(HBĐT) - Sau khi tiếp cận với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), tôi thấy dự thảo luật được soạn thảo công phu, mang tính lý luận và thực tiễn, có tính khả thi. Dự thảo luật đã tiếp cận, sửa đổi những bất cập, tồn tại, hạn chế trong Luật Đất đai năm 2013. Tôi cơ bản nhất trí với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), xin góp một số ý kiến như sau:
1. Về từ ngữ đề nghị sử dụng văn phong phổ thông, dễ đọc, dễ hiểu, dễ tiếp thu, dễ vận dụng.
2. Về nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (SDĐ): Đề nghị phải bảo đảm thống nhất, đồng bộ; bố trí không gian SDĐ theo 3 khu vực: Khu vực quản lý nghiêm ngặt, khu vực hạn chế và khu vực được chuyển quyền SDĐ; quy định rõ việc kết hợp giữa chỉ tiêu SDĐ với không gian SDĐ; xác định rõ vị trí, ranh giới, diện tích thu hồi đất, chuyển mục đích SDĐ đến từng thửa đất trong quy hoạch SDĐ cấp tỉnh, cấp huyện. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch SDĐ của cấp nào thì có thẩm quyền quyết định, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch SDĐ của cấp đó. Hàng năm, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức rà soát, xử lý, công bố công khai việc hủy bỏ thu hồi đất, chuyển mục đích đối với đất đã được ghi trong kế hoạch SDĐ hàng năm.
3. Về người SDĐ, hộ gia đình SDĐ: Cần quy định rõ về quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất đai, bao gồm quyền tiếp cận đất đai, quyền tiếp cận thông tin đất đai, quyền tham gia giám sát việc quản lý, SDĐ và các nghĩa vụ của công dân đối với đất đai.
Hoàn thiện các quy định về việc thực hiện các quyền của người SDĐ đối với các khu vực quy hoạch; nêu rõ trách nhiệm của UBND tỉnh trong việc rà soát, xử lý, công bố công khai việc hủy bỏ thu hồi đất, chuyển mục đích SDĐ đối với đất đã được ghi trong kế hoạch SDĐ hàng năm cấp huyện trên trang thông tin điện tử của UBND tỉnh để Nhân dân theo dõi, giám sát.
Quy định việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải thực hiện trước khi có quyết định thu hồi đất.
Luật Đất đai (sửa đổi) nên cho phép hộ gia đình, cá nhân trực tiếp SXNN được Nhà nước giao đất, công nhận quyền SDĐ nông nghiệp trong hạn mức khi hết thời hạn SDĐ thì không phải làm thủ tục gia hạn mà vẫn được thực hiện các quyền của người SDĐ. Quy định như vậy nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC).
Mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền SDĐ nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân lên không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp. Không hạn chế tổ chức, hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng quyền SDĐ trồng lúa, nhưng phải có phương án SDĐ nông nghiệp được UBND cấp tỉnh chấp thuận.
UBND tỉnh có trách nhiệm quy định hạn mức chuyển quyền SDĐ nông nghiệp cho cá nhân phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.
4. Về trình tự, thủ tục thu hồi đất, cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất: Cần quy định rõ trách nhiệm của cơ quan Nhà nước trong việc hoàn thành đăng ký đất đai đối với tất cả các thửa đất, tăng cường trách nhiệm của người SDĐ thông qua việc quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của người SDĐ, người được giao đất quản lý; quy định về đăng ký đất đai trên môi trường điện tử; quy định chế tài xử lý mạnh mẽ đối với chính quyền địa phương các cấp không thực hiện tổ chức đăng ký đất đai bắt buộc; đối với người SDĐ, người được giao đất quản lý không hoặc chậm thực hiện đăng ký; ngăn chặn các trường hợp giao dịch không thực hiện đăng ký đất đai; quy định rõ trách nhiệm trong từng khâu giải quyết các TTHC; trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc xác lập các giấy tờ để làm thủ tục đăng ký giấy chứng nhận quyền SDĐ.
