(HBĐT) - Từ năm 2018 - 2021, nhiều chính sách của Nhà nước thay đổi đã làm tỷ lệ bao phủ thẻ BHYT trên địa bàn huyện Lạc Thủy bị giảm.Theo đó, thực hiện Quyết định số 582/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn (ĐBKK), xã khu vực III, II, I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2016 - 2020, huyện có 323 người vùng ĐBKK không còn thuộc đối tượng được ngân sách Nhà nước (NSNN) cấp BHYT.
Theo Quyết định số 103/QĐ-TTg về phê duyệt bổ sung, điều chỉnh và đổi tên danh sách thôn ĐBKK, xã khu vực III, II, I thuộc vùng DTTS&MN giai đoạn 2016 - 2020, có 3 thôn ra khỏi vùng ĐBKK với 1.377 người không còn được NSNN cấp BHYT. Thực hiện Quyết định số 3026/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc sáp nhập, đổi tên thôn, xóm, tổ dân phố, NSNN cũng không cấp 1.699 thẻ BHYT. Từ ngày 1/7/2021, sau khi thực hiện điều chỉnh khu vực theo Quyết định số 861/QĐ-TTg về phê duyệt các xã khu vực I, II, III, số thẻ BHYT cắt giảm của huyện là 24.000 người.
Đồng chí Đinh Thị Tố Uyên, Phó Giám đốc BHXH huyện Lạc Thủy cho biết: Trước đây chưa thực hiện một số chính sách thì huyện có tỷ lệ bao phủ thẻ BHYT gần 90% dân số. Sau khi triển khai thực hiện, tỷ lệ bao phủ còn hơn 60%. Trước thực trạng đó, BHXH huyện đã tham mưu Ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT huyện tổ chức họp, mời Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn để nêu rõ những khó khăn, vướng mắc, đưa ra giải pháp tháo gỡ. Ban chỉ đạo giao từng cá nhân theo dõi địa bàn, đoàn thể thôn, xóm rà soát những người chưa tham gia BHYT. Tổ chức và mời những người chưa tham gia đến hội nghị tuyên truyền. Với nỗ lực của các cấp, ngành, đoàn thể cùng vào cuộc, tính đến ngày 31/8/2022, toàn huyện có 50.282 người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 81,73%; BHXH tự nguyện có 1.352 người tham gia, đạt 64,3% kế hoạch năm. Tuy nhiên, năm 2022, theo kế hoạch UBND tỉnh giao công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT ở huyện Lạc Thuỷ đạt 93%, BHXH tự nguyện 2.100 người. Như vậy, trong những tháng cuối năm, huyện phải phát triển thêm 11.242 người tham gia BHYT, 748 người tham gia BHXH tự nguyện. Đây là nhiệm vụ nặng nề đối với ngành BHXH và các cấp, ngành của huyện.
Cũng theo đồng chí Đinh Thị Tố Uyên, những tháng đầu năm 2022, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên việc tổ chức hội nghị tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT gặp nhiều khó khăn. Một số đại lý thu chưa quan tâm công tác thu phí hàng tháng. Những người chưa tham gia BHYT là những hộ có thu nhập thấp, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, nhận thức chưa đầy đủ về chính sách BHYT. Cấp ủy, chính quyền một số xã chưa thực sự quan tâm công tác chỉ đạo, tuyên truyền chính sách. Ý thức chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT của chủ sử dụng lao động ở một số doanh nghiệp chưa cao. Đối với BHXH tự nguyện, do thay đổi mức chuẩn nghèo từ 700 nghìn đồng lên 1,5 triệu đồng nên hạn chế người tham gia BHXH tự nguyện.
Để hoàn thành chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, trong thời gian tới, BHXH huyện tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền, Ban chỉ đạo huyện trong việc thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH. Phối hợp các ngành, tổ chức, đoàn thể, Trung tâm VH-TT&TT huyện tiếp tục tuyên truyền Luật BHXH, Luật BHYT. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, hội, đoàn thể triển khai nhiệm vụ phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT. Trong đó tập trung khai thác đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện qua các kênh văn bản, dữ liệu trực tuyến, tuyên truyền nhóm nhỏ lẻ... Tiếp tục tăng cường tuyên truyền ở các địa phương bị cắt giảm thẻ BHYT. Phối hợp ngành bưu điện triển khai mạng lưới nhân viên thu BHXH, BHYT qua tổ dịch vụ được ủy quyền thu BHXH, BHYT, thực hiện tốt việc chi trả các chế độ. Đồng thời, thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, tăng cường triển khai giao dịch hồ sơ điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT. Nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo điều kiện tốt nhất cho người tham gia BHYT khám, chữa bệnh.
Việt Lâm