* Tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương giải quyết dứt điểm việc tranh chấp 980 ha đất rừng tại Đà Bắc

Đại biểu hỏi: Sau Kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa XVI ngày 19/12/2016, Thường trực HĐND tỉnh đã ban hành Thông báo số 286 về kết quả chất vấn Kỳ họp thứ 3. Trong đó có nội dung đề nghị "UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Đà Bắc và các sở, ngành có liên quan rà soát, kiểm tra trình tự, thủ tục lập dự án, quy trình thu hồi đất và bàn giao đất để thực hiện dự án đầu tư trồng rừng nguyên liệu của Công ty CP Phú Thịnh”. Đề nghị UBND tỉnh cho biết kết quả tổ chức thực hiện và phương án trong thời gian tới để giải quyết dứt điểm việc tranh chấp trên 980 ha đất rừng giữa Công ty CP Phú Thịnh và các hộ dân ở xã Tân Minh (Đà Bắc).


Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trả lời: Công ty CP Phú Thịnh được UBND tỉnh cho thuê đất để thực hiện Dự án đầu tư tại xã Tân Minh (Đà Bắc) trong thời hạn 50 năm. Tuy nhiên, còn một số tồn tại, vướng mắc nên việc giao rừng ngoài thực địa cho công ty đến nay vẫn chưa hoàn thành do có một số diện tích đất rừng UBND huyện Đà Bắc đã cấp GCNQSDĐ không đúng quy định từ năm 2003 cho 9 hộ gia đình, cá nhân với tổng diện tích 65,27 ha. Diện tích này UBND tỉnh đã giao cho UBND huyện Đà Bắc thu hồi GCNQSDĐ, chuyển giao lại cho Công ty CP Phú Thịnh thực hiện dự án đầu tư, tuy nhiên đến nay chưa hoàn thành.

Ngày 24/3/2017, UBND tỉnh đã triệu tập cuộc họp xem xét, giải quyết đơn đề nghị của Công ty CP Phú Thịnh về thực hiện Dự án trồng rừng nguyên liệu, khoanh nuôi tái sinh, bảo vệ rừng tại xã Tân Minh. Hội nghị thống nhất một số nội dung: Đề nghị Công ty CP Phú Thịnh chấp thuận nhường lại phần diện tích 65,27 ha cho 9 hộ dân đã và đang sử dụng theo GCNQSDĐ do UBND huyện Đà Bắc cấp năm 2003 (cấp sai). Đối với diện tích 89,23 ha hiện do 21 hộ gia đình, cá nhân đang quản lý, sử dụng được UBND huyện Đà Bắc cấp đổi GCNQSDĐ, đề nghị Công ty CP Phú Thịnh thực hiện thoả thuận việc sử dụng đất và tài sản trên đất với các hộ dân để triển khai đầu tư dự án. Về phía Công ty đã có ý kiến chấp thuận và ký biên bản cuộc họp để làm căn cứ thực hiện.

UBND tỉnh cũng giao Sở TN&MT phối hợp với UBND huyện Đà Bắc tiến hành trình tự các bước thu hồi toàn bộ diện tích 65,27 ha của 9 hộ gia đình và 89,23 ha của 21 hộ gia đình đang quản lý, sử dụng và cấp đổi GCNQSDĐ để Công ty Phú Thịnh có căn cứ lập, trình thẩm định phê duyệt, điều chỉnh dự án đầu tư. Đến nay, việc thu hồi đất chưa thực hiện được nên Công ty chưa có căn cứ lập, điều chỉnh dự án đầu tư.

Về phương án giải quyết trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo Sở TN&MT, UBND huyện Đà Bắc khẩn trương hoàn thành việc thu hồi diện tích đất Công ty Phú Thịnh chấp thuận trả lại; cấp đổi GCNQSDĐ để công ty thực hiện dự án đúng quy định. 

