Một điểm câu cá trên địa bàn phường Thịnh Lang, TP Hòa Bình.
Đối với những người đam mê câu cá thì mùa nào cũng phù hợp. Mùa hạ, thả cần đợi cá trong cái nắng chói chang, hầm hập, thi thoảng có gió lào, mồ hôi ướt đẫm cũng có cái hay. Mùa thu khí hậu mát lành, dịu nắng, thả cần nhìn mây trời xanh cao, mặt nước trong veo, thật thi vị. Tiết đông đốt lửa, đợi cá trong cái lạnh se sắt lòng ngẫm nghĩ sự đời. Còn tiết xuân, cảm giác thả cần ở ao, hồ, sông nước trong mưa bay nhẹ nhàng, trong không gian tĩnh lặng mang lại cảm giác thư thái cùng đất trời chuyển mình với những dự cảm tốt đẹp phấn chấn.
Ông Trần Văn Quỳnh ở phường Đồng Tiến có thâm niên câu cá đã hàng chục năm, cứ rảnh rỗi là ra sông Đà thả câu, được cá hay không được không quan trọng, chỉ cần có được cảm giác ngắm sông nước mênh mang, lững lờ trôi là thỏa lòng. Ông cho biết, thường "khai cần” ở hạ lưu sông Đà vào mùng 3 - 4 Tết hằng năm. Khu vực thả cần câu ở dòng suối Đúng chảy ra, khu vực Nhà máy xi măng sông Đà cũ, bến phà Thia Yên Mông hoặc cầu Trắng phía bờ phải, TP Hòa Bình… Còn ở trên lòng hồ là tổ Tháu (phường Thái Bình), khu vực cảng Ba Cấp, cảng Bích Hạ; các xã: Thung Nai (Cao Phong), Hiền Lương, Vầy Nưa (Đà Bắc)…
Đồ câu của ông Quỳnh không đắt tiền, chỉ vài trăm nghìn một cần câu, cùng đồ nghề. Thế nhưng ông lại khiến dân câu thèm muốn bởi kỹ năng làm mồi dụ cá. Lúc thì cám ngô chín, trộn sữa, mật ong, khoai lang trộn với mồi câu chép, mè bán sẵn, rồi ngâm ủ mấy tháng trời làm sao vừa đủ độ thơm lại vừa độ chua để dụ cá.
Với ông Nguyễn Văn Minh, nhà ở phường Hữu Nghị, ngày nào không ra sông Đà nhìn sóng nước lan tỏa, ngửi hơi nước nồng nồng, buông cần thả câu là đứng ngồi không yên. Vì điều kiện công việc, ông thích câu cá vào ban đêm. Câu đêm cần phải có chuông, phao điện và chỉ quản lý được khoảng 3 - 5 cần. Có đêm rét mướt, một mình quấn chăn nằm nghe cá đớp mà chẳng cắn tức ghê. Có lúc thời tiết thay đổi, cá cắn liên tục, chuông reo tíu tít, phao điện chập chờn, có khi gập cả đầu cần, chỉ đến lúc dòng cá vào sát bờ để vợt mới biết là loại cá gì. Câu cá không nhất thiết phải là cá to, cá lớn, cá nhiều mà là sự chinh phục bản thân, thi gan với độ lỳ của cá, chinh phục những chú cá, đàn cá ngày càng ma mãnh.
Câu cá mỗi người đều mong muốn có thành tích được ghi nhận. Ông Nguyễn Văn Bích ở phường Phương Lâm (TP Hòa Bình) đi câu đã mấy chục năm. Ông biết rõ từng con nước, dòng chảy sông Đà, từng bãi cá ẩn náu, bãi cá đẻ. Ông cho biết, quan trọng nhất là mồi câu, muốn câu loại cá nào, phải có loại mồi phù hợp, hấp dẫn vì cá sông Đà ngày càng khôn ranh. Thế nên có người chỉ mua mồi câu sẵn về trộn. Có người chế mồi từ cơm nguôi, ngô, lá sắn, lá rau muống, lá cải, rồi nuôi giun quế, giun đất, bột mỳ, bơ, sữa, cám chim, quyền râu, định hồng điều... Có người dùng mối, nhộng, ốc về làm mồi...
Hòa Bình được thiên nhiên ưu đãi có sông Đà và nhiều sông, suối nhỏ, hồ chứa nước rất đỗi thơ mộng, lại có nhiều loại cá, địa điểm cho những người đam mê buông cần thả câu. Trên địa bàn TP Hòa Bình có rất nhiều điểm câu cá lý tưởng. Đầu tiên là câu cá sông Đà, cả trên hồ thủy điện và dưới hạ lưu đập, ngoài ra có những điểm câu ở các hồ: Dân Chủ, Thống Nhất, Yên Mông, Thịnh Lang... đều thu hút đông cần thủ. Cá sống ở môi trường tự nhiên nên chắc thịt, thơm ngon, chế được nhiều món. Thịt cá trắng, thơm, mềm, nấu không tanh, ăn ngọt, đặm vị khó quên. Không tính các loại đặc sản như cá chiên, lăng, quất, lươn, trạch, ba ba sông, ngay cả những loại cá phổ thông là mương, măng, chày, thiểu, vền... đều dễ tìm, dễ bắt, lại sạch, chế biến món nướng, gỏi, làm chả cá, cuốn lá bưởi để lại dư vị vô cùng hấp dẫn. Chẳng thế mà người đến câu cá ngày càng đông, có những thời điểm thành phong trào câu cá của các cần thủ trên sông Đà.
Chung Lê