(HBĐT) - Những năm gần đây, nghề nuôi ong lấy mật ở nước ta phát triển cả về số lượng và chất lượng, tập trung chủ yếu ở miền núi và trung du. Trong đó, tại Hòa Bình, "nghề có nhiều mật ngọt” đang tạo ra nhiều sức hút.



Sản phẩm mật ong Hòa Bình của Công ty TNHH Quang Dũng (TP Hòa Bình) được nhiều khách hàng tin tưởng lựa chọn vì chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Sức hút của nghề nuôi ong lấy mật  

Xã An Bình (Lạc Thủy) có nhiều đồi núi, cây lâm nghiệp và cây ăn quả, cuộc sống của bà con chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và trồng rừng, vì thế phù hợp để phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Năm 2011, Câu lạc bộ (CLB) nuôi ong xã An Bình được thành lập gồm 18 hội viên. Chủ nhiệm CLB Đinh Xuân Cẩm cho biết: Nhờ tham gia CLB, các hộ nuôi ong nhỏ lẻ trên địa bàn được kết nối, có thêm cơ hội học hỏi kinh nghiệm và tập huấn khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả chăm sóc đàn ong. Sau 8 năm hoạt động, đến nay, CLB đã phát triển được 1.077 đàn ong, hộ nuôi ít từ 10-15 đàn, hộ nuôi nhiều gần 100 đàn. Năm 2018, sản lượng mật ong của CLB đạt khoảng 10 tấn. Ngoài khai thác mật, các hộ còn bán khoảng 250 đàn ong giống, mang lại tổng thu nhập từ nuôi ong trên 1 tỷ đồng, bình quân mỗi hộ nuôi ong thu khoảng 65 triệu đồng/năm.

Mức thu 65 triệu đồng/năm là hiệu quả kinh tế khá hấp dẫn khiến nhiều hộ mong muốn thử sức với nghề nuôi ong lấy mật. Với giá bán hiện nay khoảng từ 600-700 nghìn đồng/đàn ong giống (mỗi đàn có 3-4 cầu), hộ nuôi chỉ cần nguồn vốn khoảng từ 6-7 triệu đồng để bắt đầu mô hình nuôi ong 10 đàn (tương đương 10 thùng). Trên địa bàn tỉnh, hầu hết đàn ong là giống ong nội - loại ong dễ nuôi, phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu và hệ sinh thái rừng của tỉnh. Sau khi mua con giống, tận dụng diện tích vườn nhà, trang trại trồng cây ăn quả hoặc diện tích rừng sẵn có để đặt các thùng ong, hộ nuôi ong chỉ cần đầu tư một lần, biết chăm sóc là có thể phát triển thêm đàn và đều đặn quay mật 2-3 lần/tháng. Mùa rộ mật vào khoảng tháng 2 đến tháng 8, nên bắt đầu từ tháng 3, người nuôi ong có mật để bán dần trong cả năm. Loại cây để ong lấy mật tốt nhất là cây nhãn, vải và các loại mật ở lá cây keo, cây bạch đàn… Chính vì thế, nuôi ong lấy mật được đánh giá là phù hợp với các địa bàn có diện tích rừng và cây ăn quả lớn như huyện Lạc Thủy nói riêng và toàn tỉnh nói chung.  

Theo ghi nhận của Trạm Khuyến nông – khuyến lâm huyện Lạc Thủy, những năm gần đây, số lượng người tham gia nuôi ong và sản lượng mật ong của huyện tăng lên đáng kể. Tại các xã được đánh giá có nhiều lợi thế phát triển đàn ong như: An Bình, An Lạc, Liên Hòa, Đồng Môn, Hưng Thi, Yên Bồng, Khoan Dụ… đều đã xuất hiện các CLB nuôi ong. Trên phạm vi toàn huyện, Hội Nuôi ong huyện Lạc Thủy đã được thành lập từ năm 2009 và hoạt động gia tăng hiệu quả qua từng năm, đóng góp tích cực phát triển nghề nuôi ong trên địa bàn huyện. Đến nay, toàn huyện có trên 500 hộ nuôi ong với số lượng trên 10.000 đàn, tổng sản lượng mật ong mỗi năm đạt trên 100 tấn. Dự kiến, đến năm 2020, toàn huyện duy trì ổn định 11.000 đàn ong với tổng sản lượng ước đạt 110 tấn mật/năm.

