Nông dân xã Đông Bắc (Kim Bôi) chuyển đổi ruộng 1 vụ sang trồng thanh long ruột đỏ cho hiệu quả kinh tế vượt trội.
Ở độ tuổi xưa nay hiếm, cụ Bùi Thị Ngảnh ở xóm Vố, xã Kim Bôi từng trải qua bao năm dài khó nhọc và chứng kiến những đổi thay trên mảnh đất này. Cụ bảo, trước kia, người dân ở các xóm, làng đều khó khăn như nhau, lo đủ lương thực để ăn là tốt lắm rồi. Thời kỳ đó, muốn mua nhu yếu phẩm như dầu thắp, muối ăn phải đạp xe mấy cây số và chờ đến phiên chợ... Giờ thì cuộc sống đã hơn cả bội phần. Đường từ xóm Vố ra đến chợ trung tâm thị trấn Bo trải nhựa, xe nào, xe nấy chạy bon bon. Bất cứ khi nào cụ muốn đi chơi chợ là con cháu lại chở xe máy đến tận nơi. Quanh xóm cũng không thiếu các cửa hàng tiện lợi cung ứng những mặt hàng thiết yếu. Ngoài nghề nông, một số thanh niên còn mạnh dạn chuyển hướng làm ăn, mở các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Thậm chí, trên địa bàn có cả trung tâm điện máy, salon tóc, các cơ sở làm đẹp... hướng đến xu thế tiêu dùng.
Để tạo nên những đổi thay ở vùng Mường Động, không thể không nhắc tới những bước tiến dài của nông nghiệp, nông thôn. Cách đây khoảng mươi năm, người dân còn chú trọng phần nhiều cây lúa thì hiện nay, nhiều cây trồng có tiềm năng, lợi thế, giá trị kinh tế cao được đưa vào thay thế. Từ đây, vùng trồng mía tím được mở rộng ở nhiều xã như Vĩnh Tiến, Tú Sơn. Các xã: Vĩnh Đồng, Đú Sáng, Nam Thượng, Sào Báy, Mỵ Hòa tích cực chuyển diện tích trồng lúa 1 vụ kém hiệu quả sang trồng bí xanh, bí đỏ, mướp đắng lấy hạt. Một số hộ bắt đầu chuyển hướng sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như ổi, táo, thanh long. Đặc biệt, trên địa bàn huyện đã hình thành những vùng trồng nhãn đặc sản và cây ăn quả có múi tập trung tại các xã: Xuân Thủy, Vĩnh Tiến, Kim Lập, Hùng Sơn, Kim Bôi với quy mô hàng trăm ha. Công cuộc chuyển đổi cơ cấu cây trồng được thực hiện thành công, đồng thời, huyện xây dựng, phát triển được 2 thương hiệu sản phẩm là nhãn Sơn Thủy và cam Mường Động.
Thành tựu trong lĩnh vực CN-TTCN của địa phương cũng rất đáng kể với mức tăng trưởng bình quân đạt 10,1%. Sản phẩm sản xuất ra đáp ứng tốt nhu cầu, trong đó, các sản phẩm nước khoáng, chế biến nông sản, thủ công mỹ nghệ, gia công các mặt hàng phục vụ cho tiêu dùng đã khẳng định được chỗ đứng, sức cạnh tranh trên thị trường. Trên địa bàn hiện có 165 doanh nghiệp, 35 HTX. Hoạt động của các doanh nghiệp có đóng góp quan trọng cho phát triển KT-XH ở địa phương. Đối với HTX chủ yếu hoạt động về dịch vụ nông nghiệp. Một số HTX tích cực tham gia chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp. Không ít sản phẩm của các HTX đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP từ 3 - 4 sao.
Tận dụng lợi thế vùng đất "chén vàng", huyện đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ với các điểm đến hấp dẫn như: V-resort Vĩnh Tiến, Serena Kim Bôi, suối khoáng Kim Bôi... Có 5 điểm du lịch đang khai thác, hoạt động hiệu quả, 6 dự án đã được phê duyệt, đang tiến hành đầu tư xây dựng. Tổng lượt du khách đến với huyện năm 2019 đạt 280.000 lượt, doanh thu 200 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 5%. Đến năm 2020, tổng giá trị thu nhập từ ngành dịch vụ đạt 2.454 tỷ đồng, tăng gấp 1,63 lần so với năm 2015, chiếm 61% trong cơ cấu thu nhập của huyện.
Đồng chí Bùi Văn Điệp, Chủ tịch UBND huyện phấn khởi cho biết: Đồng hành với những đổi thay trên quê hương Mường Động là Chương trình MTQG xây dựng NTM, các chương trình, dự án từ chính sách dân tộc, giảm nghèo bền vững đã, đang được triển khai hiệu quả tại địa phương. Hết năm 2019, toàn huyện có 10/27 xã nông thôn mới. Sau sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, bình quân tiêu chí nông thôn mới cả huyện đạt 14,1 tiêu chí/xã. Tỷ lệ đô thị hóa sau sáp nhập cũng tăng lên 16,4%. 100% hộ dân trên địa bàn được sử dụng điện cung cấp cho nhu cầu sản xuất, sinh hoạt. Mạng điện thoại di động đã phủ sóng rộng khắp, tất cả trung tâm các xã đều có điểm truy cập internet, mạng truyền dẫn cáp quang.
Các kết quả cụ thể, sinh động khác minh chứng cho những khởi sắc về KT-XH của địa phương như: thu nhập bình quân đầu người đạt 33,8 triệu đồng, cao gấp 2,35 lần so với năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 5,06%/năm; tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 95%; về công tác GD&ĐT, đã đầu tư xây mới 20 trường chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường được công nhận đạt chuẩn lên 43 trường; có 80% hộ gia đình văn hóa, 81% khu dân, 90% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế thuận lợi, 98% dân số tham gia BHYT...
Bùi Minh