Lực lượng Cảnh sát giao thông (Công an huyện Cao Phong) kiểm tra nồng độ cồn của người tham gia giao thông.
Năm 2022 ghi nhận nhiều đổi mới, sáng tạo trong công tác tuyên truyền, tuần tra, xử lý vi phạm, thể hiện nỗ lực vì bình yên trên mỗi cung đường của lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) toàn tỉnh.
Mới đây, Bộ Công an đã ghi nhận cách làm mới trong tuần tra, xử lý vi phạm của lực lượng CSGT Công an tỉnh Hòa Bình và đề nghị nhân rộng ra các tỉnh, đó là mô hình xử lý chéo, tập trung vào vi phạm về nồng độ cồn. Cụ thể là các cán bộ, chiến sỹ thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh sẽ phối hợp với CSGT Công an huyện này thực hiện tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm tại địa bàn một huyện khác. Việc đổi mới cách thức kiểm tra, xử lý đã phát huy hiệu quả khi hạn chế được tình trạng cán bộ, chiến sỹ nể nang, ngại va chạm với người thân quen.
Với cách làm đó, số trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn được phát hiện và xử lý cao gấp nhiều lần so với các tháng trước. Song quan trọng nhất là ý thức của người dân được nâng lên, thể hiện qua việc số trường hợp vi phạm giảm rõ rệt qua từng buổi tuần tra của các tổ chuyên đề. Theo thiếu tá Từ Minh Cường, Phó Đội trưởng Đội xử lý - tuyên truyền - điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Phòng CSGT, 2 ngày đầu thực hiện Kế hoạch số 513 của Công an tỉnh, các tổ chuyên đề đã phát hiện, lập biên bản trên 200 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, số tiền phạt trên 1,2 tỷ đồng. Sau 7 ngày, lũy kế số trường hợp vi phạm là 384, tước 280 giấy phép lái xe, tổng tiền phạt trên 3 tỷ đồng. Sau 10 ngày, số trường hợp vi phạm chưa đến 500. Và 1 tháng thực hiện, lực lượng CSGT lập biên bản 1.341 trường hợp. Có được kết quả đó, ngoài việc tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý các trường hợp vi phạm không có vùng cấm… một yếu tố quan trọng khác nữa là hiệu quả tích cực từ công tác tuyên truyền.
Trước khi chuyên đề xử lý vi phạm về nồng độ cồn theo mô hình xử lý chéo được triển khai, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã tập trung đấu tranh với tình trạng xe quá khổ, quá tải "lộng hành”. Việc kết hợp đồng bộ, nhuần nhuyễn giữa tuyên truyền, nhắc nhở và xử lý nghiêm đã tạo nên hiệu quả cao. Trung tá Đinh Thị Thu Hằng, Phó trưởng Phòng CSGT khẳng định, công tác tuyên truyền đóng vai trò quan trọng, nhất là với cách làm sáng tạo của cán bộ, chiến sỹ Đội CSGT số 2, Công an tỉnh - đơn vị phụ trách đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên tuyến đường Hồ Chí Minh. Đội đã tổ chức hội nghị tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho hơn 30 doanh nghiệp vận tải thường xuyên di chuyển trên tuyến, đồng thời tổ chức cho các doanh nghiệp ký cam kết chấp hành pháp luật về vận tải hàng hóa trên tuyến đường Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, Phòng CSGT công khai số điện thoại của lãnh đạo Đội CSGT số 2. Qua đó khuyến khích các đơn vị vận tải giám sát chéo, chủ động báo ngay cho lực lượng chức năng khi phát hiện xe chưa cắt cơi về đúng đăng kiểm phương tiện mà vẫn hoạt động vận tải.
Với cách làm đó, 100% doanh nghiệp, chủ phương tiện tham gia ký cam kết đã cắt cơi, thực hiện nghiêm các quy định đã ký kết. Công tác đấu tranh với "vấn nạn" xe quá khổ, quá tải bước đầu có kết quả đáng ghi nhận.
Sau nhiều năm tình hình TNGT ở Hòa Bình giảm trên cả 3 tiêu chí thì giai đoạn từ tháng 12/2021 - 10/2022, TNGT trên địa bàn tăng ở cả 3 mặt: số vụ, số người chết, số người bị thương. Cụ thể, đã xảy ra 67 vụ TNGT, làm 51 người chết, bị thương 52 người. Tuy nhiên, một tín hiệu đáng mừng là những tháng gần đây, số vụ tai nạn và tính nghiêm trọng của các vụ có xu hướng giảm. Qua đó càng khẳng định, nỗ lực của lực lượng chức năng đóng vai trò quan trọng, song ý thức của người tham gia giao thông đóng vai trò quyết định.
Mong rằng, những nỗ lực của cán bộ, chiến sỹ mang quân phục màu nắng sẽ tiếp tục được nhân lên, tạo chuyển biến rõ nét hơn nữa trong nhận thức của Nhân dân, từ đó giảm thiểu TNGT, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của mọi nhà.
Minh Vũ