Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, năm 2017, toàn tỉnh có 39 trẻ em tử vong do đuối nước. 5 tháng đầu năm nay đã có 7 trẻ tử vong do đuối nước, trong đó tại huyện Tân Lạc 1 trường hợp, Đà Bắc 1 trường hợp, Lạc Sơn 2 trường hợp và Lương Sơn 3 trường hợp. Những con số thống kê cho thấy, nguy cơ đuối nước luôn rình rập trẻ em ở khắp mọi nơi, nhất là vào mùa hè, khi các em có cơ hội tham gia nhiều hoạt động vui chơi tự do. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, trong đó, nguyên nhân phổ biến dẫn tới những tai nạn đuối nước thương tâm là do thiếu sự giám sát của người lớn, chủ quan của bố mẹ để trẻ tự do vui chơi tại những khu vực nguy hiểm như sông, suối, ao, hồ. Trong khi đó, phần lớn các vụ tai nạn đuối nước thương tâm xảy ra đều do trẻ không biết, chưa được dạy kỹ năng bảo đảm an toàn và xử lý tình huống khi bơi và không có kỹ năng cứu đuối.
Dịp hè, nhiều phụ huynh đăng ký cho con học bơi tại bể bơi Trung tâm Thanh - thiếu niên tỉnh.
Để phòng tránh đuối nước cho trẻ, việc đầu tiên và quan trọng nhất là dạy trẻ biết bơi. Nhận thức rõ về tầm quan trọng của việc phòng tránh đuối nước, nhiều gia đình đã cho con đi học bơi, vừa giúp trẻ có thời gian thư giãn, vừa để các em có kỹ năng khi tham gia bơi lội. Hiện nay, ngoài một số bể bơi tại thành phố Hòa Bình, một số địa phương đã khởi động xây dựng bể bơi, đưa vào hoạt động các trung tâm dạy bơi, phần nào đáp ứng nhu cầu của xã hội. Bên cạnh đó, công tác phòng - chống tai nạn đuối nước học sinh, sinh viên đã được ngành GD&ĐT, nhà trường và cơ sở giáo dục quan tâm, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả như: nhiều trường làm bể bơi lưu động và dạy bơi miễn phí cho học sinh, sinh viên. Các trường học lồng ghép tổ chức vào các buổi sinh hoạt ngoại khóa để truyền đạt các nội dung, kỹ năng bơi an toàn, phòng - chống tai nạn đuối nước cho học sinh toàn trường; hướng dẫn các em thực hiện quy định an toàn từ nhà đến trường và từ trường về nhà; khuyến cáo các em tuyệt đối không được đùa nghịch gần ao, hồ, sông, suối, kênh, mương, hố công trình, nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước; tổ chức hội thảo xây dựng mô hình "Phổ cập bơi trong trường học” và hướng dẫn công tác bơi cứu đuối cho trẻ em; tổ chức giải bơi học sinh, sinh viên… Qua đó, giúp trẻ nâng cao kỹ năng bơi và phòng - chống đuối nước.
Hiện nay, ngoài chương trình dạy bơi cho trẻ, dạy kỹ năng sống và kỹ năng an toàn dưới nước, từng bước đưa môn bơi an toàn vào trong trường học, các địa phương đẩy mạnh xã hội hoá công tác dạy bơi, khuyến khích các em tham gia sinh hoạt các hoạt động tập thể lành mạnh, giảm thiểu nguy cơ tai nạn thương tích và tai nạn đuối nước. Đồng thời, các đơn vị tích cực triển khai thực hiện xây dựng "Ngôi nhà an toàn”, "Trường học an toàn” và "Cộng đồng an toàn” phòng - chống tai nạn, thương tích nhằm loại bỏ các nguy cơ gây đuối nước cho trẻ em. Bên cạnh đó, tạo dựng sân chơi bổ ích, lý thú và an toàn cho trẻ em trong ngày hè, phù hợp với điều kiện từng địa phương, góp phần hạn chế thấp nhất các vụ tai nạn đuối nước ở trẻ em.
Phòng - chống tai nạn đuối nước cho trẻ em là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó, ngoài sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng thì gia đình, nhà trường cần nâng cao trách nhiệm, nhận thức trong việc quản lý, chăm sóc và giáo dục trẻ, thường xuyên nhắc nhở trẻ không được tự ý ra tắm ở sông, suối, ao, hồ, hố nước ở các công trường đang thi công, nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước để tránh xảy ra những sự việc đau lòng.
Hồng Ngọc