(HBĐT) - LTS: Là "Năm đoàn kết hữu nghị Việt - Lào 2017”, cùng với các sự kiện: 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (5/9/1962 - 5/9/2017), 40 năm ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào (18/7/1977 -18/7/2017), PV Báo Hòa Bình phỏng vấn đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Hòa Bình.


PV: Trong lịch sử mối quan hệ hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện của hai nước Việt - Lào, những năm qua, tỉnh Hòa Bình đã có những đóng góp đáng kể như thế nào vào mối quan hệ đó, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Văn Chương: Tỉnh Hòa Bình tuy không có biên giới với Lào nhưng rất gần Lào về khoảng cách địa lý, núi liền núi, sông liền sông, chung điểm đầu dãy Trường Sơn và dòng sông Mã; có đường bộ rất gần từ thị xã Sầm Nưa, tỉnh Hủa Phăn (Lào) đến phố Vãng, huyện Mai Châu. Suối Rút, Chợ Bờ… con đường bộ đội Tây Tiến năm xưa, con đường bí mật mà Chủ tịch Cay xỏn Phom vi hản đã đi để sang Việt Bắc gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh những năm kháng chiến chống Pháp.

Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hoà Bình đã góp phần vun đắp cho tình hữu nghị đặc biệt, thuỷ chung, trong sáng Việt - Lào. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân Hòa Bình đã ủng hộ, giúp đỡ lương thực, thực phẩm, nơi ăn ở, chăm sóc thương, bệnh binh và cử hàng trăm thanh niên ra nhập đoàn quân Tây Tiến trong nhiệm vụ sát cánh cùng quân dân Lào đánh bại thực dân Pháp với chiến thắng Mường Láp vang dội tháng 10/1946 góp phần giải phóng thị xã Sầm Nưa. Khi đoàn vũ trang công tác Miền Tây được thành lập, đã lấy Mai Châu là địa bàn đứng chân để sang giúp bạn làm công tác tiếp quản xây dựng chính quyền ở vùng mới giải phóng . Trong thời kỳ xây dựng CNXH và chống Mỹ cứu nước (1954-1975), Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hòa Bình luôn luôn khắc sâu lời dạy của Bác Hồ: "Phải coi sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân các bộ tộc Lào như sự nghiệp cách mạng của chính mình”.


Đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh tặng bức ảnh Tượng đài Bác Hồ trên công trình thủy điện Hòa Bình cho đại diện lãnh đạo tỉnh Xiêng Khoảng (Lào).

Trên lĩnh vực kinh tế - chính trị- xã hội, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Bí thư Trung ương Đảng, từ năm 1965 – 1975, Tỉnh uỷ và ủy ban Hành chính tỉnh Hoà Bình đã cử hàng chục đoàn cán bộ gồm cán bộ Đảng, chính quyền, cán bộ quản lý kinh tế trực tiếp sang các tỉnh Uđôm Xay, Luông Prabăng giúp bạn tiếp quản vùng mới giải phóng, xây dựng chính quyền và phát triển kinh tế - văn hoá; kết nghĩa với tỉnh Luông Pra băng và có nhiều hoạt động phối hợp hiệu quả. Từ năm 1980 - 1989, hàng chục đoàn cán bộ kỹ thuật và cán bộ quản lý trên nhiều lĩnh vực được cử sang Luông Pra băng làm nhiệm vụ hướng dẫn, giúp đỡ các địa phương của nước bạn Lào xây dựng và phát triển KT-XH. Hội CCB tỉnh chung tay, ủng hộ CCB Lào hàng chục triệu đồng. Hiện nay, giữa tỉnh Hòa Bình và tỉnh Hủa Phăn kết nghĩa đã có nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa…Những quan hệ hợp tác về kinh tế, văn hóa – xã hội giữa hai tỉnh ngày càng được nhân rộng và phát triển mạnh mẽ hơn.

PV: Thưa đồng chí, trên địa bàn tỉnh ta hiện có một di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia gắn bó với lịch sử cách mạng Lào anh em. Đồng chí có thể chia sẻ thêm về điều này.

Đồng chí Nguyễn Văn Chương: Tại Hội trường của tỉnh ở khu vực Chăm Mát (nay là Bộ CHQS tỉnh Hòa Bình) vào cuối tháng 12/1971 đã diễn ra Đại hội trù bị Đại hội II, Đảng Nhân dân Lào (nay là Đảng nhân dân cách mạng Lào). Dưới sự chỉ đạo của Ban Bí thư T.ư Đảng, Tỉnh uỷ Hoà Bình, tỉnh ta đã gìn giữ bí mật, chuẩn bị đầy đủ, toàn diện cơ sở vật chất phục vụ Đại hội trù bị Đảng Nhân dân Lào và huấn luyện quân sự trên ba tháng. Đây là sự kiện lịch sử đặc biệt của Đảng nhân dân cách mạng Lào anh em diễn ra ở Hoà Bình và cũng được bổ sung trong lịch sử của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hoà Bình trong hơn nửa thế kỷ qua. Địa điểm này đã được công nhận là di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia. Nhiều đoàn công tác của Lào nói chung và hai tỉnh Luông Pha băng, Hủa Phăn nói riêng từng đến thăm quan và có các hoạt động ý nghĩa nhằm lan tỏa rộng hơn với nhân dân hai nước về ý nghĩa lịch sử của di tích quan trọng này.

PV: Những năm qua, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị và các hội hữu nghị tỉnh ta đã có những hoạt động gì, hiệu quả ra sao để củng cố thêm vào tỉnh cảm đặc biệt của hai nước. Năm 2017, tỉnh ta và Hội hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh có những hoạt động nào để hưởng ứng "năm đoàn kết hữu nghị Việt-Lào”, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Văn Chương: Trong tình cảm, trách nhiệm chung của tỉnh đối với nước bạn Lào nói chung và các tỉnh kết nghĩa nói riêng, nhiều năm qua, các hội hữu nghị đã có nhiều hoạt động hiệu quả. Hội thân nhân Việt kiều Lào - Thái, Ban Liên lạc quân tình nguyện Việt Nam làm nghĩa vụ quốc tế tại Lào…đã duy trì các hoạt động mít tinh, gặp mặt nhằm ôn lại truyền thống, tăng cường, thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết giữa hai dân tộc, tiếp tục có các hoạt động quảng bá cho hình ảnh đoàn kết, hữu nghị giữa hai dân tộc. Với những đóng góp cụ thể, năm 2014, Hội Việt kiều Lào - Thái đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì đã có nhiều đóng góp vào thành công của Năm đoàn kết hữu nghị Việt - Lào. Năm 2015, từ tiền thân là Ban Liên lạc bộ đội tình nguyện chiến đấu tại Lào, UBND tỉnh đã có Quyết định số 15/QĐ-UBND, ngày 7/1/2015 về việc cho phép thành lập Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Hòa Bình.

Trong những năm qua, các tổ chức hội đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đến các hội viên; tiếp tục làm tốt công tác quảng bá, nhân lên tình cảm tốt đẹp giữa hai dân tộc. Các tổ chức, hội viên đã có nhiều đóng góp để làm nên thành công các cuộc thi viết về kỷ niệm do tỉnh ta tổ chức "Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam” (năm 2012). Hiện nay, Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào có 100 hội viên (8 chi hội) thuộc địa bàn thành phố Hòa Bình, huyện Kỳ Sơn…Trong hướng phát triển mới của Hội, nhất là sau Đại hội đại biểu liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh lần I, nhiệm kỳ 2017 - 2022, Hội hữu nghị Việt Nam - Lào càng có thêm cơ hội để phát triển mạnh mẽ hơn (củng cố tổ chức hội, tăng số hội viên, phát triển các chi hội tới các huyện trong tỉnh, đẩy mạnh hơn các hoạt động…).

Hưởng ứng "Năm đoàn kết hữu nghị Việt - Lào”, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có những chỉ đạo, định hướng sát thực, cụ thể: Tỉnh ta từng bước làm tốt công tác tuyên truyền, cổ động trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thành lập Ban Tổ chức cuộc thi "Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào năm 2017” cấp tỉnh. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và các ngành thành viên tiếp tục triển khai tới các tầng lớp nhân dân nhằm thu hút số lượng người tham gia đông đảo nhất. Các cơ quan báo chí địa phương, trang thông tin điện tử của các ngành, UBND các huyện, thành phố đều đưa tin, nội dung, đề cương tới các tầng lớp nhân dân. Bên cạnh đó, các hoạt động tuyên truyền khác sẽ được triển khai như tọa đàm trao đổi, gặp mặt ôn lại truyền thống, liên hoan văn nghệ… giữa tỉnh Hòa Bình và một số tỉnh bạn của Lào cũng được triển khai tại một số địa điểm của tỉnh và nước bạn. Tỉnh ta với những cố gắng ở mức cao nhất để góp phần vào thành công của "Năm đoàn kết hữu nghị Việt - Lào 2017”.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!


                                                                                                     Bùi Huy(thực hiện)

Các tin khác


Trung ương Đoàn triển khai quyết định về công tác cán bộ tại Tỉnh Đoàn Hòa Bình

Sáng 26/4, tại Tỉnh Đoàn Hòa Bình, T.Ư Đoàn tổ chức hội nghị triển khai công tác cán bộ. Tới dự có các đồng chí: Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Thường trực BCH T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam; Bùi Thị Minh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy…

Huyện Kim Bôi gặp mặt chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, sáng 25/4, huyện Kim Bôi tổ chức gặp mặt, tri ân chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Thành ủy Hòa Bình tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết xây dựng văn hóa con người Việt Nam

Sáng 25/4, Thành ủy Hòa Bình tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; 15 năm thực hiện Chương trình hành động số 18-CTr/TU, ngày 13/4/2009 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình về thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị khoá X về "Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Đức Hinh thăm, tặng quà chiến sỹ Điện Biên tại huyện Kim Bôi

Sáng 25/4, đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và đoàn công tác đã thăm, tặng quà chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trên địa bàn xã Kim Bôi, huyện Kim Bôi.

Huyện Lạc Thủy: Gắn lý luận với thực tiễn trong phát triển kinh tế - xã hội

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 9/10/2014 của Bộ Chính trị khóa XI về "Công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030” trên địa bàn huyện Lạc Thủy, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã vận dụng có hiệu quả lý luận vào thực tiễn trên tất cả các lĩnh vực: xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, giữ vững quốc phòng - an ninh.

Hành trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi” tại Hòa Bình

Sáng 24/4, tại Tượng đài Bác Hồ trên công trình Thủy điện Hòa Bình, Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp cùng Hội LHTN tỉnh Hòa Bình tổ chức Hành trình "Tôi yêu Tổ quốc tôi” nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Dự chương trình có các đồng chí: Nguyễn Tường Lâm, Bí thư Ban chấp hành T.Ư Đoàn, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam; Nguyễn Kim Quy, Ủy viên Ban Thường vụ T.Ư Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHTN Việt Nam; lãnh đạo các ban, văn phòng, đơn vị trực thuộc T.Ư Đoàn, T.Ư Hội LHTN Việt Nam và lãnh đạo Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các tỉnh: Hòa Bình, Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nam...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục