Chỉ trong tháng 5/1951, toàn tỉnh đã huy động được 451.605 ngày công; đóng góp 3.000 m dây song, 150 m3 gỗ làm cầu phà, 9.500 cây bương, 7.012 cây gỗ làm nhà, 13,4 tấn gạo và 60 ngày công vận chuyển, 1.250 kg thịt lợn, 425 kg thịt gà, 311 con trâu, bò và 40.000 đồng cho chiến dịch.
Trong khi đó, tỉnh còn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ căn bản là phát triển chiến tranh nhân dân rộng khắp. Đến tháng 10/1951, toàn tỉnh đã có 45.767 dân quân, 1.499 du kích cùng với bộ đội địa phương, bộ đội chủ lực, đề phòng địch đánh ra vùng tự do của ta.
Ngày 9 - 10/11/1951, địch mở cuộc hành quân "Tuy Líp” đánh chiếm từ Xuân Mai đến Chợ Bến và từ Miếu Môn đến Ba Thá, địch đóng 20 cứ điểm. Tiếp đó, ngày 13 - 14/11/1951, địch mở cuộc hành quân "Lô Tuýt” đánh chiếm thị xã Hòa Bình. Địch thành lập 3 phân khu: Phân khu Chợ Bến, phân khu sông Đà và phân khu Hòa Bình (bao gồm cả đường 6A). Ở thị xã Hòa Bình, chúng xây dựng 1 cứ điểm lớn với binh lực 8 tiểu đoàn.
Với thế chiếm đóng và bố trí lực lượng như vậy, De Lattre de Tassigny hy vọng cắt đứt đường liên lạc, tiếp tế, phá sự chuẩn bị tiến công, thu hút chủ lực ta lên Hòa Bình để chúng tiêu diệt.
Ngày 24/11/1951, BCH T.Ư Đảng ra chỉ thị nhiệm vụ phá cuộc tấn công Hòa Bình của địch và Tổng Quân ủy quyết định mở chiến dịch Hòa Bình. Ngày 10/12/1951, chiến dịch Hòa Bình bắt đầu. Trên địa bàn Hòa Bình, trong trận phục kích ở đường 6 từ cầu Dụ đến hang Đá Thau ngày 2/12/1951, ta đã tiêu diệt đoàn xe chở quân tiếp viện gồm 34 xe. Trận phục kích tại Mông Hóa (trên đường 6) ngày 11/12/1951, ta tiêu diệt 2 trung đội địch, phá hủy 11 xe, giải thoát trên 100 đồng bào bị địch bắt đi làm đường. Đặc biệt là trận ngày 13/12/1951, tại Giang Mỗ, cách thị xã Hòa Bình khoảng 8 km, đánh địch trên đường hành quân từ Hòa Bình đi Mai Đà. Trong trận này, Tiểu đội trưởng Cù Chính Lan đã cắt rừng đuổi theo xe tăng và dũng cảm xông lên tiêu diệt xe tăng địch. Kết thúc trận đánh, Cù Chính Lan cùng đồng đội phá hủy 5 xe cơ giới, 1 xe tăng, lập chiến công oanh liệt. Trên phòng tuyến sông Đà, quân ta tiêu diệt cứ điểm Tu Vũ, Ba Vì, đánh tan đoàn tàu viện binh gồm 1 tàu chiến, 6 ca nô chở đầy giặc. Quân địch ở thị xã Hòa Bình bị bao vây và đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt.
