Theo Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) lần thứ 15 được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam phối hợp Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học MTTQ Việt Nam và một số tổ chức trong nước vừa công bố mới đây, năm 2023 Hoà Bình đạt 43,5493 điểm, đứng thứ 20/63 tỉnh, thành trong cả nước về Chỉ số PAPI, tăng 23 bậc so năm 2022, nằm trong nhóm trung bình - cao (nhóm xếp thứ 2). Kết quả này thể hiện sự hài lòng của người dân về hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật của Nhà nước, quản trị địa phương và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp nhằm phục vụ nhân dân.
Năm 2023, Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học MTTQ Việt Nam cùng một số tổ chức có liên quan đã khảo sát Chỉ số PAPI của tỉnh Hoà Bình thông qua người dân tại 12 xóm, tổ dân phố của 6 xã, phường, thị trấn thuộc 3 huyện, thành phố. Cụ thể, tại TP Hoà Bình khảo sát tại tổ 6, tổ 7, phường Thái Bình; tổ 9, tổ 17, phường Phương Lâm. Huyện Kim Bôi khảo sát tại khu Mớ Đá và khu Thống Nhất, thị trấn Bo; xóm Chỉ Bái và xóm Bà Rà, xã Hùng Sơn. Huyện Mai Châu khảo sát tại xóm Chiềng Hạ và xóm Lầu, xã Mai Hạ; tiểu khu 3 và xóm Vãng, thị trấn Mai Châu.
Đồng chí Nguyễn Thị Mai Phương, Trưởng phòng Cải cách hành chính và Văn thư lưu trữ (Sở Nội vụ) cho biết: Là cơ quan thường trực tham mưu cho UBND tỉnh về công tác cải cách hành chính của tỉnh, ngay sau khi công bố kết quả Chỉ số PAPI năm 2023, Sở Nội vụ đã xây dựng báo cáo phân tích Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2023 của tỉnh Hoà Bình. Qua đó đánh giá, Chỉ số PAPI tổng hợp năm 2023 của tỉnh đạt 43,55 điểm, xếp thứ 20, giảm 2,52 điểm, tăng 23 bậc so với năm 2022, nằm trong nhóm đạt điểm trung bình - cao. Có 7/8 chỉ số nội dung tăng điểm, gồm: tham gia của người dân ở cấp cơ sở đạt 5,16 điểm (tăng 0,06 điểm); công khai, minh bạch đạt 5,13 điểm (tăng 0,01 điểm); trách nhiệm giải trình với người dân đạt 4,46 điểm (tăng 0,14 điểm); kiểm soát tham nhũng trong khu vực công đạt 7,23 điểm (tăng 0,79 điểm); thủ tục hành chính (TTHC) công đạt 7,35 điểm (tăng 0,7 điểm); quản trị môi trường đạt 3,88 điểm (tăng 0,45 điểm); quản trị điện tử đạt 3,15 điểm (tăng 0,56 điểm) so với năm 2022. Một nội dung giảm điểm là cung ứng dịch vụ công đạt 7,19 điểm, giảm 0,2 điểm so với năm 2022.
Chỉ số PAPI năm 2023 của tỉnh đã đánh giá một cách khách quan cảm nhận của người dân đối với công tác cải cách hành chính, điều hành KT-XH, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại địa phương. Với số điểm 43,55 điểm, thuộc nhóm trung bình - cao trong 63 tỉnh, thành phố đã phản ánh tương đồng với kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT-XH của tỉnh trong năm 2023. Trách nhiệm giải trình, tiếp xúc với người dân của cán bộ, công chức ở các cấp chính quyền ngày càng được nâng cao; việc giải quyết TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và bộ phận "một cửa” cấp huyện, cấp xã cơ bản đáp ứng được nhu cầu người dân. Chất lượng dịch vụ xử lý các TTHC đảm bảo quy định, đúng thời hạn; năng lực, kỹ năng giải quyết công việc của công chức được nâng lên rõ rệt, đáp ứng yêu cầu giải quyết TTHC và các nội dung công việc khác.
Tuy nhiên, theo Sở Nội vụ, thông qua đánh giá Chỉ số PAPI năm 2023 cũng cho thấy vẫn còn những hạn chế trong điều hành các chính sách, phục vụ người dân như: Việc truy cập, tiếp cận và khai thác thông tin trên internet, sử dụng cổng thông tin điện tử để lấy thông tin về TTHC, sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân còn hạn chế. Việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường học, cơ sở y tế, chất lượng bệnh viện công lập tuyến huyện, đường bê tông nông thôn, tần suất của dịch vụ thu gom rác thải… chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Với kết quả đã đạt được và đánh giá những hạn chế, cơ quan thường trực tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể phân khai cho các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, huyện, thành phố thực hiện cải thiện Chỉ số PAPI năm 2024 và những năm tiếp theo. Trong đó chú trọng công tác tham mưu giải pháp cải thiện các chỉ số nội dung, nội dung thành phần được giao thực hiện; chủ động tham mưu xây dựng các chương trình, đề án, dự án, kế hoạch để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của ngành, nhiệm vụ chính trị của đơn vị, mục tiêu phát triển KT-XH của địa phương. UBND cấp huyện tham mưu với cấp ủy cùng cấp chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, UBND cấp xã thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, quy định của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại cộng đồng dân cư, đảm bảo người dân hiểu biết và thực hiện được các quy định pháp luật liên quan đến đời sống người dân. Thực hiện các giải pháp cải thiện, nâng cao Chỉ số PAPI năm 2024, đặc biệt gắn với việc thực hiện công tác dân vận chính quyền, quy chế dân chủ ở cơ sở.
Bên cạnh đó, chú trọng công tác tuyên truyền về kết quả, nội dung, mục đích, ý nghĩa của Chỉ số PAPI; trách nhiệm của hệ thống chính trị trong việc cải thiện, nâng cao Chỉ số PAPI. Hướng tới mục tiêu cuối cùng góp phần cải thiện chất lượng hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp, nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân, tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các tổ chức công, đảm bảo quyền căn bản của con người, nhất là quyền được bày tỏ chính kiến, tiếp cận thông tin và sử dụng dịch vụ công căn bản có chất lượng.
Hương Lan