* Đề nghị UBND huyện Lạc Sơn bố trí kinh phí lập hồ sơ cấp GCNQSD đất cho các hộ dân

Đại biểu hỏi: Việc cấp GCNQSD đất cho 86 hộ thuộc dự án xây dựng khu tái định cư để di dân vùng sạt lở 2 xã Tân Mai và Phúc Sạn (Mai Châu) theo Quyết định số 1978/QĐ-UBND ngày 16/9/2008 của UBND tỉnh: Đề nghị Giám đốc Sở NN&PTNT, Giám đốc Sở TN&MT làm rõ kinh phí lập hồ sơ cấp GCNQSD đất do các hộ được giao đất nộp hay dự án bố trí kinh phí thực hiện cấp GCNQSD đất? Đơn vị nào chịu trách nhiệm? Thời gian bố trí kinh phí?


Đồng chí Trần Văn Tiệp, Giám đốc Sở NN&PTNT trả lời: Tiểu Dự án số 3, xã Yên Nghiệp thuộc dự án di dân vùng sạt lở 2 xã Tân Mai và Phúc Sạn (Mai Châu) về huyện Lạc Sơn. Dự án được khởi động vào tháng 6/2009, đến tháng 4/2010 hoàn thành hạ tầng và bàn giao về huyện quản lý vào năm 2013. Theo Quyết định số 2095, ngày 11/9/2013 của UBND tỉnh thì UBND huyện Lạc Sơn là đơn vị thực hiện thủ tục cấp GCNQSD đất cùng quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất cho các hộ dân và phải quản lý đúng quy hoạch. Vì vậy, đề nghị UBND huyện Lạc Sơn bố trí kinh phí cấp GCNQSD đất cho các hộ dân theo quy định trong dự án. Trong quá trình cấp GCNQSD đất, nếu có vấn đề gì vướng mắc cần liên hệ với Sở TN&MT, Sở NN&PTNT và Ban Quản lý dự án về nông nghiệp.

Chậm hỗ trợ vì Trung ương chưa bố trí nguồn vốn

Cử tri hỏi: Thực hiện Quyết định số 10/2015/QĐ-UBND ngày 27/4/2015 (sau đây viết tắt là Quyết định số 10) của UBND tỉnh về việc khuyến khích, hỗ trợ nuôi cá lồng vùng lòng hồ, giai đoạn 2015 - 2020, tuy nhiên, đến nay, nhiều hộ dân trên địa bàn các huyện Đà Bắc, Mai Châu, Tân Lạc, Cao Phong đã làm lồng nuôi cá nhưng vẫn chưa được hỗ trợ. Đề nghị Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết phương pháp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để người dân sớm được hỗ trợ theo Quyết định?

Đồng chí Trần Văn Tiệp, Giám đốc Sở NN&PTNT trả lời: Từ năm 2015 đến nay, UBND tỉnh đã hỗ trợ 558 lồng nuôi cá (hơn 10 tỷ đồng) cho người dân nuôi cá lồng, bè ở một số xã vùng lòng hồ sông Đà thuộc các huyện: Tân Lạc, Mai Châu và TP Hòa Bình. Tuy nhiên, vẫn còn hơn 1.000 lồng cá của các hộ dân thuộc các huyện Đà Bắc, Cao Phong và TP Hòa Bình dù đã làm lồng cá nhưng chưa có kinh phí để hỗ trợ. Nguyên nhân là vốn thực hiện chính sách có sử dụng nguồn vốn sự nghiệp chương trình ổn định dân cư phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà, theo Đề án 84 của Chính phủ. Song, đến nay nguồn vốn trên chưa được Trung ương bố trí, do vậy, tỉnh chưa có kinh phí để thực hiện.

Để tháo gỡ khó khăn, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh một số nội dung theo Quyết định số 10 của UBND tỉnh, giai đoạn 2015 - 2020 theo hướng mở rộng phạm vi, đối tượng thụ hưởng và bổ sung các nguồn vốn khác để thực hiện. UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các xã hướng dẫn người nuôi cá lồng tùy vào điều kiện nguồn lực để tổ chức quy mô số lồng nuôi hợp lý và triển khai khi có dự toán ngân sách cho địa phương, tránh nuôi tràn lan, khó kiềm soát. Việc nuôi cá lồng phải theo đúng quy trình, đảm bảo chất lượng đầu vào, con giống, thức ăn, nuôi đúng quy trình đảm bảo ATVSTP, có hợp đồng cam kết tiêu thụ sản phẩm.

