Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa có công văn gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Văn bản đề nghị chính quyền các tỉnh, thành phố tăng cường chỉ đạo phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Lao động tại Công ty cổ phần quốc tế Sơn Hà, Hà Nội. (Ảnh minh họa: Duy Đăng)
Công văn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhấn mạnh, thời gian qua, việc tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Ủy ban nhân các tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch Covid-19 và sự thay đổi của một số chính sách đã làm số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế giảm sâu.
Để hoàn thành chỉ tiêu phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ổn định, bền vững theo tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW, Nghị quyết số 28-NQ/TW, Quyết định số 546/QĐ-TTg và Nghị quyết số 69/NQ-CP, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị UBND các tỉnh, thành phố giao chỉ tiêu phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đến cấp xã. Đồng thời, chỉ đạo ban hành Nghị quyết và Chương trình hành động nhằm hoàn thành chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế - coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, làm căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ đối với các cấp chính quyền.
Cân đối khả năng ngân sách của địa phương để hỗ trợ thêm mức đóng cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người thuộc hộ gia đình cận nghèo, hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình, học sinh-sinh viên và các đối tượng khác trên địa bàn.
Bên cạnh đó, để phù hợp với mục tiêu chung về độ bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp của toàn quốc theo các nghị quyết của Đảng và Chính phủ, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội và tốc độ gia tăng tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của địa phương thời gian qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất tỷ lệ tối thiểu về độ bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp hằng năm với riêng từng tỉnh, thành phố trong giai đoạn 2022-2025.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác thông tin, truyền thông về tính nhân văn và lợi ích khi tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Cùng với đó, truyền thông về trách nhiệm của chủ sử dụng lao động, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đầy đủ cho người lao động; tạo chuyển biến tích cực của toàn tỉnh về thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước.
Cân đối khả năng ngân sách của địa phương để hỗ trợ thêm mức đóng cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người thuộc hộ gia đình cận nghèo, hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình, học sinh-sinh viên và các đối tượng khác trên địa bàn.
Thường xuyên chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động tại các cơ quan, đơn vị sử dụng lao động. Xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định của pháp luật.
Kiện toàn và đánh giá hoạt động của Ban Chỉ đạo phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tại địa phương; biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các mô hình triển khai hiệu quả trong công tác phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình trên địa bàn.
Ước đến hết tháng 8/2022, toàn quốc có hơn 17,1 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội. Số người tham gia bảo hiểm y tế đạt gần 87 triệu người.
(Nguồn: Bảo hiểm xã hội Việt Nam)
TheoNhanDan