Ban Chỉ đạo 389 tỉnh vừa ban hành kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Thực hiện kế hoạch, lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa, ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả nhằm đảm bảo cho người tiêu dùng yên tâm mua sắm dịp Tết Nguyên đán sắp tới.



Đội Quản lý thị trường số 5 tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng tiêu dùng trước Tết Nguyên đán 2024 tại thị trấn Vụ Bản (Lạc Sơn).

Thời gian qua, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã làm tốt công tác chỉ đạo các lực lượng chức năng triển khai thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của cấp trên về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Các sở, ngành thành viên phối hợp hiệu quả với cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện có trọng tâm, trọng điểm công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, qua đó phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm mang tính chất điển hình. Công tác tuyên truyền chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại được đẩy mạnh, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân, nâng cao cảnh giác đối với các loại hàng giả, hàng kém chất lượng và các hành vi gian lận thương mại khác.

Trong năm 2023, các lực lượng đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 1.095 vụ, tăng 12,19% so với năm 2022, trong đó có 40 vụ về buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu; 1.055 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế. Tổng số tiền xử phạt và truy thu thuế trên 137 tỷ đồng, bằng 227,1% so với năm 2022. Khởi tố hình sự 8 vụ, 16 đối tượng.

Mặc dù lực lượng chức năng đã có nhiều nỗ lực, song theo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh với các hành vi gian lận thương mại trên địa bàn vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc, như: hoạt động của các đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi, trong khi trang thiết bị, phương tiện… của lực lượng chuyên trách còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu công tác; việc phối hợp giữa các hội doanh nghiệp, doanh nghiệp chủ sở hữu với cơ quan chức năng trong trao đổi cung cấp thông tin phòng, chống buôn lậu, hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ chưa thật sự chặt chẽ... Đặc biệt, thời gian gần đây, hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số phát triển, nhiều đối tượng đã lợi dụng để kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng không đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng, trốn thuế... Phổ biến là các mặt hàng: mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, quần áo, túi xách, giày dép, đồ điện tử... được giao bán trên các trang mạng xã hội, sau đó gửi theo đường bưu chính tới tay người tiêu dùng, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc phát hiện nơi kinh doanh, kho cất giấu hàng hoá của các đối tượng để xử lý.

Để khắc phục những tồn tại, nâng cao hiệu quả kiểm soát hàng hóa, góp phần lành mạnh thị trường, bám sát kế hoạch của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong, sau Tết Nguyên đán 2024, các ngành thành viên đã cụ thể hóa và triển khai thực hiện, với phương châm: tăng cường công tác phối hợp, tránh chồng chéo, bỏ sót đối tượng, bỏ trống địa bàn, kịp thời phát hiện phương thức, thủ đoạn mới trong hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, kinh doanh hàng giả; các hành vi vi phạm phải được xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật.

Quản lý địa bàn TP Hòa Bình, huyện Đà Bắc, Lương Sơn với số lượng cửa hàng kinh doanh và lượng hàng hóa tập kết lớn nhất tỉnh, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 (Cục QLTT tỉnh) tích cực bám nắm cơ sở, mở các đợt ra quân kiểm tra, nắm bắt diễn biến thị trường hàng hóa. Đồng chí Phó Đội trưởng Lê Văn Dũng cho biết: Đơn vị tập trung kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh các mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết như: lương thực, thực phẩm, thuốc lá, hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, xăng dầu… Qua công tác kiểm tra, thị trường hàng hóa được kiểm soát ổn định, chưa xảy ra vấn đề nổi cộm liên quan đến hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại. Trong quá trình kiểm soát, xử lý vi phạm kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn để các tổ chức, cá nhân chấp hành đúng quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh và ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng.

Trong đợt cao điểm này, ngoài các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, lực lượng chức năng cũng phối hợp kiểm soát, xử lý nghiêm trường hợp vận chuyển, buôn bán các mặt hàng cấm như: pháo, đèn trời, văn hóa phẩm có nội dung xấu… "Kiểm soát thị trường là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong năm của lực lượng QLTT. Thời điểm cuối năm, thị trường sôi động, hàng hóa lưu thông lớn nên chúng tôi tập trung cao độ nhằm đảm bảo thị trường ổn định, hàng hóa chất lượng, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý. Bên cạnh đó, đơn vị tiếp tục thông báo số điện thoại đường dây nóng (0982.891.518) của Cục QLTT và của các đội tại các siêu thị, chợ, cửa hàng kinh doanh xăng dầu để người dân kịp thời phản ánh, tố giác hành vi vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh” - Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Trương Thanh Sơn thông tin.


Minh Vũ

Các tin khác


Điểm sáng phát triển bảo hiểm y tế ở thành phố Hòa Bình

Năm 2023, toàn tỉnh có 840.451 người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), tăng 6,4% so với năm 2022, đạt 100,2% kế hoạch giao; tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 95,23% dân số (vượt 0,03% so với chỉ tiêu được giao năm 2023 tại Quyết định số 546/QĐ-TTg, ngày 29/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ).

Báo Nhân Dân tặng bạn đọc 100.000 bản phụ san tranh panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ

Đáp ứng mong đợi của bạn đọc cả nước, Báo Nhân Dân đã quyết định in thêm 100.000 bản tranh panorama "Chiến dịch Điện Biên Phủ” từ nguồn xã hội hóa. Từ ngày 20/5, bạn đọc có thể nhận phụ san đặc biệt tại cơ quan thường trú Báo Nhân Dân ở các tỉnh, thành phố.

Chính thức trình Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7, trùng với thời điểm tăng lương khu vực Nhà nước.

Đa dạng kênh giải quyết việc làm cho người lao động

Đó là giải pháp quan trọng được tỉnh Hòa Bình quan tâm, thúc đẩy nhằm phát triển thị trường lao động, tạo nhiều việc làm, giúp người lao động (NLĐ) nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Theo thống kê hàng năm, toàn tỉnh có khoảng 10.000 người bước vào độ tuổi lao động có nhu cầu việc làm, chưa kể lao động muốn chuyển đổi, tìm kiếm việc làm mới. Trong khi đó, khả năng tuyển dụng của các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) trên địa bàn khoảng 4.000 lao động/năm, số còn lại chủ động tìm công việc.

“Bầu ơi thương lấy bí cùng”

Tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Nét đẹp văn hóa đó được bồi đắp qua các thế hệ và mỗi khi được khơi dậy mạnh mẽ tạo thành nguồn lực to lớn giúp đỡ đồng bào khó khăn. Đúng như tinh thần "lá lành đùm lá rách”, "lá rách ít đùm là rách nhiều”, "bầu ơi thương lấy bí cùng”…

Tổng kết thi hành Luật Giám định tư pháp và Đề án 250

Sáng 17/5, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết thi hành Luật Giám định tư pháp và Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp (Đề án 250). Chủ trì hội nghị tại điểm cầu Trung ương có các đồng chí: Nguyễn Văn Yên, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Mai Lương Khôi, Thứ trưởng Bộ Tư pháp. Dự tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục