Từ khi đường 445 bị cấm do nứt và sụùt lún, nhiều người phải đi phà từ xã Hợp Thành qua sông Đà đến bến phà xóm Mỵ, xã Yên Mông (TP Hòa Bình).
Đường tỉnh 445 có nhiều đoạn men theo sông Đà, từ thị trấn Kỳ Sơn đi các xã: Hợp Thành, Phú Minh, Hợp Thịnh, qua Pheo Chẹ, nối sang Ba Vì (Hà Nội). Tuyến đường dù đã xuống cấp nhưng có vai trò đặc biệt quan trọng trong giao lưu, thúc đẩy KT-XH các xã trong huyện và cả khu vực. Con đường này có lưu lượng người và phương tiện qua lại rất lớn. Từ khi bị cấm đường đã gây khó khăn, vất vả cho việc đi lại của người dân. Hầu như ngày nào người dân cũng phải đi qua tuyến đường này lên huyện và từ huyện xuống. Công tác chỉ đạo, điều hành kiểm tra sản xuất, kiểm tra phòng, chống thiên tai của huyện Kỳ Sơn cũng gặp nhiều khó khăn.
ông Tăng ở xóm Giếng, xã Hợp Thịnh cho biết: Ai cũng có nhu cầu đi lại, người đi làm việc, học hành, lao động, người buôn bán… Cấm đường 445, việc đi lại của cán bộ và nhân dân rất vất vả. Trung tâm xã Hợp Thịnh chỉ cách huyện 12 km, trước đây đi đường 445 đến huyện, dù đường đã xuống cấp, nhiều đoạn lồi lõm, nhưng cũng không mất nhiều thời gian. Còn giờ nếu lên huyện và ngược lại, bà con phải vòng qua đường Hợp Thành - Phú Minh - Phúc Tiến, men theo đường dẫn nước sông Đà lên đường Hòa Lạc - Hòa Bình đang thi công, lên địa phận TP Hòa Bình rồi trở xuống trung tâm huyện. Trong đó đoạn qua đường đèo dốc Phú Minh, Phúc Tiến cheo leo, sạt lở cục bộ đi lại rất khó khăn.
Mọi hoạt động thương mại, dịch vụ, giao lưu hàng hóa trong vùng gần như "tắc nghẽn”. Bình thường qua lại từ trung tâm huyện lỵ đi đến các xã theo đường 445 mất chừng 20 - 30 phút, còn hiện tại mất hơn 60 phút. Khi cấm đường 445, người dân phải đi phà từ các xã Hợp Thành, Hợp Thịnh sang bến Mỵ, xã Yên Mông, TP Hòa Bình. Hiện tại, bến phà hoạt động liên tục, mỗi chuyến trên phà cũng mất tới 15 - 20 phút. Trong những ngày này, các bến đò luôn tấp nập người từ các xã: Hợp Thành, Hợp Thịnh, Phú Minh, Hà Nội lên TP Hòa Bình và ngược lại. Người dân mong muốn sớm có giải pháp khắc phục lún nứt để bảo đảm an toàn cho việc đi lại trên đường 445.
ông Đinh Hoài Nam, Công ty CP Xây dựng đường bộ 1 cho biết: Đơn vị làm nhiệm vụ quản lý và bảo đảm an toàn tuyến đường 445 đã cử người phối hợp với Công an huyện canh gác, ứng trực thường xuyên vì chỉ cần lơ là là người dân sẽ phá rào chắn để đi qua khu vực đường lún nứt và trượt sạt rất nguy hiểm.
Trao đổi với các đồng chí lãnh đạo UBND huyện Kỳ Sơn được biết: Sự cố nứt đường 445, đoạn xóm Máy Giấy, xã Dân Hạ, nguy cơ đoạn đường trượt xuống sông Đà. Phía taluy dương có nhiều phần mộ của các gia đình đang đứng trước nguy cơ trượt sạt xuống đường, ảnh hưởng lớn đến việc đi lại của nhân dân và công tác chỉ đạo, điều hành của huyện. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện thì không thể không cấm. Hiện nay, ngân sách của huyện khó khăn, mới hỗ trợ phần nào cho các hộ dân di dời, UBND huyện đề nghị cơ quan chức năng của tỉnh sớm có giải pháp đầu tư, sửa chữa, nâng cấp đoạn lún nứt để tạo điều kiện cho cán bộ và nhân dân đi lại cũng như thúc đẩy giao lưu kinh tế các xã trong vùng.
L.C