Trên phạm vi toàn tỉnh, Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, hiện có gần 60.000 đàn ong, tổng sản lượng mật mỗi năm đạt gần 600 tấn. Nhìn chung, nuôi ong lấy mật thực sự là một nghề giúp khai thác tốt tiềm năng, lợi thế và góp phần tích cực xóa đói, giảm nghèo nên tỉnh đã định hướng ưu tiên trong lộ trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói chung, tái cơ cấu ngành chăn nuôi nói riêng.

Để nghề nuôi ong phát triển bền vững

Được biết, tỉnh có những điều kiện phù hợp để phát triển nghề nuôi ong lấy mật theo hướng an toàn, bền vững. Thế mạnh nổi bật nhất chính là diện tích đất rừng và trồng cây ăn quả lớn. Cụ thể, diện tích che phủ của rừng chiếm 46% với nhiều nguồn mật quý như chân chim, cỏ Lào, các loại hoa rừng…, đặc biệt là nguồn mật rất lớn từ các giống keo. Diện tích cây ăn quả trên 10.000 ha với các loại cây có tiềm năng lớn về nguồn mật và phấn như nhãn, cam, bưởi… Thêm vào đó, các điều kiện về địa hình, thời tiết, khí hậu, vị trí địa lý gần thủ đô Hà Nội và vùng đồng bằng Bắc Bộ cũng tạo thêm động lực góp phần thúc đẩy nghề nuôi ong mật phát triển.

Thực tế những năm gần đây, nghề được mệnh danh là "nghề có nhiều mật ngọt” này đang phát triển khá nhanh cả về số lượng đàn, năng suất và sản lượng mật. Đối với nhiều hộ nuôi ong tâm huyết, sản phẩm mật ong ngọt ngào đã mang tới cho họ nguồn thu trị giá cả trăm triệu đồng mỗi năm. Điển hình như hộ anh Nguyễn Minh Tiến ở thôn Lũ, xã Phú Thành (Lạc Thủy). Bắt đầu nuôi ong từ năm 2010, đến nay đã gần 9 năm, anh Nguyễn Minh Tiến hiểu rõ sức hút cũng như lợi thế phát triển của nghề nuôi ong. Anh chia sẻ: Ban đầu, tôi nuôi 5 đàn ong, chủ yếu để lấy mật tiêu dùng cho gia đình. Dần dần qua quá trình nuôi, thấy hiệu quả kinh tế khá hơn nhiều đối tượng chăn nuôi khác, tôi mạnh dạn đầu tư phát triển lên 50 đàn vào năm 2012, lên 150 đàn vào năm 2013 và đến nay, gia đình duy trì ổn định trên 200 đàn, sản lượng mật hàng năm đạt gần 3 tấn. Sau khi trừ hết các chi phí, thu nhập từ bán mật ong và ong giống đạt trên 150 triệu đồng/năm. Đặc biệt, anh Tiến khẳng định: Nếu có đầu ra ổn định với số lượng lớn, 1 lao động có kinh nghiệm có thể quản lý từ 500-600 đàn ong. Bởi trên thực tế, tôi vẫn còn dư nhiều thời gian khi quản lý trên 200 đàn ong như hiện nay. 

Cũng như anh Nguyễn Minh Tiến, nhiều hộ nuôi ong trên địa bàn tỉnh mong tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm mật ong để mở rộng quy mô của mô hình kinh tế đang cho hiệu quả thuyết phục này. "Thực tế, trong quá trình nuôi ong, tôi nhận thấy phát triển đàn ong thì dễ nhưng để tiêu thụ hết lượng mật là rất khó. Đa số bà con tiêu thụ bằng hình thức nhỏ lẻ, tự sản tự tiêu…” – anh Lại Văn Tăng, một hộ nuôi ong mật tại phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) trăn trở.

Vấn đề này được nhiều đại biểu đưa ra bàn luận tại Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp năm 2019 vừa được tổ chức tại Hòa Bình. Bám sát chuyên đề "Giải pháp phát triển bền vững nghề nuôi ong tại các tỉnh miền núi phía Bắc”, đại biểu đã phân tích nhiều nguyên nhân làm hạn chế sự phát triển của nghề nuôi ong lấy mật hiện nay. Trong đó, nguyên nhân hàng đầu là khả năng tiêu thụ sản phẩm mật ong. Thực tế, tại Hòa Bình cũng như các tỉnh miền núi phía Bắc, nuôi ong mật là kinh nghiệm truyền thống đã có lâu năm của đồng bào các dân tộc vùng cao. Do kinh nghiệm được tích lũy nhiều, nắm bắt được các đặc tính của ong nên sản phẩm mật ong bà con làm ra luôn đảm bảo chất lượng. Từ bao lâu nay, mật ong miền núi phía Bắc đã nổi tiếng về độ thơm ngon, tinh khiết, bổ dưỡng, đặc sánh, rất hữu hiệu khi kết hợp làm các bài thuốc dân gian chữa bệnh nên bán chạy, sản phẩm làm đến đâu được bán hết đến đó với mức giá ổn định khoảng từ 170.000 - 220.000 đồng/lít. Tuy nhiên, đáng tiếc là các kênh tiêu thụ sản phẩm mới chỉ dừng ở mức nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình nên hạn chế sự phát triển của nghề nuôi ong. Theo thống kê của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, sản lượng mật ong của toàn tỉnh mới đạt gần 600 tấn/năm, năng suất mật đạt bình quân trên 12 kg/đàn/năm. Với năng suất và sản lượng đó, nghề nuôi ong lấy mật mới chỉ dừng ở quy mô manh mún, mức độ đầu tư phù hợp với một hộ nông nghiệp ít vốn, ít đất sản xuất và sẽ còn rất xa để có thể vươn lên phát triển quy mô hàng hóa tập trung, mang lại giá trị gia tăng cao.



Hội viên Hội Nuôi ong huyện Lạc Thủy phát triển đàn ong tại hộ gia đình, từ đó cải thiện thu nhập. 

Đồng chí Nguyễn Hồng Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh nhấn mạnh: Cùng với yêu cầu mở rộng thị trường cho sản phẩm, nghề nuôi ong lấy mật đang đứng trước nhiều thách thức liên quan đến phương thức tổ chức sản xuất, khoa học kỹ thuật, hiệu quả chăn nuôi… Chính vì vậy, thời gian tới cần triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó, ưu tiên hàng đầu là rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển chăn nuôi ong theo hướng thâm canh trong trang trại, gia trại và nông hộ kết hợp với trồng trọt, tận dụng thức ăn thiên nhiên. Đặc biệt, cần tạo chuỗi liên kết hiệu quả giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Trên cơ sở đánh giá giữa nguồn cung và cầu đối với sản phẩm để dự báo thị trường tiêu thụ, cần tăng cường kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi ong, phát triển các nhóm hộ nông dân hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị, đồng thời hướng dẫn các địa phương xây dựng chuỗi liên kết, đăng ký nhãn hiệu và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Đó là những giải pháp căn cơ góp phần thúc đẩy nghề nuôi ong lấy mật phát triển theo hướng bền vững và có giá trị gia tăng cao.  

