Ngày 31-10, Kỳ họp thứ hai, Quốc hội (QH) khóa XIV sang ngày làm việc thứ chín. Các đại biểu làm việc tại hội trường, nghe các Tờ trình của Chính phủ về năm dự án luật, gồm: Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi); Luật Đường sắt (sửa đổi); Luật Cảnh vệ; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật Thủy lợi. Các đại biểu thảo luận tại tổ dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) và dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

 

Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Gia Lai và Kon Tum thảo luận tại tổ.

Quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm tài sản công

Tờ trình dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước cho biết việc sửa đổi, bổ sung luật là cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập sau hơn bảy năm triển khai thi hành luật. Hiện, cơ chế quản lý tài sản nhà nước còn phân tán, được điều chỉnh bởi nhiều luật khác nhau, chưa có luật chung để quy định những nguyên tắc thống nhất trong quản lý, sử dụng, khai thác tài sản nhà nước. Trong khi đó, Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước hiện hành mới chỉ điều chỉnh đối với một bộ phận tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; chưa điều chỉnh đối với các loại tài sản nhà nước khác, như: tài sản của các dự án sử dụng vốn nhà nước, tài sản được xác lập quyền sở hữu thuộc về Nhà nước, tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, đất đai, khoáng sản, rừng, nguồn lợi ở vùng trời, vùng biển, thềm lục địa, tần số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh, tên miền in-tơ-nét và các tài nguyên khác...

Thẩm tra dự án luật này, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH cho rằng, việc sửa đổi luật hiện hành phải phân biệt rõ tài sản công phục vụ công tác quản lý của Nhà nước, cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và tài sản công phục vụ mục đích thương mại để quy định phù hợp… Trường hợp sử dụng tài sản công nhằm mục đích thương mại phải tuân thủ các quy định tại Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và pháp luật có liên quan...

Quốc hội đã nghe Tờ trình dự án Luật Đường sắt (sửa đổi). Theo đó, Luật Đường sắt năm 2005 đã bộc lộ những bất cập và không còn phù hợp thực tiễn hoạt động đường sắt. Việc sửa đổi luật lần này góp phần phát triển giao thông vận tải đường sắt theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo bước đột phá phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt; tạo lập môi trường hoạt động kinh doanh thông thoáng, không phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế, đặc biệt là trong hoạt động vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải trên mạng lưới đường sắt quốc gia… Thẩm tra dự án luật, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát, chỉnh sửa, bổ sung bảo đảm bố cục thật lô-gích, cân đối hơn. Nghiên cứu tách quy định về đường sắt chuyên dùng thành mục riêng, bổ sung quy định về vận tải đường sắt công ích, vai trò của tổ chức xã hội nghề nghiệp, quy định rõ hơn về trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hoạt động đường sắt...

Trong buổi sáng hôm qua, QH đã nghe Tờ trình dự án Luật Cảnh vệ. Theo đó, hiện nay, các văn bản quy phạm pháp luật cao nhất trong lĩnh vực cảnh vệ mới chỉ là pháp lệnh cho nên hiệu lực thi hành thấp, chưa tương xứng với vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng cảnh vệ. Thẩm tra dự án luật, đa số ý kiến của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH đồng ý về sự cần thiết ban hành luật, nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cảnh vệ, đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ an toàn tuyệt đối các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước; mục tiêu trọng yếu của quốc gia; các sự kiện quan trọng trong và ngoài nước.

Ngay sau khi nghe các tờ trình nêu trên, các đại biểu QH thảo luận ở tổ về dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi). Nhiều đại biểu nhất trí về sự cần thiết sửa đổi luật này nhằm khắc phục những hạn chế trong quá trình thực hiện luật, bảo đảm quản lý chặt chẽ tài sản công, góp phần khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực từ tài sản công phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Đối với tên gọi của dự án luật, một số đại biểu đề nghị nên có tên gọi là Luật Quản lý, sử dụng tài sản công để bảo đảm phù hợp, thống nhất với quy định của Hiến pháp năm 2013 và Bộ luật Dân sự năm 2015. Gọi là “tài sản công” sẽ thể hiện được đó là tài sản của đất nước, của nhân dân, đồng thời thể hiện được trách nhiệm cũng như quyền lợi của người dân đối với tài sản chung của đất nước. Về nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản công, nhiều ý kiến nhấn mạnh: Việc khai thác các nguồn lực tài chính từ tài sản công phải bảo đảm tiết kiệm, hài hòa giữa lợi ích nhà nước và các tổ chức cá nhân, góp phần vào thu ngân sách nhà nước.

Tăng cường quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ

Buổi chiều, QH làm việc tại hội trường, nghe Tờ trình dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (VK,VLN,CCHT). Sau khi nghe Báo cáo thẩm tra, các đại biểu QH đã thảo luận ở tổ về dự thảo luật này. Theo đó, đa số ý kiến tán thành sự cần thiết ban hành luật nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT, đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng - an ninh trong tình hình hiện nay, nhất là trước tình trạng sản xuất vũ khí trái phép, vũ khí tự chế và tình hình tội phạm sử dụng VK, VLN, CCHT gây án. Hơn nữa, tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép từ bên ngoài vào Việt Nam các loại vũ khí, các loại pháo, công cụ hỗ trợ đang diễn biến phức tạp; hoạt động vận chuyển, tàng trữ, sử dụng VK, VLN trong khai thác khoáng sản, đánh bắt hải sản, mua bán phế liệu còn có nhiều vi phạm.

Nhiều đại biểu cho rằng, dự thảo luật mới chỉ quy định các lực lượng được trang bị VK, VLN, CCHT, mà chưa quy định đối tượng cụ thể được trang bị. Cần bổ sung quy định về nguyên tắc trang bị, tiêu chí đối tượng được trang bị, chủng loại được trang bị, tiêu chuẩn của người sử dụng, nhất là đối với việc trang bị vũ khí quân dụng. Nên nghiên cứu quy định đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng theo hướng chỉ trang bị cho cá nhân thuộc biên chế trong các đơn vị có lực lượng trực tiếp đấu tranh với tội phạm trong khi làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Một số ý kiến đề nghị rà soát, bổ sung chủ thể bị nghiêm cấm thực hiện các hành vi quy định tại Điều 5, dự thảo luật, bảo đảm tính chính xác, tính thống nhất với các văn bản pháp luật liên quan. Nhiều ý kiến tán thành quy định về nổ súng, tại Điều 21, dự thảo luật, nhưng đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định về nổ súng trong các luật chuyên ngành để bổ sung quy định ngay trong luật này, bảo đảm tính thống nhất, đầy đủ, cụ thể, khả thi mà không phải dẫn chiếu sang các luật khác. Tuy nhiên, có đại biểu đề nghị: chỉ quy định nguyên tắc nổ súng, còn các trường hợp nổ súng cụ thể cần được quy định trong các luật chuyên ngành để khắc phục sự thiếu định lượng trong các quy định về nổ súng.

Tại phiên làm việc chiều qua, QH đã nghe Tờ trình dự án Luật Thủy lợi và Báo cáo thẩm tra dự án luật này.

*Đề nghị Chính phủ rà soát, nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung ngay trong dự thảo luật quy định về đối tượng, tiêu chuẩn, định mức trang bị và thẩm quyền quyết định việc quản lý sử dụng tài sản công như: xe ô-tô, trụ sở làm việc, nhà ở công vụ trên cơ sở tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện các văn bản dưới luật trong thời gian vừa qua để bảo đảm tính cụ thể, minh bạch và thống nhất giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân sử dụng tài sản công trong hệ thống chính trị.

Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi)

Từ năm 2012 đến nay, các cơ quan chức năng đã phát hiện, điều tra, bắt giữ 7.650 vụ buôn lậu, sản xuất, tàng trữ, sử dụng trái phép VK, VLN, CCHT, với 6.116 đối tượng. Truy tố 2.964 vụ, xét xử 1.920 vụ; xử phạt vi phạm hành chính 2.603 trường hợp; thu giữ 1.897 khẩu súng các loại, 22.264 kg thuốc nổ, 100.969 kíp nổ.

(Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Quản lý, SỬ DỤNG VK, VLN, CCHT)

 

 

                                                               Theonhandan

Các tin khác


Nhịp sống mới ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng

Đà Bắc là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, với nhiều chiến công trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Nhiều năm qua, đất và người Đà Bắc luôn nỗ lực vượt lên khó khăn, xây dựng quê hương ngày càng no ấm, hạnh phúc.

Xã Đồng Tâm thiết thực học tập và làm theo Bác

Sau 3 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về "đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Đồng Tâm (Lạc Thủy) trong học tập và làm theo Bác.

Đồng chí Đoàn Tiến Lập được bầu giữ chức Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn

Chiều 26/4, HĐND huyện Lương Sơn khóa XX, nhiệm kỳ 2021-2026 đã tổ chức kỳ họp thứ 17 - kỳ họp chuyên đề về công tác cán bộ, bầu Chủ tịch UBND huyện khóa XX, nhiệm kỳ 2021-2026.

Xây dựng Đảng bộ Công an huyện Đà Bắc vững mạnh toàn diện

Nhờ chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, Đảng bộ Công an huyện Đà Bắc đã lãnh đạo đơn vị hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị đề ra. An ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, tội phạm được kiềm chế là nền tảng vững chắc để xây dựng thế trận an ninh, trật tự từ cơ sở, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Đảng bộ xã Tú Lý khẳng định vai trò lãnh đạo

Sau sáp nhập, xã Tú Lý có địa bàn rộng, dân số đông. Trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ 2020 - 2025, xã định hướng tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng; thực hiện các mô hình sản xuất hiệu quả để nâng cao thu nhập cho người dân và giảm nghèo bền vững. Để đạt được điều này, Đảng bộ xã xác định vai trò lãnh đạo của cấp ủy và sự tiên phong, gương mẫu của đảng viên là hết sức quan trọng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục