Người dân thành phố Hòa Bình thả cá xuống dòng sông Đà tiễn ông Táo chầu trời.
Trước đây, người dân quan niệm cúng ông Táo phải làm trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng chạp để ông Táo còn kịp bay về trời chầu Ngọc Hoàng. Quan niệm này năm nay đã có nhiều thay đổi, một phần do năm nay, tết ông Táo rơi vào thứ 5 vẫn là ngày đi làm nên nhiều hộ gia đình lựa chọn tranh thủ cúng ông công ông Táo trước để tiện công việc. Ngoài ra, nhiều gia đình lại theo phong thủy lựa chọn cúng ông Táo từ ngày 20 tháng chạp là ngày Mậu Thìn và ngày 22 tháng chạp là ngày Canh Ngọ được xem là hai ngày tốt để cúng ông Công ông Táo.Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều gia đình trên địa bàn thành phố lựa chọn cúng ông công ông táo vào đúng ngày. Với quan niệm, buổi sáng mát mẻ và cố gắng cúng trước 12 giờ trưa nên ngay từ sáng sớm, nhiều hộ gia đình đã tất bật đi chợ, chuẩn bị mâm đồ cúng truyền thống để làm lễ cúng ông công ông táo.
Tại chợ Nghĩa Phương, từ 6 giờ sáng, người mua người bán khá tấp nập.Đặc biệt tại các cửa hàng bán đố cùng ông táo như hàng gà, xôi, bánh chưng, đồ vàng mã và hàng bán cá chép. Theo ghi nhận, mặc dù vào ngày chính lễ ông công ông táo nhưng ở các chợ hàng cá chép đỏ không nhiều như mọi năm. Tại chợ Nghĩa Phương, một trong những chợ trung tâm của thành phố Hòa Bình, chỉ có khoảng gần 10 hàng bán cá chép đỏ, số lượng cũng không nhiều nhưng giá bán khá đắt so với năm ngoái. Một con cá chép đỏ loại nhỏ nhất có giá 10.000 đồng, loại to khoảng 2 ngón tay có giá 15 ngàn đồng. Tuy nhiên, lượng người mua chỉ dồn dập vào buổi sáng, tầm khoảng 9h sáng thì lượng cá không còn nhiều. Chị Quách Thị Lới, một người bán cá chép tại chợ cho biết: năm nay do thời tiết rét đậm nên lượng cá về không nhiều, mặt khác do năm nay người dân rải rác cúng ông táo trước đó nên lượng cá chép đỏ vào ngày chính cũng ít hơn.
Ngoài cá chép đỏ, một trong những mặt hàng không thể thiếu để cúng ông công ông táo là bộ mũ áo ông công. Tại các chợ, mặt hàng này có ba mức giá, tùy khách lựa chọn là loại nhỏ 25 ngàn đồng, loại nhỡ 30 ngàn đồng và loại to là 50 ngàn đồng. Điều đặc biệt năm nay, thi trường vàng mã khá phong phú, để tiện cho chị em đi chợ, nhiều cửa hàng vàng mã đã chuẩn bị sẵn một bộ đồ cúng tết gồm cúng ông công, cúng mẹ quan âm, cúng thần tài thổ địa, cúng tất niên…
Ông công ông táo là ngày đầu tiên bắt đầu vào vào Tết Nguyên đán, sau ngày này, nhà nhà bắt đầu dọn dẹp bàn thờ, nhà cửa để chuẩn bị đón tết. Chính vì vậy, dù khá bận rộn, nhiều gia đình đã dày công chuẩn bị lễ cúng một cách tươm tất, cẩn thận. Bà Nguyễn Thị Thông, phường Phương Lâm chia sẻ: Nhiều năm làm tết ông công ông táo thiếu cái gì thì thiếu nhưng không thể thiếu cá chép vàng và mũ áo. Với mâm cỗ cúng thì tùy tâm nhưng không được quá sơ sài, các cụ đã nói có tin thì sẽ có lành.
Nắm bắt tâm lý đó, các cửa hàng cũng đã tung ra nhiều sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu thị hiếu khách hàng như thị trường vàng mã với nhà lầu, xe hơi, điện thoại… đồ cúng ngoài bánh chưng, bánh dày còn có xôi được đúc theo khuôn cá chép đỏ … tuy nhiên, giá các mặt hàng này cũng không quá cao.
Theo phong tục cổ truyền của người Việt, táo quân lên trời để báo cáo mọi việc tốt xấu của gia chủ, táo quân cũng là vị thần bảo vệ gia chủ. Vì vậy, bên cạnh mâm cỗ, lễ thả cá chép để đưa táo quân về trời cũng là một nghi lễ rất quan trọng. Với người dân thành phố Hòa Bình, hầu hết gia đình làm lễ cúng xong đều mang cá chép ra sông Đà để thả. Đây đã trở thành một nét đẹp truyền thống lâu đời. Dòng sông Đà, một dòng sông có ý nghĩa rất lớn trong đời sống người dân thành phố Hòa Bình, nhiều người tin rằng với việc thả cá chép ra dòng sông lớn thì sẽ có một năm mới thuận buồm xuôi gió, mọi việc mát mẻ, hanh thông, một năm mới may mắn.
P.V
(HBĐT) - Ngày 7.2.2018, Công đoàn các KCN tỉnh Hòa Bình đã đi thăm và tặng quà tết cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn tại 15 doanh nghiệp thuộc khu công nghiệp Lương Sơn.