia vốn quen cầm cuốc, cầm dao nay đã thạo nghề lắm nhờ "mẹ” Thuận tận tình chỉ bảo...

Bên ấm trà nghi ngút khói, chị Thuận trải lòng: Quãng thời gian khởi đầu bao giờ cũng là thời điểm gian nan nhất. Qua sự giới thiệu của mọi người, tôi tự mình lặn lội tới các bản, tìm đến từng hoàn cảnh, đa số là các em khuyết tật ở những xã vùng 135. Trong tôi vẫn nhớ như in hình ảnh một "bé” Hưng ngày ấy. Ngày tôi gặp em cũng là lúc em từ trên nương về, mặt lấm lem, đã hơn 20 tuổi nhưng vóc dáng nhỏ bé, gương mặt có phần cứng tuổi hằn lên sự vất vả... Cũng như Hưng, những em khác cũng có hoàn cảnh rất khó khăn, đa phần làm nông nghiệp, không có nghề ổn định. Được gia đình đồng ý, các em hồ hởi theo tôi rời ruộng nương, làng bản xuống học và làm nghề.

Từng một thời bôn ba khắp nơi kinh doanh các mặt hàng Trung Quốc, tuy thu lãi khá nhưng chị nhận thức công việc này không có hướng lâu dài. Từ suy nghĩ đó, chị đã mạnh dạn mở hướng đi mới cho bản thân: tự thiết kế, sản xuất những sản phẩm thủ công truyền thống của địa phương. Như vậy sẽ tạo việc làm được cho nhiều người, đồng thời góp phần giữ gìn văn hóa truyền thống của người Thái Mai Châu. Chị đã bắt đầu công việc muôn vàn gian nan, thử thách đó với những người có hoàn cảnh rất đặc biệt - chị em khuyết tật.

Tạo việc làm cho người lao động khỏe mạnh đã là một việc khó, tạo việc làm cho những người khuyết tật lại khó gấp nhiều lần bởi những khi trái nắng trở trời, chị em thường đau ốm, phải thuốc thang, chăm nom vất vả. Tuy nhiên, với suy nghĩ và mong muốn giúp đỡ các chị em khuyết tật, tôi đã quyết tâm tự tạo dựng cho mình và cho chị em một mái ấm chung mà điểm tựa đó chính là tình yêu và sự say mê với thổ cẩm. Năm 2008, tôi thành lập cơ sở với 7 chị em khuyết tật. Sang năm thứ ba (năm 2010), tôi có hướng mở rộng hơn tới việc giúp đỡ các chị em nông thôn chưa có việc làm và thu nhập - chị Thuận chia sẻ.

Những bước đầu chập chững đầy khó khăn, đã từng có lúc kinh tế rất eo hẹp, cả gia đình phải cơi nới góc nhà sàn để ở tạm, nhường lại phần sàn chính cho khách du lịch ở để có vốn duy trì sản xuất. Bên cạnh đó, vừa phải chăn nuôi, vừa làm ruộng, chị vẫn dành thời gian và tâm huyết cho thổ cẩm và ước mơ gây dựng cơ sở Thuận Hòa lớn lên. May mắn, trời không phụ lòng người, tiếng lành đồn xa, ngày càng có nhiều chị em tìm tới cơ sở của chị để học và làm nghề. Người đến trước bảo người đến sau, dưới sự hướng dẫn của chị Thuận, cơ sở dần lớn lên, công việc ngày càng nhiều và càng thuận lợi. Niềm vui của chị chính là việc hàng ngày nhìn mọi người say mê lao động và cùng vun đắp cho mái ấm chung. Gạt bỏ những mặc cảm khuyết tật, vượt qua những khó khăn ban đầu. Tới nay đều đặn hàng ngày cơ sở tạo ra hàng chục sản phẩm thổ cẩm thủ công xinh xắn mang thương hiệu "Hoa Ban” hiện đang được bày bán ở các sân bay lớn trong cả nước, các điểm du lịch và cùng khách du lịch tới nhiều nơi trên thế giới. Với công việc hiện tại, các chị em trong cơ sở đã chủ động và dần ổn định cuộc sống, thu nhập trung bình mỗi người đạt từ 2 - 4 triệu đồng/tháng.

....đến hành trình nhân ái...

Giờ đây, sau gần 10 năm lăn lộn cùng nghề dệt, với tình yêu thổ cẩm và tâm nguyện giúp đỡ những mảnh đời kém may mắn, chị Thuận thực sự thấm thía những khó khăn từng trải qua. "Nhưng có lẽ điều may mắn nhất, qua bao nhiêu khó khăn, tôi luôn có gia đình và các chị em trong cơ sở ở bên động viên, chia sẻ, tiếp thêm nghị lực sống. Từ những mảnh đời chắp vá, họ về đây cùng lao động, chung sống, xum vầy. Sau nhiều năm, tôi dần tạo dựng được cho chị em không gian tập thể để cùng chung sống như một gia đình lớn. Cùng với đó, tôi hướng dẫn các chị em dệt vải, khâu vá, sản xuất nhưng luôn để họ dần tự trưởng thành và hướng cho chị em có thể tự tách ra lao động, SX-KD riêng. Một điều may mắn nữa, đa phần du khách tới nhà tôi theo hình thức du lịch thiện nguyện. Trong một không gian gia đình, dân dã, không cầu kỳ, mọi người đều tự nguyện chung tay giúp đỡ cơ sở về mọi mặt. Người giúp đỡ về thiết kế, người giúp làm truyền thông, quảng bá và bán sản phẩm... Có thể nói, sau hành trình gần 10 năm, mái ấm Thuận Hòa đã lớn lên bằng tình yêu của mọi người dành cho nơi đây” - Chị Thuận chia sẻ.

Chị Hà Minh Huân, Chủ tịch Hội LHPN huyện Mai Châu đánh giá: Từ nhiều năm qua, chị Thuận luôn là một trong những phụ nữ tiêu biểu của huyện. Bằng tấm lòng nhân ái, chị đã giúp đỡ, tạo việc làm cho nhiều chị em trên địa bàn, chỉ bảo cho họ hành nghề và hướng họ tự thân lập nghiệp. Chị thực sự là bông hoa đẹp nở rộ trong vườn hoa những cá nhân tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh hiện nay.

Chia sẻ về những dự định đang ấp ủ, đôi mắt chị ánh lên niềm tin: Đó là mong muốn sẽ có một khu nhà sàn lớn hơn, khang trang hơn cho chị em trong cơ sở tiện lao động sản xuất và sinh hoạt; đó là sẽ thuê được đất để trồng dâu nuôi tằm phát triển thêm nhiều sản phẩm thủ công từ thổ cẩm truyền thống; đó là tâm huyết sẽ sáng tạo thêm nhiều mẫu sản phẩm độc đáo hơn, phục vụ du khách tốt hơn và tạo nhiều việc làm hơn cho các chị em khác... Những ước muốn ấy chắc chắn là không xa đối với một người phụ nữ đầy tâm huyết, nhân ái, đang từng ngày, từng giờ được tiếp thêm nghị lực nơi mái ấm Thuận Hòa.


                                           Lê Thùy (Sở Thông tin và Truyền thông)


Các tin khác


Huyện Đà Bắc: Biểu dương người có công tiêu biểu giai đoạn 2012 - 2017

(HBĐT) - Sáng 26/7, nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thương binh liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2017) UBND huyện Đà Bắc đã tổ chức Hội nghị biểu dương người có công trên địa bàn huyện giai đoạn năm 2012 - 2017.

Trao công trình sửa chữa nhà ở và tặng sổ tiết kiệm cho gia đình liệt sĩ ngành GTVT Nguyễn Văn Bình

(HBĐT) - Ngày 26/7, tại tổ 9, phường Đồng Tiến (thành phố Hòa Bình), Sở GTVT đã phối hợp với UBND phường tổ chức Lễ trao công trình sửa chữa nhà ở gia đình liệt sĩ ngành GTVT và tặng sổ tiết kiệm cho bà Ngô Thị Phúc là vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Bình.

Thị trấn Lương Sơn (Lương Sơn): Điển hình công tác vận động gây dựng quỹ

(HBĐT) - Cũng như nhiều cơ sở khác, những năm trước đây, triển khai xây dựng quỹ "Toàn dân chăm sóc và phát huy vai trò NCT” trên địa bàn thị trấn Lương Sơn gặp không ít khó khăn. Tỷ lệ hộ nộp không cao và thời gian thu thường kéo dài. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhờ đổi mới mạnh mẽ công tác tuyên truyền, vận động và điều hành, quỹ chăm sóc và phát huy vai trò NCT trên địa bàn thị trấn đã đi vào nề nếp, trở thành một trong những điển hình tiêu biểu về công tác gây dựng quỹ.

Huyện Mai Châu: Chăm sóc người cao tuổi góp phần đảm bảo an sinh xã hội

(HBĐT) - Huyện Mai Châu hiện có 6.813 hội viên, sinh hoạt tại 23 cơ sở hội xã, 138 chi hội và 249 tổ hội. Trong những năm qua, Ban đại diện NCT huyện Mai Châu đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong huyện triển khai có hiệu quả công tác chăm sóc NCT, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Thanh niên tham gia “giải cứu cá”

(HBĐT) - Từ ngày 23/7 đến nay, các cơ sở Đoàn, CLB trực thuộc Tỉnh Đoàn, Hội LHTN tỉnh, gồm: CLB cán bộ trẻ tỉnh, CLB thanh niên vì cộng đồng tỉnh, Đoàn TN Công an TP Hòa Bình, Đoàn xã Hợp Thành (Kỳ Sơn)… đã tham gia thu mua, "giải cứu cá” giúp nhân dân sau sự cố cá chết hàng loạt do xả lũ.

Tăng lương tối thiểu vùng năm 2018: Không để người lao động nhận mức lương “teo tóp”

(HBĐT) - Sau phiên họp đầu tiên bàn về mức tăng lương tối thiểu vùng của Hội đồng Tiền lương Quốc gia ngày 27.6, các bên đã đưa ra phương án chênh lệch khá xa như "truyền thống” nhiều năm gần đây. Trong khi Tổng LĐLĐVN đề xuất mức tăng 13,3% (370.000 - 450.000 đồng), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lại đưa ra quan điểm hoặc không tăng hoặc chỉ tăng mức dưới 5%. Với vai trò là cơ quan chủ trì, Bộ LĐTBXH cố gắng đưa ra mức tăng hài hoà trước áp lực hỗ trợ doanh nghiệp và nỗ lực không để người lao động nhận mức lương "teo tóp”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục