Các lực lượng phối hợp tổ chức diễn tập PCCC&CNCH tại Khu công nghiệp bờ trái Sông Đà (TP Hòa Bình).
Thống kê năm 2022, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 7 vụ cháy gây thiệt hại trên 3,6 tỷ đồng, trong đó có 2 vụ cháy do sự cố kỹ thuật, 1 vụ cháy do cơ sở bất cẩn trong sử dụng nguồn lửa; 2 vụ cháy do sơ xuất, bất cẩn trong sử dụng hệ thống thiết bị điện; 2 vụ cháy đang điều tra làm rõ. Đa số các vụ cháy có quy mô nhỏ, tính chất không phức tạp, không gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
Theo Thượng tá Bùi Vĩnh Lộc, Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) - Công an tỉnh, xác định tầm quan trọng của công tác PCCC tại các KCN trên địa bàn, những năm qua, các chủ đầu tư đã chú trọng công tác PCCC&CNCH. Từ năm 2005 đến nay, các cơ sở sản xuất trong KCN trên địa bàn chưa để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Tuy nhiên, nguy cơ dẫn đến cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng còn nhiều tiềm ẩn, luôn có thể xảy ra nếu chủ quan, lơ là.
Hiện, tại KCN bờ trái sông Đà và KCN Lương Sơn được các đơn vị quản lý thành lập đội PCCC chuyên ngành bán chuyên trách. Tuy nhiên, các KCN chưa được trang bị xe chữa cháy chuyên dụng theo quy định của Luật PCCC. Đội PCCC chuyên ngành chưa được huấn luyện thường xuyên, kỹ chiến thuật chưa cao, chưa đáp ứng được nghiệp vụ chữa cháy khi xảy ra cháy lan, cháy lớn, nhất là các cơ sở sản xuất có quy mô lớn.
Theo Ban Quản lý các KCN tỉnh, đến thời điểm hiện tại, KCN Lương Sơn có 42 dự án và cơ sở sản xuất kinh doanh đã, đang và chuẩn bị đầu tư xây dựng. Còn tại KCN bờ trái sông Đà có 25 dự án và cơ sở sản xuất - kinh doanh đã, đang và chuẩn bị đầu tư. Tập trung tại các KCN là loại hình cơ sở gia công hàng may mặc, linh kiện điện tử… Nhận thức rõ về hậu quả nghiêm trọng nếu xảy ra cháy, nổ, thời gian qua, Ban Quản lý các KCN tỉnh và các đơn vị chủ đầu tư, cơ quan chức năng luôn chú trọng công tác PCCC&CNCH.
Trong năm 2022, phòng Cảnh sát PCCC& CNCH đã kiểm tra 104 lượt cơ sở trong các KCN. Qua đó, phòng ra quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động 5 cơ sở vi phạm quy định tại Điều 17, Nghị định số 136/2020/ NĐ-CP của Chính phủ, xử phạt hành chính một số cơ sở sản xuất 550 triệu đồng.
Cũng theo Thượng tá Bùi Vĩnh Lộc, hậu quả của các vụ cháy để lại là rất nghiêm trọng, ngoài thiệt hại về con người, tài sản, các vụ cháy còn gây ảnh hưởng xấu tới môi trường thu hút đầu tư. Do vậy, để ngăn chặn nguy cơ cháy, nổ và nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy tại các KCN, ngoài sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ từ các cơ quan chức năng, trước hết chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật các KCN cần thực hiện các giải pháp như: thành lập và duy trì hoạt động của đội PCCC cơ sở theo chế độ chuyên trách; trang bị đầy đủ phương tiện PCCC&CNCH, phương tiện chữa cháy cơ giới theo quy định như xe chữa cháy, máy bơm chữa cháy, các phương tiện khác; thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng thiết bị chữa cháy đảm bảo hoạt động thường trực 24/24 giờ. Các doanh nghiệp cũng cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan cảnh sát PCCC&CHCN hướng dẫn việc xây dựng thực hiện thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC theo quy định; định kỳ tổ chức huấn luyện nghiệp vụ chuyên sâu cho lực lượng PCCC chuyên ngành….
Ngoài ra, các doanh nghiệp ngoài đảm bảo trang thiết bị PCCC, thiết kế kỹ thuật khi xây dựng đúng quy định cần thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật và kiến thức PCCC, xây dựng phong trào quần chúng tham gia PCCC tại cơ sở. Ban hành quy định, nội quy an toàn PCCC và tổ chức tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành các quy định về PCCC cho cán bộ, công nhân viên lao động… Tổ chức tự kiểm tra an toàn PCCC thường xuyên, định kỳ hàng ngày, nhất là vào thời điểm sau khi tan ca sản xuất để phát hiện kịp thời những sơ hở, thiếu sót và các nguồn nhiệt do sơ suất có thể dẫn đến cháy, nổ…
Hồng Trung