(HBĐT) - Hòa Bình có hai loại trống Đông Sơn: loại I Heger và loại II Heger. Trống Đông Sơn có khung niên đại từ thế kỷ IV trước Công nguyên đến thế kỷ V sau Công nguyên. Đã tìm được 11 chiếc trống Đông Sơn (loại I Heger) trên địa bàn tỉnh; trong đó, nhóm A có 3 chiếc là trống sông Đà, trống Đồi Ro và trống Hòa Bình; nhóm B có 2 chiếc là trống Yên Bồng III và trống Đú Sáng; nhóm C có 5 chiếc là trống Khoan Dụ, Chợ Bờ, Lạc Long, Yên Bồng I, Yên Bồng II; nhóm Đ có trống Vĩnh Đồng II.


Nhìn chung, trống Đông Sơn ở Hòa Bình tuy số lượng không nhiều nhưng cũng có mặt gần đủ các nhóm, trừ nhóm D. Về kiểu dáng, trống Đông Sơn đều có mặt chờm tang, xuất hiện các khối tượng cóc trên mặt trống. Về hoa văn trang trí, đáng chú ý là những hình người múa hóa trang lông chim cách điệu thành văn cờ. Đặc biệt, trên trống Khoan Dụ và trống Vĩnh Đồng II đã xuất hiện các yếu tố hoa văn loại mới: ô trám, trám lồng trang trí ở phần chân. Trống Khoan Dụ và trống Vĩnh Đồng II đều thuộc dòng trống lưng thẳng, kích thước tương đối lớn, đánh dấu sự chuyển tiếp về mặt kích thước giữa trống Đông Sơn truyền thống sang trống có kích thước lớn tồn tại phổ biến trên trống loại II Heger. Do đó, có thể nhận định rằng, trống Đông Sơn đã phát triển và sáng tạo thêm một bước mới qua sự tồn tại của những trống loại II Heger phát hiện trên đất Hòa Bình.

Trống đồng sông Đà là một đặc trưng cho loại trống Đông Sơn (Heger I) được tìm thấy ở Hòa Bình vào cuối thế kỷ XIX (trước kia nhiều người vẫn gọi là trống đồng Muliê). Trống có đường kính 78 cm, chiều cao 61 cm. Trống còn tương đối nguyên vẹn, mặt cũng như thân có nhiều vết sẹo. Mặt trống chờm ra ngoài thành tang một ít. Bố cục trang trí và hình loại hoa văn gần giống với các trống Ngọc Lũ I và Hoàng Hạ. Đây là 1 trong 4 chiếc trống đồng vào loại đẹp nhất và cổ nhất trên thế giới. Trên trống xuất hiện hình người trang sức lông chim, tay cầm vũ khí giữa những thủy thủ hoạt động đồng loạt, khiến người ta nghĩ đến vai trò khác nhau giữa họ. Có thể người đứng là người chỉ huy chung cuộc đua thuyền này. Mặt trống: chính giữa là hình ngôi sao nổi 14 cánh, xen giữa các cánh sao là những hình lông công. Hoa văn gồm hai loại: Văn hình học, văn người và vật. Về hoa văn hình học có văn chấm dải, văn chữ S gãy khúc nối tiếp, vòng tròn chấm giữa có tiếp tuyến song song, vân răng cưa và một vành gồm hai đoạn hồi văn xen giữa với hai đoạn văn xoắn ốc hình quả trám kèm theo vòng tròn chấm giữa. Vành 8 có 18 con chim gồm 16 chim bay giống chim vành 9 của trống Hoàng Hạ và 2 con chim đứng, theo hướng ngược chiều kim đồng hồ.

Thân trống: Tang trống có 10 băng hoa văn. Băng 1 và 6 là những chấm dải. Băng 2 và 5 là văn răng cưa. Băng 3 và 4 là vòng tròn chấm giữa có tiếp tuyến. Băng 7 là băng trang trí chủ đạo có 6 hình thuyền. Xen giữa các thuyền có hình một chim đứng.

Lưng trống: Có 7 băng hoa văn hình học. Băng 1 là băng trang trí chủ đạo có những hình cột hoa văn hình học gồm 6 dải. Những cột hoa văn này bố trí theo chiều thẳng đứng, chia thành 8 ô không đều nhau, trong mỗi ô có một hình người đang bước. Tất cả 8 người này đều trang sức hình đầu chim trên đầu, tay phía trước giơ cầm một vật như hình chiếc mộc, trên đầu mộc có trang sức lông chim, tay phía sau cầm vật hình mũi giáo mà mũi chỉ xuống dưới, nhưng không có cán.

Năm 1958, Viện Bảo tàng Lịch sử   Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) sưu tầm được một chiếc trống đồng tại nhà Đinh Công Minh thuộc tỉnh Hòa Bình. Trống này có dáng tương đối thấp, tang lớn hơn mặt, lưng không còn giữ nguyên hình trụ thẳng đứng mà gần chân.

Qua mô tả trống cho thấy, các sinh hoạt hàng ngày của người Hòa Bình đã được khắc họa trên mặt trống đồng (như trống sông Đà...), từ nơi ở (nhà sàn), cuộc sống hàng ngày (giã gạo, muông thú), đến đời sống văn hóa (múa, đua thuyền), quan niệm về thế giới quan (đối xứng, hình học)... 

Trống loại II Heger được tìm thấy ở Hòa Bình có số lượng lớn (59 chiếc) và tìm thấy chủ yếu trên địa bàn cư trú của người Mường. Trống loại II Heger ở Hòa Bình có những nét đặc trưng mang tính thống nhất của trống loại này ở Việt Nam.

Trống đồng loại II Heger gắn bó lâu dài với người Mường. Những chức năng ban đầu là biểu tượng thần thoại của trống trong nghi thức cầu mưa, cầu mùa liên quan đến nghề nông đã phai nhòa. Đối với người Mường, chức năng rõ nét của trống là biểu tượng quyền uy của tầng lớp lang đạo và là một nhạc cụ trong tang lễ. Tài liệu khảo cổ học cho thấy, trống đồng loại II Heger phân bố tập trung trên địa bàn cư trú của người Mường. Khi vai trò của trống Đông Sơn kết thúc thì trống đồng loại II Heger vẫn được người Mường trân trọng bảo lưu. Trống đồng loại II Heger là biểu trưng về sức sống của truyền thống văn minh Đông Sơn, là biểu trưng xác nhận quyền lực của phong kiến Việt Nam đối với các thổ lang Mường, thể hiện tính thống nhất về mặt chính trị Việt - Mường. Trống đồng đã gắn bó với cuộc sống của người Mường. Vùng Mường chính là địa bàn kế thừa trực tiếp truyền thống trống Đông Sơn. Vì thế, trống loại II Heger là biểu tượng văn hóa của người Mường, tiêu biểu cho bản sắc Mường.

Sự hiện diện của trống đồng loại II Heger trên vùng cư trú của người Mường trong gần suốt hai thiên niên kỷ đã là một bằng chứng hùng hồn của truyền thống Đông Sơn, là sự tiếp nối và sáng tạo nền văn hóa văn minh Việt cổ. Với những ý nghĩa trên, trống đồng loại II Heger có thể gọi là trống Mường.                        
 V.T (TH)

Các tin khác


Thủy điện Hòa Bình - niềm tự hào công trình thế kỷ

(HBĐT) - Xuyên suốt quá trình 135 năm thành lập tỉnh và 30 năm tái lập tỉnh, công trình thủy điện Hòa Bình như một dấu ấn đáng tự hào, ghi dấu mốc son chói lọi trong bản trường ca chinh phục sông Đà, góp sức xây dựng, phát triển quê hương, đất nước.

Những nét khái quát về sự hình thành tỉnh Hòa Bình

(HBĐT) - Hòa Bình là tỉnh thuộc tiểu vùng Tây Bắc của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, có vị trí quan trọng, chiến lược về kinh tế, chính trị, AN-QP... Tỉnh là nơi có nền Văn hoá Hòa Bình nổi tiếng - cái nôi văn hoá của người Việt cổ.

Tự hào cuộc khởi nghĩa Tổng Kiêm - Đốc Bang (1909 - 1910)

(HBĐT) - Hòa Bình là một tỉnh miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, với truyền thống yêu nước, ngay từ khi thực dân Pháp đặt ách đô hộ tại đây, Nhân dân Hòa Bình đã tổ chức nhiều cuộc nổi dậy chống thực dân và chế độ lang đạo hà khắc. Trong dòng chảy lịch sử hào hùng 135 năm thành lập tỉnh, cuộc khởi nghĩa Tổng Kiêm - Đốc Bang (1909 - 1910) là một mốc son chói lọi về lòng yêu nước của Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình.

Đảng bộ tỉnh - những mốc son lịch sử

(HBĐT) - Với truyền thống vẻ vang trong quá trình xây dựng và phát triển, Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh bằng những hành động, việc làm cụ thể, nắm bắt các cơ hội phát triển, trách nhiệm, nỗ lực thi đua thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, xây dựng tỉnh phát triển nhanh, bền vững.

Hòa Bình giai đoạn từ năm 2015 đến nay - những dấu ấn tự hào

(HBĐT) - Từ năm 2015 đến nay, với sự đoàn kết thống nhất, cùng nỗ lực vượt bậc của toàn tỉnh, Hòa Bình tiếp tục thu được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực KT-XH, QP-AN, xây dựng hệ thống chính trị. Kinh tế tăng trưởng khá và bền vững, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; các ngành, lĩnh vực sản xuất đều phát triển. Hoạt động xúc tiến đầu tư trong giai đoạn này được đẩy mạnh, môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện; kết cấu hạ tầng kỹ thuật được đầu tư, quan tâm với nhiều công trình quan trọng. Hoạt động đối ngoại được mở rộng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục