(HBĐT) - Hưởng ứng chương trình "Mẹ đỡ đầu” của Ban Thường vụ Hội phụ nữ (HPN) Bộ Công an (nay là Ban Công tác phụ nữ) và Hội LHPN tỉnh, HPN Công an tỉnh đã triển khai chương trình "Mẹ đỡ đầu” hỗ trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi trên địa bàn tỉnh. Từ chương trình đã góp phần lan tỏa tình yêu thương trong toàn lực lượng công an...
"Ở đâu có trẻ mồ côi, ở đó có mẹ đỡ đầu”
Trò chuyện với chúng tôi, Đại úy Đặng Thị Hoa, Phó Chủ tịch HPN Công an tỉnh chia sẻ: Hưởng ứng chương trình "Mẹ đỡ đầu”, HPN Công an tỉnh đã báo cáo và đề xuất với Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh cho chủ trương triển khai thực hiện. Theo đó, Ban chấp hành HPN Công an tỉnh đã thống nhất, triển khai đến các cơ sở hội, hội viên và nhận được sự ủng hộ, nhất trí cao. HPN Công an tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai chương trình "Mẹ đỡ đầu” đến các HPN cơ sở. Đồng thời phối hợp với HPN Công an các huyện, thành phố rà soát, lập danh sách trẻ em mồ côi trên địa bàn.
Với thông điệp "ở đâu có trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh khó khăn thì ở đó có mẹ đỡ đầu”, tính đến tháng 10/2022, HPN Công an tỉnh và các HPN cơ sở trong toàn lực lượng Công an tỉnh đã nhận hỗ trợ, chăm sóc 20 trẻ em mồ côi, 1 trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Trong đó có 5 cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ; 13 cháu mồ côi bố hoặc mẹ; 1 trường hợp mẹ đơn thân bị khuyết tật, gia đình hoàn cảnh khó khăn; 1 trường hợp mồ côi bố, mẹ bị khuyết tật, không có khả năng lao động, gia đình thuộc diện hộ nghèo; 1 trường hợp gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
"Chúng tôi đều là những người mẹ nên khi gặp hoàn cảnh trẻ mồ côi, có cuộc sống khó khăn, không được sự quan tâm, chăm sóc, nuôi dưỡng đầy đủ đã thôi thúc chúng tôi tích cực tham gia chương trình "Mẹ đỡ đầu” để cùng chung tay, giúp đỡ, hỗ trợ các cháu có hoàn cảnh đặc biệt vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống”, Thượng tá Nguyễn Thị Thanh Hoàng, Chủ tịch HPN Công an tỉnh chia sẻ...
Lan tỏa tình yêu thương
Theo thống kê, trong số 21 trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh khó khăn được nhận nuôi dưỡng, hỗ trợ nuôi dưỡng thì có 9 cháu do HPN Công an tỉnh "đỡ đầu”. Trong đó, 2 cháu là con liệt sỹ Công an nhân dân. Mỗi cháu được nhận chăm sóc, đỡ đầu sẽ được hỗ trợ 500 nghìn đồng/ tháng. Ngoài ra, trước khi bước vào năm học mới, các cháu sẽ được hỗ trợ thêm quần áo, sách vở, đồ dùng học tập. Đáng nói, từ chương trình đã lan tỏa tình yêu thương trong CB,CS, hội viên HPN trong toàn lực lượng Công an tỉnh.
Ngoài các cháu được HPN Công an tỉnh nhận đỡ đầu, cũng có nhiều cháu hoàn cảnh khó khăn đã được HPN, Đoàn Thanh niên công an các địa phương nhận "đỡ đầu”. Như Công an phường Kỳ Sơn đã phối hợp với HPN phường hỗ trợ, giúp đỡ 1 cháu có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn khi bị bỏ rơi từ khi mới lọt lòng, mẹ nuôi bỏ đi, bố nuôi chết. HPN và Đoàn Thanh niên Công an huyện Đà Bắc nhận "đỡ đầu” 2 cháu, trong đó 1 cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ; một cháu được sinh ra trong hoàn cảnh gia đình mẹ đơn thân bị khuyết tật. HPN và Đoàn Thanh niên Công an huyện Lương Sơn nhận "đỡ đầu” 2 cháu; trong đó có 1 cháu mồ côi cha, mẹ đi làm ăn xa, hiện đang được cô ruột nuôi dưỡng; 1 cháu mồ côi mẹ, gia đình khó khăn. Đặc biệt, từ sự vận động của HPN Công an tỉnh đã có một số tổ chức, cá nhân tại Hà Nội hỗ trợ 1,5 triệu đồng/tháng cho 1 cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại thôn Chùa, xã Phú Thành (Lạc Thủy) mồ côi bố, mẹ bị khuyết tật, không có khả năng lao động. Đáng nói, ngoài số tiền được các nhà hảo tâm, tổ chức, cá nhân hỗ trợ, trao tặng thì toàn bộ kinh phí đều do cán bộ, hội viên phụ nữ các đơn vị trích một phần thu nhập từ lương để tham gia đóng góp.
"Mặc dù chỉ là những việc làm nhỏ bé, nhưng chương trình "Mẹ đỡ đầu” mang ý nghĩa nhân văn, thể hiện rõ phẩm chất, tấm lòng nhân hậu của người phụ nữ Việt Nam nói chung và hội viên phụ nữ lực lượng Công an tỉnh nói riêng. Qua đây đã và đang lan tỏa, truyền đi thông điệp của tình yêu thương, giúp các con có hoàn cảnh khó khăn được sống trong tình yêu thương của cộng đồng; giúp trẻ mồ côi có thêm điểm tựa trong hành trình đi tới tương lai”, Thượng tá Nguyễn Thị Thanh Hoàng, Chủ tịch HPN Công an tỉnh tâm tư.
Mạnh Hùng