Từ đầu năm 1952, ta tập trung hỏa lực bao vây, tiến công thị xã Hòa Bình. Ngày 7/1/1952, trận địa pháo 105 ly đã diệt 6 vị trí của địch ven thị xã. Ngày 8/1/1952, địch buộc phải rút toàn bộ lực lượng chốt trên sông Đà về tăng cường cho thị xã. Ngày 23/2/1952, địch mở đường máu rút chạy từ Hòa Bình về Xuân Mai (Hà Đông). Ngày 25/2/1952, chiến dịch Hòa Bình kết thúc. Tỉnh Hòa Bình cơ bản được giải phóng lần thứ hai. Tổng kết thắng lợi chiến dịch, ta tiêu diệt 21.250 tên địch, 197 vị trí, trên 1.000 đồn, phá hủy 293 xe các loại, 23 tàu chiến, ca nô, 13 máy bay, 9 đầu máy xe lửa và 29 toa xe, thu được 6.948 súng các loại, 116 tấn đạn, 129 máy vô tuyến điện, nhiều quân trang, quân dụng khác. Ta đánh tan phòng tuyến sông Đà, giải phóng thị xã Hòa Bình, giải phóng vùng tạm chiếm rộng 4.000 km2 với 2 triệu dân, khôi phục và xây dựng nhiều căn cứ du kích, làm lung lay ngụy quân, ngụy quyền. Riêng tại mặt trận Hòa Bình, ta tiêu diệt 6.012 tên địch, thu 24 pháo các cỡ, 788 súng các loại, 88 máy vô tuyến điện, 105 tấn đạn, 23.000 lít xăng dầu, phá hủy 12 đại bác, 9 máy bay, 17 tàu chiến, ca nô, 147 xe cơ giới, giải phóng 1.000 km2 với 2 vạn dân. Chiến lược của tướng De Lattre de Tassigny bị đánh bại. Chiến dịch Hòa Bình đã giải phóng hầu hết địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Trong chiến dịch Tây Bắc (từ ngày 14/10 - 10/12/1952), Hòa Bình đã hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm sự thông suốt của tuyến đường từ hậu phương ra tiền phương. Quân và dân Hòa Bình đã đóng góp cho chiến dịch Tây Bắc: Chuyển 5.000 tấn gạo ra mặt trận; huy động 230 xe đạp thồ và một số ngựa thồ; vận chuyển đường thủy 600 nghìn tấn hàng.
Toàn Đảng bộ, quân dân tỉnh Hòa Bình đã sẵn sàng ra quân trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Để phục vụ chiến dịch này, toàn tỉnh đã huy động 381.292 lượt dân công, 905 xe đạp thồ, vận chuyển 4.900 tấn hàng từ Hòa Bình lên Yên Mao; 170.000 người ở hậu phương đã xay giã 545 tấn thóc cho bộ đội. Cùng với sức người, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã cung cấp cho mặt trận 39.517 kg thịt trâu, bò, 1.840 m3 gỗ, hàng vạn cây tre, bương... góp phần cho chiến dịch giành thắng lợi. Ngày 7/5/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc. Thực dân Pháp đại bại. Hiệp định Giơnevơ được ký kết. Hòa Bình cùng cả nước giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, quân dân Hòa Bình đã đánh 1.831 trận lớn nhỏ, diệt 2.370 tên xâm lược, phá hủy 18 khẩu trọng pháo, trung đại liên, 56 xe vận tải, 3 kho quân trang, quân dụng; thu 529 khẩu súng các loại, 120.000 viên đạn...Tỉnh Hòa Bình có 955 thanh niên các dân tộc tham gia quân đội, chiến đấu trên khắp mọi miền của Tổ quốc; cử 1.169 lượt người đi dân công, thanh niên xung phong phục vụ chiến trường với tổng số 2.543.620 ngày công; ủng hộ 708 con trâu 13 bò, 4.720 kg thịt lợn, 39.517 tấn thực phẩm khác, 600 tấn thóc gạo, 905 xe đạp thồ, cung cấp hàng chục triệu cây gỗ, bương, tre, nứa; vận chuyển 4.900.000 tấn hàng.
Trong phong trào thi đua, Hòa Bình có 10 chiến sỹ thi đua (CSTĐ) trong công nghiệp, 17 CSTĐ trong nông nghiệp, 4 CSTĐ trong phục vụ dân công, 8 CSTĐ trong lực lượng vũ trang, dân quân, du kích.
V.T (TH)