Thu Trang




 Hướng tới thị trường xuất khẩu cho sản phẩm mật ong chất lượng cao

Hạ Thúy Hạnh
Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia

Từ năm 1985, nghề nuôi ong ở Việt Nam bắt đầu phát triển. Đây cũng là năm đầu tiên Việt Nam xuất khẩu mật ong ra nước ngoài, mật ong là sản phẩm chăn nuôi duy nhất được xuất khẩu sang cộng đồng châu Âu năm 1987. Từ đó đến nay, nghề nuôi ong lấy mật đã có sự phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Hiện, mật ong và các sản phẩm về ong liên quan có giá trị xuất khẩu, được các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật… ưa chuộng, là một trong số ít những sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu vào được thị trường các nước phát triển.

Riêng tại các tỉnh miền núi phía Bắc, một số tỉnh như Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình… đã xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm mật ong, quy mô sản xuất đang dần mở rộng để hướng tới mục tiêu xuất khẩu. Thiết nghĩ, Hòa Bình cũng như các tỉnh trong khu vực cần tiếp tục khai thác lợi thế này, chú trọng nâng cao chất lượng mật ong và hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung phục vụ thị trường xuất khẩu.


Cần nhân rộng mô hình nuôi ong mật đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm

Bùi Minh Đức
Trưởng phòng kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh

Hòa Bình là địa phương có nhiều lợi thế để phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Mục tiêu của ngành chăn nuôi ong trên địa bàn tỉnh là tự túc được con giống và tạo ra sản phẩm mật ong có chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Để góp phần hiện thực mục tiêu đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai Dự án khuyến nông "Xây dựng mô hình nuôi ong mật chất lượng cao trong nông hộ tại các tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung Tây Nguyên” với quy mô 600 đàn/30 hộ tham gia. Mô hình đạt kết quả tốt, trong đó, chất lượng của sản phẩm mật ong được đánh giá cao bởi áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn theo hướng VietGAP. Chính vì cho ra đời sản phẩm mật ong chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nên nhiều hộ đã đăng ký tham gia mô hình trong thời gian tới. Xét thấy khả năng nhân rộng của mô hình nên Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã đề nghị Trung tâm Khuyến nông quốc gia tiếp tục hỗ trợ triển khai trong những năm tiếp theo. Qua đó, tăng diện phổ cập kỹ thuật, góp phần hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tạo bước đột phá phát triển bền vững nghề nuôi ong lấy mật tại Hòa Bình.    

 
Mong muốn được hỗ trợ để mở rộng quy mô và tổ chức sản xuất chuyên nghiệp hơn

Nguyễn Thị Hương
Chủ nhiệm CLB nuôi ong lấy mật xã Mông Hóa (Kỳ Sơn)

CLB Nuôi ong lấy mật xã Mông Hóa (Kỳ Sơn) được thành lập tháng 10/2014, hiện có 45 hội viên. Sau 5 năm hoạt động, chúng tôi nhận thấy đây là mô hình kinh tế phù hợp, mang lại hiệu quả cao, đòi hỏi ít vốn và tranh thủ được nguồn lao động lúc nông nhàn. Chính vì thế, chúng tôi quyết tâm chuyên nghiệp hóa hoạt động của CLB. Cùng với kế hoạch mở rộng quy mô, thu hút thêm hội viên tham gia và tăng số lượng đàn ong mật, vấn đề quan trọng cần làm là chuyển sang mô hình hợp tác xã nuôi ong thay vì giới hạn trong mô hình nhỏ hẹp CLB đồng sở thích như hiện nay. Với quyết tâm đó, chúng tôi mong muốn nhận được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, cơ quan, đoàn thể có kinh nghiệm, đồng thời tìm kiếm được các đối tác phù hợp để tổ chức sản xuất chuyên nghiệp hơn, hướng tới phát triển bền vững và làm giàu từ nghề nuôi ong lấy mật. 


Thu Trang

Các tin khác


Khó khăn trong quản lý chất thải rắn - cần những giải pháp hữu hiệu

(HBĐT) - Cùng với sự phát triển KT-XH, dân số, lượng chất thải rắn (CTR) phát sinh trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng. Tỉnh đã có sự quan tâm trong chỉ đạo, quản lý, xử lý CTR nhưng hiện còn nhiều khó khăn. Ô nhiễm môi trường từ CTR là vấn đề được người dân quan tâm, cần tiếp tục có giải pháp giải quyết hiệu quả.

Phát triển kinh tế tập thể cần lượng và chất

(HBĐT) - Những năm qua, cùng với các thành phần kinh tế khác, kinh tế tập thể (KTTT), trong đó nòng cốt là các hợp tác xã (HTX) đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và ổn định an sinh xã hội. Mặc dù đã phát huy những hiệu quả tích cực, tuy nhiên, các HTX vẫn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động. Điều này đòi hỏi mỗi đơn vị phải có sự thích ứng, bởi nếu không có một tư duy mới, cách nhìn mới cùng các hành động, giải pháp phát triển sản xuất, kinh doanh (SXKD) mang tính bền vững thì các HTX khó có thể trụ vững, khó khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của loại hình KTTT trong thời đại công nghiệp 4.0 với thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Vấn đề đặt ra trong quản lý, sử dụng vật tư nông nghiệp

(HBĐT) - Mỗi năm, nhu cầu sử dụng 3 loại vật tư thiết yếu trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh cần khoảng 1.900 tấn lúa, 700 tấn ngô giống; 145.000 tấn phân bón, trong đó, 45.000 tấn đạm urê, 55.000 tấn lân, 35.000 tấn ka li; 250 - 300 tấn thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Vật tư nông nghiệp (VTNN) là hàng hóa thiết yếu quyết định đến năng suất, chất lượng sản phẩm, sức khỏe người tiêu dùng. Bởi lẽ đó, vấn đề quản lý, kiểm soát chất lượng và việc sử dụng mặt hàng này được các ngành chức năng đặc biệt quan tâm nhằm góp phần ổn định, nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) và môi trường sinh thái.

Bạo lực gia đình - vấn đề nhức nhối của xã hội

(HBĐT) - Từ ngày 1/7/2008, Luật phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) có hiệu lực, là công cụ pháp luật để xử lý những hành vi BLGĐ, bảo vệ quyền lợi cho nạn nhân, duy trì sự ổn định của gia đình và xã hội. Tuy nhiên hiện nay, tình trạng BLGĐ vẫn diễn ra thường xuyên, trở thành vấn đề nhức nhối tại tỉnh ta. BLGĐ gây nên những tổn hại nghiêm trọng đối với cá nhân và ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội.

Chung tay hỗ trợ gia đình liệt sỹ

(HBĐT) - Chiến tranh đã lùi xa, nhưng nỗi đau của bao gia đình liệt sỹ và cũng là niềm đau đáu của cả dân tộc Việt Nam vẫn còn đó. Theo thống kê, toàn quốc hiện còn khoảng 200 nghìn liệt sỹ chưa tìm được hài cốt và khoảng 300 nghìn mộ liệt sỹ đã quy tập nhưng chưa có tên. Riêng với tỉnh Hòa Bình, qua 2 cuộc kháng chiến có khoảng 5.800 liệt sỹ, nhưng đến nay mới có gần 1.200 liệt sỹ đã tìm thấy mộ, còn lại là các phần mộ chưa xác định được danh tính hoặc chưa tìm thấy để quy tập về nghĩa trang. Cần thêm nữa những tấm lòng nhiệt huyết để tri ân liệt sỹ, gia đình liệt sỹ.

Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã - cần sự tập trung cao độ

(HBĐT) - Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là chủ trương đúng để thực hiện mục tiêu hợp lý các đơn vị hành chính, phù hợp với xu thế phát triển KT-XH của tỉnh. Một mặt, góp phần đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện không dễ dàng bởi những vấn đề phát sinh như: dôi dư cán bộ, thừa - thiếu cơ sở vật chất, chất lượng công vụ, chế độ, chính sách cho người dân vùng khó khăn… Để thực hiện thành công cần có quyết tâm chính trị, tinh thần, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục