Người nghèo xã Cao Sơn (Đà Bắc) tiếp nhận bò sinh sản được hỗ trợ để phát triển sinh kế.
Đồng chí Bùi Thị Hiệu, Phó Chủ tịch UBND huyện chia sẻ: Những năm qua, huyện Đà Bắc luôn nhận được sự quan tâm lớn từ T.Ư, tỉnh trong công tác giảm nghèo. Trong giai đoạn 2016-2020, huyện đã huy động được 211.320 triệu đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (CTMTQGGNBV). Trong đó, vốn đầu tư phát triển 150.558 triệu đồng, vốn sự nghiệp 60.762 triệu đồng, nguồn Nhân dân đóng góp khoảng 7.000 triệu đồng.
Xác định rõ điều kiện thực tiễn của địa phương, huyện đã cân nhắc triển khai thực hiện CTMTQGGNBV một cách khoa học, phù hợp, đảm bảo dân chủ, đồng bộ, kịp thời. Nguồn vốn trên giao được phân bổ hợp lý để thực hiện các dự án: Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng huyện nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; truyền thông về giảm nghèo; hỗ trợ nâng cao năng lực giảm nghèo; hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài…
Thực hiện tiểu dự án hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng huyện nghèo từ năm 2016-2019, huyện đã đầu tư xây dựng 38 công trình đường giao thông, nước sinh hoạt, ngầm, kênh mương; duy tu, bảo dưỡng 128 công trình. Kế hoạch vốn năm 2020 là 44.860 triệu đồng, huyện dự kiến đầu tư xây dựng mới 11 công trình đường giao thông, công trình nước sinh hoạt, ngầm, kênh mương, 1 công trình chuyển tiếp; duy tu, bảo dưỡng 82 công trình. Với tổng mức kinh phí 14.559 triệu đồng, từ năm 2016 - 2019, huyện đã hỗ trợ 16 dự án phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế cho 429 hộ tham gia, 10 dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo cho 645 hộ tham gia. Theo kế hoạch vốn năm 2020, huyện được đầu tư 5.800 triệu đồng, dự kiến hỗ trợ 13 dự án phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế và 16 dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo. Kết hợp với nguồn hỗ trợ từ Chương trình 135, huyện đã triển khai hỗ trợ theo đề xuất từ nhu cầu thực tế tại cơ sở (bà con cần hỗ trợ cây, con giống, KH-KT, máy móc phục vụ sản xuất…), nên khi triển khai thực hiện đã cơ bản đáp ứng được nguyện vọng của các hộ nghèo. Người dân được tiếp cận KH-KT trong trồng trọt, chăn nuôi, phát triển sản xuất, theo hướng liên kết theo chuỗi giá trị gắn với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Qua đó đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo trên toàn huyện. Bình quân mỗi năm, huyện giảm được 4 - 5% hộ nghèo. Năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo của huyện ở mức 46,97%, đến năm 2019 giảm còn 29,22%.
Tuy đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng theo đại diện lãnh đạo UBND huyện, công tác GNBV ở Đà Bắc còn hết sức gian nan. Nguyên nhân chủ yếu là do: Thiếu đất sản xuất, nhiều lao động thuần nông chưa được qua đào tạo nghề. Điều kiện khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, hàng năm thường phải chịu nhiều rủi ro của thiên tai như lũ ống, lũ quét, hạn hán, rét đậm, rét hại kéo dài... ảnh hưởng tới chất lượng, tiến độ thi công công trình và triển khai các mô hình thuộc dự án hỗ trợ phát triển sản xuất. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao, hàng năm có giảm nhưng chưa bền vững, luôn tiềm ẩn nguy cơ tái nghèo. Trong điều kiện đó, huyện đã đề xuất T.Ư, tỉnh tiếp tục phê duyệt CTMTQGGNBV giai đoạn 2021-2025 với các chính sách theo Chương trình 30a; Chương trình 135 và các chính sách giảm nghèo chung như: Chương trình tín dụng ưu đãi cho người nghèo; tín dụng cho học sinh, sinh viên; hỗ trợ xuất khẩu lao động, giáo dục (hỗ trợ học phí, chi phí học tập), y tế, BHYT, nhà ở, nước sạch nông thôn, tiếp cận thông tin, pháp lý và các hỗ trợ trực tiếp khác, để tạo nguồn lực giúp huyện tăng tốc trên lộ trình GNBV.
Thúy Hằng