Cơ sở hạ tầng vùng thung Rếch (Kim Bôi) được đầu tư xây dựng tạo điều kiện thúc đẩy phát triển KT-XH vùng đặc biệt khó khăn. Ảnh: Nhà văn hóa xóm im Bắc 4, xã Tú Sơn (Kim Bôi) được hoàn thành đưa vào sử dụng tạo thuận lợi cho nhân dân có điểm sinh hoạt cộng đồng.
Toàn tỉnh hiện có 210 xã, phường, thị trấn, 2.063 thôn, bản. Giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh có 99 xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK), và 99 thôn, bản ĐBKK thuộc xã khu vực II, diện đầu tư Chương trình 135. Năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các xã 135 là 35,5%, năm 2017 là 32,5%, giảm 3%. Những năm qua, chương trình hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững được triển khai đã góp phần tăng cường cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, kinh doanh, dân sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt khó khăn.
Trong giai đoạn 2016-2018, nguồn vốn T.Ư phân bổ thực hiện Chương trình 135 của tỉnh là 473.160 triệu đồng, trong đó, vốn đầu tư 350.574 triệu đồng, vốn sự nghiệp 122.586 triệu đồng. Thực hiện chương trình hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, giai đoạn 2016-2017, nguồn vốn ngân sách T.Ư phân bổ 228 tỉ đồng, huy động nhân dân đóng góp 7.915 triệu đồng đã hỗ trợ đầu tư xây dựng 465 công trình, bao gồm 259 công trình giao thông, 118 công trình nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, 26 công trình trường học và hạng mục phụ trợ, 47 công trình thủy lợi, 5 công trình nước sinh hoạt, 1 công trình điện, 9 công trình khác. Cùng với đó, công tác duy tu bảo dưỡng công trình sau đầu tư được quan tâm chú trọng. Trong 2 năm qua tỉnh đã hỗ trợ 12.105 triệu đồng vốn sự nghiệp cho các xã để thực hiện duy tu, bảo dưỡng 538 công trình nhằm phát huy hiệu quả, tính bền vững đối với những công trình đã được đầu tư. Đồng thời huy động sự đóng góp của người dân, nâng cao ý thức trách nhiệm trong quản lý, bảo quản, sử dụng công trình.
Trong lĩnh vực hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo, với nguồn vốn được phân bổ 58.670 triệu đồng, trong 2 năm qua trên toàn tỉnh đã hỗ trợ xây dựng 90 mô hình, máy móc thiết bị sản xuất nông, lâm nghiệp cho 28.997 hộ hưởng lợi. Trên cơ sở nhu cầu thực tế tại cơ sở để đề xuất hỗ trợ nên việc triển khai thực hiện hỗ trợ đáp ứng nguyện vọng của hầu hết hộ nghèo. Qua đó, nhận thức, tập quán sản xuất của bà con nông dân có nhiều chuyển biến rõ nét, được tiếp cận KH-KT trong trồng trọt, chăn nuôi, phát triển sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với nhu cầu thị trường, không ngừng nâng cao giá trị, chất lượng, sản lượng nông sản.
Bên cạnh đó, hoạt động nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ các xã đặc biệt khó khăn được đẩy mạnh. Thời gian qua, Trung tâm dịch vụ hỗ trợ vùng dân tộc (Ban Dân tộc tỉnh) phối hợp với các đơn vị liên quan đã tổ chức 92 lớp tập huấn cho 5.610 lượt người, tổ chức 4 đoàn thăm quan học tập kinh nghiệm, góp phần trang bị, bổ sung kiến thức về quản lý đầu tư, giám sát, pháp luật cho đội ngũ cán bộ cơ sở, cộng đồng. Từ đó tổ chức, chỉ đạo thực hiện các dự án, chính sách trên địa bàn hiệu quả, đúng quy định.
Năm 2018, tỉnh được phân bổ 122.574 triệu đồng vốn đầu tư, dự kiến phân bổ 6.472 triệu đồng vốn sự nghiệp để thực hiện hỗ trợ duy tu, bảo dưỡng các công trình sau đầu tư, dự kiến phân bổ 6.746 triệu đồng vốn sự nghiệp thực hiện đào tạo cán bộ cơ sở và cộng đồng, hiện đang được các cơ quan chức năng phối hợp tổ chức thực hiện.
Được hưởng lợi từ các chương trình, dự án hỗ trợ đầu tư, các công trình cơ sở hạ tầng được hoàn thành đưa vào sử dụng đã, đang phát huy hiệu quả đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi trong tỉnh, tạo điều kiện để các xã đặc biệt khó khăn phát triển KT-XH. Đến nay, 100% các xã thuộc Chương trình 135 đều có trường tiểu học và THCS, điện sinh hoạt, đường ô tô đến trung tâm xã, 100% xã có trạm y tế đảm bảo thực hiện công tác vệ sinh phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được cải thiện, nâng cao, góp phần thúc đẩy vùng đặc biệt khó khăn phát triển.
Hà Thu