5. Về chế độ SDĐ, mục đích, đất xây dựng công trình ngầm, trên không: Cần quy định rõ nguyên tắc SDĐ mà không làm thay đổi mục đích SDĐ chính; không làm ảnh hưởng đến việc bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học, cảnh quan môi trường; không làm ảnh hưởng đến việc SDĐ của các thửa đất liền kề.
6. Về chính sách đất đai đối với dân tộc thiểu số (DTTS): Quy định rõ giao đất lần đầu không thu tiền SDĐ trong hạn mức đối với đồng bào DTTS chưa được giao đất để sản xuất, kinh doanh; cho thuê đất thu tiền đất hàng năm và thực hiện chính sách miễn tiền thuê đất đối với những trường hợp đã được Nhà nước giao đất nhưng thiếu đất sản xuất hàng năm. Chính phủ cần có chính sách khung về hỗ trợ đất đai đối với DTTS. Quy định việc giao cho UBND tỉnh sử dụng diện tích đất của các công ty nông, lâm nghiệp giải thể bàn giao cho địa phương quyết định vào mục đích theo quy hoạch SDĐ; trong đó ưu tiên giao đất, cho thuê đất đối với đồng bào DTTS.
7. Về đất tôn giáo: Có cơ chế, chính sách miễn, giảm tiền thuê đất đối với cơ sở thờ tự, cơ sở tôn giáo được Nhà nước cho phép.
8. Về các trường hợp thu hồi đất để phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng: Đề nghị luật quy định cụ thể các trường hợp Nhà nước thu hồi đất; điều kiện, tiêu chí thu hồi đất để phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng (dự án công trình công cộng không nhằm mục đích kinh doanh; dự án do Nhà nước đầu tư để tạo quỹ đất; dự án xây dựng trụ sở làm việc của tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao; thu hồi đất để thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại; dự án khai thác khoáng sản đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép; dự án cải tạo, xây dựng lại khu chung cư cũ, khu dân cư bị ô nhiễm môi trường...).
Bùi Ỉnh
(Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về dân chủ - pháp luật của Ủy ban MTTQ tỉnh)
(HBĐT) - Sáng 28/2, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị trực tuyến lấy ý kiến về các quy định liên quan vấn đề tài chính đất đai trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và các vấn đề khác liên quan đến phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi chủ trì hội nghị. Đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu của tỉnh.
(HBĐT) - Ngày 28/2, Hội LHPN tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
(HBĐT) - Sáng 27/2, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu phát triển cộng đồng nông thôn tổ chức hội thảo lấy ý kiến tham gia góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Tham dự có 60 đại biểu là lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh và một số sở, ngành, đoàn thể tỉnh; chuyên gia, nhà khoa học từ 2 trường đại học; các hội đồng tư vấn của Ủy ban MTTQ tỉnh; Thường trực HĐND, Ủy ban MTTQ các huyện, thành phố; đại biểu 6 xã của huyện Đà Bắc và Mai Châu.
(HBĐT) - Chiều 23/2, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện Kim Bôi phối hợp với Phòng TN&MT huyện tổ chức hội nghị lấy ý kiến tham gia góp ý vào Luật Đất đai (sửa đổi). Tham dự hội nghị có 45 đại biểu là lãnh đạo huyện, đại diện các ngành, đoàn thể và Ban tư vấn của Ủy ban MTTQ huyện.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Báo Hòa Bình xin giới thiệu toàn văn và rất mong các cơ quan, tổ chức, cá nhân nghiên cứu, đóng góp ý kiến.
(HBĐT) - Đến Tòng Đậu, Mai Châu những ngày này có thể cảm nhận rõ đổi thay trong diện mạo nông thôn. Nhà nhà cùng thi đua xây dựng đời sống văn hóa, tăng gia sản xuất để có thêm thu nhập, nâng cao đời sống.