Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH và huyện Kỳ Sơn thăm hỏi, động viên Mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Sấu, xóm Mè, xã Yên Quang.
Thực hiện Chỉ thị số 07 ngày 14/12/2006 của BCH Trung ương về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác thương binh, liệt sỹ, NCC và phong trào "Đền ơn, đáp nghĩa”, hơn 10 năm triển khai thực hiện, tỉnh ta đã đạt được những kết quả quan trọng, mang đậm ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản nhằm tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác chăm sóc thương binh, liệt sỹ, NCC và phong trào "Đền ơn - đáp nghĩa”, triển khai có hiệu quả chính sách của Đảng và Nhà nước đối với NCC.
Thực hiện Pháp lệnh ưu đãi NCC với cách mạng, từ năm 2007- 2016, ngành LĐ-TB&XH đã xác nhận mới 6.505 NCC.
Cấp thẻ BHYT cho 12.000 đối tượng NCC; điều dưỡng sức khỏe luân phiên tập trung và tại gia đình cho trên 3.000 lượt người/năm, kinh phí trên 5 tỷ đồng; thực hiện chế độ ưu đãi trong GD&ĐT đối với 1.200 lượt con của NCC với cách mạng; đảm bảo chế độ trang cấp dụng cụ chỉnh hình cho 823 lượt đối tượng chính sách. Năm 2014-2015, tỉnh đã thực hiện chương trình tổng rà soát chính sách ưu đãi NCC với cách mạng trên toàn tỉnh. Kết quả có 12.047 NCC được rà soát với kinh phí trên 4,9 tỷ đồng. Hàng năm, tỉnh tổ chức điều dưỡng, phục hồi sức khỏe cho trên 3.000 lượt người, kinh phí trên 4,5 tỷ đồng. Đầu tư trên 35 tỷ đồng xây dựng Trung tâm điều dưỡng NCC tại huyện Kim Bôi.
Bên cạnh đó, thực hiện các chương trình tình nghĩa, trong 10 năm, toàn tỉnh đã xây mới 604 nhà, kinh phí trên 22 tỷ đồng; sửa chữa 944 nhà, kinh phí trên 14 tỷ đồng (không bao gồm Quyết định số 22/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ). Chương trình xây dựng quỹ "Đền ơn, đáp nghĩa” đã trở thành truyền thống hàng năm, được cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp và toàn thể nhân dân tham gia tích cực. Tổng số tiền trong 10 năm thu được trên 50 tỷ đồng, trong đó, nguồn quỹ cấp tỉnh 6,8 tỷ đồng. Phong trào tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa cũng được các cơ quan, tổ chức ủng hộ tích cực. Nhiều xã, phường có 100% gia đình thương binh, liệt sỹ được tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa. Các đơn vị thực hiện tốt phong trào này là: Thành phố Hòa Bình, huyện Lương Sơn, Lạc Thủy, Công ty Cổ phần Xi măng X18 - Bộ Quốc phòng, Bộ CHQS, Công ty CP Thương mại Định Nhuận; Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT, Công ty Điện lực Hòa Bình...
Hàng năm, vào dịp kỷ niệm ngày Tthương binh, liệt sỹ 27/7, Quốc khánh 2/9 và tết cổ truyền của dân tộc, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đều tổ chức thăm hỏi các gia đình thương binh, bệnh binh, thương binh nặng tại các Trung tâm Điều dưỡng thương binh ngoài tỉnh, gia đình chính sách, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, lão thành cách mạng, các chiến khu cách mạng trong tỉnh. Công tác mộ, nghĩa trang liệt sỹ được quan tâm đầu tư, chăm sóc. Nhờ đó, hầu hết NCC và thân nhân của họ đã được hưởng các chế độ ưu đãi của Nhà nước, đời sống ổn định và từng bước được cải thiện góp phần ổn định chính trị, xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác chăm sóc NCC với cách mạng vẫn còn một số hạn chế. Một bộ phận người có công vẫn ở trong những ngôi nhà tạm, dột nát, cuộc sống còn khó khăn. Nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - liệt sỹ, tỉnh đặt ra một số chỉ tiêu chủ yếu như: Hỗ trợ xây mới, cải tạo, nâng cấp nhà ở cho 74 hộ NCC hiện còn ở nhà tạm, dột nát. Huy động các nguồn lực từ cộng đồng để hỗ trợ nâng cao mức sống cho 356 hộ NCC còn có mức sống thấp hơn mức trung bình so với nhân dân nơi cư trú. Phấn đấu năm 2017 đạt 99% hộ gia đình chính sách, NCC có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống của nhân dân trên cùng địa bàn. 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh được công nhận làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ; thu nộp quỹ "Đền ơn - nghĩa” ở cả 3 cấp đạt 5 tỷ đồng trở lên. Thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách đối với NCC, chính sách hậu phương quân đội; chế độ, chính sách đối với một số đối tượng trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhưng chưa được hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước; thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến; dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế...
Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, qua kiểm tra thực tế tại thời điểm tháng 4/2017, toàn tỉnh có 74 hộ NCC thuộc diện hộ nghèo đang ở nhà tạm, dột nát chưa có nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách và nguồn xã hội hóa. BCĐ chăm sóc NCC tỉnh đã có công văn huy động nguồn lực giúp người có công. Theo báo cáo của các huyện, thành phố, đã có 143 hộ NCC được hỗ trợ cải tạo nhà ở. Tính đến nay, toàn tỉnh còn 46 hộ người có công thuộc diện hộ nghèo đang ở nhà tạm, dột nát theo danh sách của UBND tỉnh cần được cải tạo nhà ở theo nguồn vốn quỹ "Đền ơn - đáp nghĩa” của tỉnh hoặc từ các nguồn huy động khác với mức hộ trợ đảm bảo mức tối thiểu 40 triệu đồng/hộ xây mới; 20 triệu đồng/hộ sửa chữa, nâng cấp theo Quyết định số 22/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Năm 2016, tổng số đối tượng chính sách thuộc diện được rà soát là 9.742 hộ, trong đó, hộ có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình so với dân cư trên cùng địa bàn cư trú (xã, phường, thị trấn) 9.319 hộ, bằng 95,7%. Như vậy, toàn tỉnh còn 423 hộ thuộc diện khó khăn, chiếm 4,3%. Đến thời điểm tháng 4/2017, theo báo cáo của các huyện, thành phố, toàn tỉnh còn 356 hộ người có công thuộc diện nghèo. Trong đó, nghèo do thiếu vốn làm ăn 190 hộ (chiếm 53,4%); do thiếu lao động và điều kiện sản xuất 65 hộ (chiếm 18,3%); do ốm đau, bệnh tật, già yếu 57 hộ (16%); do các nguyên nhân khác 44 hộ (12,4%). Năm 2016, toàn tỉnh có 207/210 xã, phường, thị trấn được công nhận làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ, còn 3 xã chưa được công nhận.
Theo đồng chí Nguyễn Thanh Thủy, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH từ thực tế một số khó khăn trong công tác chăm sóc NCC trên địa bàn, để đạt được các chỉ tiêu đã đề ra, ngoài sự đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước rất cần sự chung tay, quan tâm chăm lo của các cấp, ngành và cả cộng đồng trong tỉnh góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho NCC với cách mạng.