* Giải pháp giải quyết thực trạng xe quá khổ, quá tải và việc bố trí kinh phí dự án đường 12B

Cử tri hỏi: Đề nghị đại biểu cho biết giải pháp để giải quyết thực trạng xe quá khổ, quá tải làm hỏng các tuyến đường giao thông trong tỉnh. Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường 12B chưa chi trả tiền bồi thường GPMB do công trình vượt tổng mức đầu tư. Dự án đã được Bộ GTVT cho phép điều chỉnh tổng mức đầu tư. Bộ GTVT đã trình đề nghị Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính bổ sung vốn. Bộ KH&ĐT đã trình Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 5589, ngày 15/7/2016. Xin hỏi đến thời điểm nào Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nguồn vốn?


Đồng chí Bùi Văn Thắng, Giám đốc Sở GTVT trả lời: Để khắc phục tình trạng xe quá tải hoạt động gây phá hoại kết cấu hạ tầng giao thông, Sở GTVT đề xuất một số giải pháp cụ thể như: Tiếp tục tham mưu, đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương các cấp triển khai các văn bản của T.ư, của tỉnh về công tác bảo đảm TTATGT; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; chỉ đạo Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới tiếp tục siết chặt hoạt động kiểm định phương tiện, kịp thời phát hiện, đình chỉ, công bố công khai các phương tiện quá niên hạn sử dụng theo quy định; tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa qua công tác cấp giấy phép hoạt động kinh doanh vận tải, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh vận tải; duy trì công tác kiểm soát tải trọng 24/24 giờ vào tất cả các ngày, kể cả ngày nghỉ và ngày lễ, huy động lực lượng tổ chức hoạt động kiểm soát tải trọng tại các điểm xuất phát hoặc gần các khu cảng, bến bãi, mỏ vật liệu, nơi tập kết hàng hóa lên xe ô tô… trên địa bàn tỉnh; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm; tổ chức phân cấp lực lượng chức năng xử lý đối với các tuyến đường, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, kiên quyết ngăn chặn, xử lý các phương tiện chở quá tải, phương tiện lựa chọn các tuyến đường nhánh để né tránh trạm kiểm tra tải trọng phương tiện…

Đối với dự án đầu tư xây dựng công trình đường 12B đã được Bộ GTVT phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án. Sau khi điều chỉnh, tổng mức đầu tư của dự án là 229,79 tỉ đồng, tăng thêm so với tổng mức đầu tư cũ 26,97 tỉ đồng, trong đó chủ yếu tăng do đền bù GPMB. So với tổng mức điều chỉnh số vốn cấp cho dự án còn thiếu 82,898 tỉ đồng. Do đó, chủ đầu tư không có kinh phí để thanh toán nốt phần khối lượng xây lắp hoàn thành và chi trả đủ tiền đền bù GPMB cho nhân dân.

Sau khi Bộ KH&ĐT có Văn bản số 5589, ngày 15/7/2016 trình Thủ tướng Chính phủ phương án điều hòa, điều chỉnh kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015, các cơ quan hữu quan T.ư, tỉnh đã có nhiều văn bản đề nghị. Đến thời điểm này Bộ KH&ĐT đang xem xét, chưa tổng hợp và trình Thủ tướng Chính phủ được phương án điều hòa, điều chỉnh. Gần đây nhất, ngày 30/6/2017, Sở GTVT đã có Văn bản số 202 báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND và Đoàn ĐBQH tỉnh về tình hình thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình đường 12B và những vướng mắc, tồn tại của dự án đến nay chưa giải quyết xong. Đồng thời, Sở cũng tham mưu để UBND tỉnh có Văn bản số 895, ngày 6/7/2017 gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị bố trí kinh phí còn thiếu cho dự án đầu tư xây dựng được 12B, tỉnh Hòa Bình.

* Kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm về khai thác cát, sỏi thuộc vùng hạ lưu sông Đà

Cử tri hỏi: Hiện nay, UBND tỉnh đã có ý kiến chỉ đạo về công tác quản lý hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát, sỏi lòng sông Đà thuộc 2 xã Hợp Thành và Hợp Thịnh (Kỳ Sơn) đối với Công ty THNH Hùng Yến và Công ty CP khai khoáng Shara. Với trách nhiệm là cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực này, đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết Sở đã thực hiện công tác quản lý việc khai thác đối với 2 Công ty này như thế nào? Quan điểm của Sở về việc giải quyết hậu quả của việc khai thác cát sau quy định, gây ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân? Biện pháp quản lý của Sở trong thời gian tới như thế nào khi 2 Công ty tiếp tục hoạt động khai thác cát trở lại?


Đồng chí Đinh Văn Hoà, Giám đốc Sở TN&MT trả lời: Trước tình hình khai thác cát, sỏi trên sông Đà thuộc địa phận 2 xã Hợp Thành, Hợp Thịnh (Kỳ Sơn) có diễn biến phức tạp, Sở TN&MT với vai trò là cơ quan thường trực của tổ công tác liên ngành đã ban hành kế hoạch, chủ trì kiểm tra hoạt động khai thác cát, sỏi. Qua kiểm tra đã phát hiện một số sai phạm của 2 Công ty. Sở TN&MT đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính mỗi công ty 50 triệu đồng. Ngoài ra, yêu cầu 2 Công ty di chuyển mốc giới về đúng vị trí được cấp phép khai thác. Tổ chức khai thác đúng phạm vi, ranh giới, công suất đã được cấp phép. Hoạt động khai thác phải đảm bảo ANTT tại địa phương, không gây ảnh hưởng đến môi trường, đê điều và ATGT đường thuỷ; nghiêm cấm việc hoạt động khai thác vào ban đêm. Đồng thời, có tờ trình đề nghị UBND tỉnh ra quyết định sửa đổi giấy phép khai thác khoáng sản đối với Công ty CP khai khoáng Shara. Theo đó, giảm công suất từ 230.000m3/năm xuống còn 180.000m3/năm.

Về giải quyết hậu quả của việc khai thác cát sai quy định, ngày 7/7/2017, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cùng với lãnh đạo Sở TN&MT và các ngành chức năng kiểm tra thực tế hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông Đà, đoạn từ hạ lưu thuỷ điện đến xã Hợp Thịnh. Tại thời điểm kiểm tra không có hiện tượng sạt lở bờ sông tại các vị trí mỏ đã được cấp phép khai thác. Để công tác quản lý được thường xuyên, kịp thời, Sở TN&MT đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng quy chế phối hợp giữa tổ công tác liên ngành với các cơ quan chức năng, cấp uỷ, chính quyền địa phương tập trung làm tốt công tác kiểm tra, giám sát. Trường hợp phát hiện hoạt động khai thác cát, sỏi ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, gây sạt lở bờ sông, Sở TN&MT sẽ tham mưu UBND tỉnh tập trung làm rõ, quy trách nhiệm cụ thể đối với từng cá nhân, tổ chức và bồi thường thiệt hại nếu có. Trong thời gian tới, khi 2 công ty tiếp tục hoạt động khai thác cát trở lại, Sở TN&MT yêu cầu 2 công ty thực hiện việc khai thác tại khu vực đã khoanh định, không để xảy ra tình trạng sạt lở bờ sông. Điều chỉnh thời gian, quy mô, công suất khai thác phù hợp với hiện trạng, trữ lượng; thực hiện việc quản lý, theo dõi, giám sát, kiểm tra, xử lý đối với các vi phạm trong hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép thuộc vùng hạ lưu sông Đà; kiên quyết giải toả và xử lý nghiêm những phương tiện dừng đỗ trái phép, không có đủ đăng ký, đăng kiểm và giấy phép điều khiển...

* Việc quản lý giá thuốc theo cơ chế thị trường; bảo đảm công khai minh bạch khi lưu hành

Cử tri hỏi: Hiện nay, trên địa bàn huyện Yên Thuỷ giá của nhiều loại dược phẩm bán lẻ cao hơn gần 20% so với TP Hoà Bình khiến nhân dân lo lắng. Để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, xin hỏi Giảm đốc Sở Y tế, công tác QLNN về giá dược phẩm trong thời gian qua như thế nào? Giải pháp quản lý giá dược phẩm trong thời gian tới?


Đồng chí Trần Quang Khánh, Giám đốc Sở Y tế trả lời: Hiện nay, việc quản lý giá thuốc thực hiện theo Luật Dược được Quốc hội khoá XIII ban hành. Trong đó nêu rõ, nguyên tắc quản lý Nhà nước về giá thuốc được thực hiện tại Điều 106, Chương 8, Luật Dược quy định việc quản lý giá thuốc theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc theo quy định của pháp luật. Bảo đảm công khai, minh bạch giá thuốc khi lưu hành trên thị trường. Các biện pháp quản lý giá thuốc được thực hiện theo Điều 107, Chương 8, Luật Dược số 105/ 2016/QH13 ngày 6/4/2016 được niêm yết giá bán lẻ thuốc bằng đồng Việt Nam tại nơi bán thuốc của cơ sở kinh doanh dược bằng cách in, ghi hoặc dán giá bán lẻ trên bao bì chứa đựng thuốc hoặc bao bì ngoài của thuốc.

Về giải pháp quản lý giá dược phẩm trong thời gian tới, ngành Y tế sẽ tăng cường kiểm tra việc thực hiện niêm yết giá bán lẻ thuốc trên bao bì chứa đựng thuốc hoặc bao bì ngoài của thuốc tại các cơ sở kinh doanh thuốc. Hiện nay, các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn tỉnh đều thực hiện việc niêm yết giá. Ngoài ra, để tránh sự chênh lệch về giá thuốc giữa các vùng, miền, Bộ Y tế đã ban hành giá thuốc thống nhất chung trong cả nước. Tại Nghị định số 54/2017/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1/7/2017 tại Chương VIII của Nghị định này cũng đã quy định cụ thể các biện pháp quản lý giá thuốc gồm kê khai, kê khai lại giá thuốc, niêm yết giá thuốc, quy định về thặng số bán lẻ của các cơ sở bán lẻ trong khuôn viên cơ sở khám, chữa bệnh, đấu thầu mua thuốc, đấu giá thuốc và các biện pháp bình ổn giá thuốc (trong đó, thặng số bán lẻ từ 2 - 15% được tính theo công thức: giá bán lẻ = giá mua vào + mức thặng số bán lẻ (%) x giá mua vào).

*Triển khai dự án Khu liên hợp thể thao Tây Bắc

Cử tri hỏi: Dự án khu liên hợp thể thao Tây Bắc tại phường Thịnh Lang (TP Hòa Bình) được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng năm 2009 với diện tích 19,2 ha. Đề nghị đại biểu cho biết Dự án có tiếp tục triển khai thực hiện không? Lộ trình và cách thức thực hiện như thế nào, có phải điều chỉnh quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất của thành phố không?


Đồng chí Bùi Ngọc Lâm, Giám đốc Sở VH-TT&DL trả lời: Ngày 28/ 10/2000, tại Công văn số 1644/UBND-XDCB, UBND tỉnh duyệt chủ trương đầu tư xây dựng công trình Khu liên hợp thể thao Tây Bắc với diện tích 19,2 ha, tổng mức đầu tư dự kiến 1.152 tỉ đồng. Thực hiện Nghị định số 69, ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường, UBND tỉnh đã có chủ trương cho phép Công ty CP đầu tư năng lượng xây dựng thương mại Hoàng Sơn đầu tư một số hạng mục thuộc lĩnh vực thể thao (với diện tích 3,15 ha) trong Dự án Khu liên hợp thể thao Tây Bắc. Đến nay, dự án xã hội hóa mới san lấp mặt bằng được một phần để xây dựng được 2 sân bóng đá mini. Diện tích đất còn lại chưa thực hiện được do còn khó khăn về kinh phí trong công tác giải phóng mặt bằng (dự kiến kinh phí GPMB khoảng 80 tỉ đồng).

Từ 2009 đến nay, do chưa bố trí được nguồn vốn nên dự án chưa được triển khai tiếp. Hiện một số hạng mục của dự án đã được ghi vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của tỉnh. Đây là công trình có quy mô lớn, số vốn đầu tư nhiều. Căn cứ vào khả năng ngân sách hàng năm của tỉnh, Sở VH-TT&DL sẽ có trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh từng bước triển khai các hạng mục của dự án.

* Chính sách hỗ trợ học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng đặc biệt khó khăn

Đại biểu hỏi: Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2014 - 2015 nhằm tạo điều kiện nâng cao nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS đã hết hiệu lực, trong thời gian tới tỉnh có chính sách hỗ trợ cho con em vùng đồng bào DTTS và vùng có điều kiện KT-XH khó khăn trong khi chờ Chính phủ ban hành chính sách mới không? Chính sách hỗ trợ học sinh bán trú ở xã, thôn ĐBKK theo Nghị định số 11/2016NĐ-CP quy định số km từ nhà đến trường đối với học sinh tiểu học là 4 km trở lên, học sinh THCS là 7 km, học sinh THPT là 10 km. Vậy có cần chính sách riêng đối với khu vực ĐBKK của tỉnh hay không?


Đồng chí Bùi Trọng Đắc, Giám đốc Sở GD&ĐT trả lời: Trong giai đoạn 2010 - 2011 đến 2014 - 2015, với chính sách miễn giảm học phí, đối với học sinh trong tỉnh đã được hưởng chính sách này, tạo điều kiện cho các em có hoàn cảnh khó khăn được đến trường, nhờ vậy duy trì được kết quả học tập, đặc biệt năm 2012 tỉnh đã hoàn thành phổ cập giáo dục cho trẻ mầm non 5 tuổi. Nghị định số 49 hết hiệu lực năm 2015, từ tháng 10/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 86 tiếp tục có cơ chế hỗ trợ cho học sinh ở khu vực khó khăn. Thực hiện Nghị định 86, tỉnh tiếp tục triển khai, do đó học sinh vẫn được hưởng chế độ chính sách. Theo Quyết định số 239 và Quyết định số 60 của Chính phủ tiếp tục cho kéo dài thực hiện các chế độ, chính sách này. Vì vậy học sinh ở các vùng khó khăn vẫn được hưởng chế độ chính sách.

Về thực hiện chính sách hỗ trợ cho học sinh bán trú theo Nghị định số 116. Nghị định số 116 quy định chính sách hỗ trợ cho học sinh và các trường phổ thông ở các xã, thôn ĐBKK. Đối tượng được hưởng là các em học sinh tiểu học, THCS, THPT ở các thôn, bản ĐBKK, đối với học sinh tiểu học khoảng cách từ nhà đến trường từ 4 km trở lên, học sinh THCS là 7 km, học THPT là 10 km. Nghị định cũng quy định đối với vùng miền núi việc đi lại có thể không phải tính đến 4 km, 7 km hay 10 km mà có thể xem xét những vùng đi lại khó khăn không thể đi lại trong ngày, nhưng cần phải xác định rõ những khu vực nào không đi về trong ngày được để xây dựng kế hoạch trình HĐND tỉnh quyết ở mức độ tính như thế nào cho phù hợp. Trên cơ sở đó, ngành GD&ĐT đã tham mưu cho UBND tỉnh trước tiên được tiếp tục thực hiện theo Quyết định số 1030 của Chủ tịch UBND tỉnh cho phép kéo dài thực hiện một số chế độ chính sách trong khi chưa ban hành Nghị quyết mới. Ngành cũng đã tham mưu và được phép của UBND tỉnh xây dựng nội dung trình HĐND tỉnh. Hiện nay, UBND tỉnh đang giao Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Tư pháp, Ban Dân tộc xác định rõ nhiệm vụ này tránh tình trạng lập nên trình không phù hợp. Tháng 4/2017, Chính phủ có Quyết định số 582 tiếp tục quy định các xã ĐBKK, theo đó, ở tỉnh ta các xã, thôn, bản ĐBKK tăng lên nhiều, thời gian tới ngành GD&ĐT tiếp tục phối hợp với các huyện rà soát lại đối tượng để các em đủ điều kiện được hưởng đầy đủ chính sách này.

* Thực hiện Quy hoạch KCN Nhuận Trạch và hoạt động dự án BTG tại KCN Lạc Thịnh

Đại biểu hỏi: Quy hoạch khu công nghiệp (KCN) Nhuận Trạch (Lương Sơn) được công bố từ năm 2007 với diện tích 200 ha, đến nay đã 10 năm còn thực hiện không? Nhân dân đã bàn giao mặt bằng cho Dự án BTG tại KCN Lạc Thịnh (Yên Thủy) nhưng đã 5 tháng qua vẫn chưa nhận được tiền đền bù. Xin hỏi dự án còn triển khai thực hiện không, nếu không triển khai nữa thì trách nhiệm đền bù GPMB thuộc cơ quan nào giải quyết?


Đồng chí Trần Văn Phúc, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh trả lời: KCN Nhuận Trạch được bổ sung vào quy hoạch các KCN tỉnh tại Công văn số 2350, ngày 31/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh, bổ sung các KCN của tỉnh Hòa Bình vào Quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam. Ngày 11/12/2009, UBND tỉnh đã có Công văn số 1948 đồng ý chủ trương cho Công ty CP COMA 18 lập dự án đầu tư và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật KCN Nhuận Trạch. Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 của KCN Nhuận Trạch được phê duyệt tại Quyết định số 2135, ngày 22/11/2010 của UBND tỉnh với diện tích 213,68 ha. Theo Quy hoạch chi tiết của KCN Nhuận Trạch thì hệ thống giao thông KCN được nối với đường Hồ Chí Minh. Theo Quyết định số 561, ngày 18/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường vành đai 5 - vùng Thủ đô Hà Nội, đường vành đai 5 dự kiến có 35,4 km đi qua tỉnh Hòa Bình, trùng hoàn toàn với đường Hồ Chí Minh. Hiện, Ban Quản lý đang phối hợp với Công ty CP COMA 18 xác định diện tích đường vành đai 5 cắt qua KCN để tiến hành điều chỉnh Quy hoạch chi tiết 1/500 KCN Nhuận Trạch.

Ngày 10/4/2016, Ban Quản lý đã làm việc với Công ty CP COMA 18 về việc đẩy nhanh công tác đầu tư hạ tầng và thu hút đầu tư vào KCN Nhuận Trạch. Theo đăng ký tại Công văn số 477/CV-CT ngày 13/6/2017 của Công ty CP COMA 18, nhà đầu tư dự kiến hoàn thành thủ tục Quyết định Chủ trương đầu tư vào đầu năm 2018.

Về Dự án BTG tại KCN Lạc Thịnh, theo Công hàm VN.15.072/2016.VNVV ngày 5/9/2016 của Đại sứ quán Cộng hòa Slovakia kiến nghị về một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện đầu tư, xây dựng hạ tầng KCN Lạc Thịnh, dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN Lạc Thịnh của Công ty BTG Holding là dự án ưu tiên của Slovakia tại Việt Nam.

Từ đầu năm 2017 đến nay, dự án trên triển khai chậm, có những biểu hiện không chấp hành nghiêm túc quy định của Luật Đầu tư, mặc dù đã được Ban Quản lý các KCN tỉnh đôn đốc nộp báo cáo giám sát, đánh giá dự án đầu tư năm 2016 tại Công văn số 05/BQLKCN-QLĐT ngày 5/1/2017, được nhắc nhở tại biên bản làm việc ngày 27/3/2017 giữa Ban Quản lý các KCN tỉnh với nhà đầu tư tại Văn phòng đại diện của nhà đầu tư tại Hà Nội và được thông báo về việc dự án chậm tiến độ, thuộc diện thu hồi giấy chứng nhận đầu tư tại Công văn số 116, ngày 21/4/2017 của Ban Quản lý.

Từ tháng 5/2017 đến nay, việc liên lạc với nhà đầu tư trở nên khó khăn hơn. Nhà đầu tư đã hai lần báo hoãn tham gia các cuộc họp do Ban Quản lý tổ chức. Tuy nhiên, qua email, đại diện nhà đầu tư ở nước ngoài vẫn tái khẳng định việc tiếp tục triển khai dự án. Ban Quản lý đã gửi Công văn số 192, ngày 15/6/2017 về việc thực hiện Công văn số 2493/ VPUBND-NNTN báo cáo UBND tỉnh các vấn đề của dự án và đề xuất phương hướng xử lý.

   
                                                    Nhóm PV tổng hợp

Các tin khác


Hội nghị BCH Hội Người cao tuổi tỉnh lần thứ III, nhiệm kỳ 2016 – 2021

(HBĐT) - Sáng 11/7, Hội Người Cao tuổi (NCT) tỉnh tổ chức Hội nghị BCH Hội NCT tỉnh lần thứ III, nhiệm kỳ 2016 – 2021.

Ngày làm việc thứ nhất - Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVI

(HBĐT) - Ngày 11/7, HĐND tỉnh đã khai mạc Kỳ họp thứ 4, nhiệm kỳ 2016-2021. Các đồng chí Trần Đăng Ninh, Phó Bí thư Thường Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hoàng Văn Tứ, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Đinh Văn Dực, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ tọa kỳ họp. Dự kỳ họp, phía T. Ư có đại diện Vụ Địa phương của Văn phòng T.Ư Đảng; Ủy ban kiểm tra Trung ương; Ban Tổ chức T.Ư. Phía tỉnh có đồng chí Bùi Văn Tỉnh, UV BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; các vị ĐBQH khóa XIV của tỉnh; lãnh đạo UBND tỉnh, Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh và đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh, đại diện lãnh đạo các huyện, thành phố.

Huyện Kim Bôi nhân rộng điển hình trong phong trào thi đua yêu nước

(HBĐT) - Thực hiện phong trào thi đua yêu nước, huyện Kim Bôi đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình. Trong đó phải kể đến những tập thể, cá nhân tiêu biểu như: Ban quản lý thôn Mến Đồi, xã Hợp Kim điển hình trong phong trào vận động nhân dân chung suc xây dựng NTM, huy động được 24 hộ tình nguyện hiến 11.350 m2 đất làm khu thể thao và nhà văn hóa xã.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Thủ tướng Hà Lan M.Rút-tơ

Ngày 10-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Ðoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tiếp tục các hoạt động trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức làm việc tại Hà Lan.

Tổng kết 5 năm quy chế phối hợp giữa MTTQ và VKS Nhân dân tỉnh

(HBĐT) - Ngày 10/7, tại cơ quan Ủy ban MTTQ tỉnh đã diễn ra hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện quy chế phối hợp giữa Ban thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh và VKS Nhân dân tỉnh. Đồng chí Hoàng Thanh Mịch, UVTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, đồng chí Hồ Đức Anh, Viện trưởng viện KSND tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có lãnh đạo, cán bộ cơ quan MTTQ và VKS nhân dân tỉnh.

Ngày mai (11/7) khai mạc kỳ họp thứ 4- HĐND tỉnh khóa XVI

(HBĐT) - 8h sáng mai ( 11/7), tại hội trường Tỉnh ủy, HĐND tỉnh sẽ khai mạc kỳ họp thứ 4- HĐND tỉnh khóa XVI. Kỳ họp diễn ra trong 3 ngày (từ 11-13/7). Các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh, Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh và đại diện một số Sở, ban, ngành dự phiên khai mạc kỳ họp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục