(HBĐT) - Sáng 16/7, đồng chí Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó Ban Thường trực BCĐ T.Ư về phòng – chống thiên tai đã chủ trì cuộc họp trực tuyến chỉ đạo các biện pháp ứng phó cơn bão số 2. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dũng chủ trì cuộc họp tại điểm cầu của tỉnh.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông đã mạnh lên thành bão, cơn bão số 2, tên quốc tế là Talas, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3. Hôm nay, bão số 2 di chuyển theo hướng Tây Bắc, dự kiến đến 13h, vị trí tâm bão cách bờ biển tỉnh Nam Định - Nghệ An khoảng 320km về phía Đông Đông Nam. Sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 9-10. Đến 1h ngày 17/7, vị trí tâm bão nằm trên bờ biển các tỉnh Nam Định - Hà Tĩnh. Những ngày tiếp theo, bão di chuyển vào đất liền các tỉnh Thanh Hóa - Hà Tĩnh và suy yếu thành một vùng áp thấp. Dự báo từ chiều 16 đến ngày 18-7, khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-300mm. Trên thượng lưu hệ thống sông Hồng - Thái Bình sẽ xuất hiện đợt lũ với biên độ 2-3m. Lưu lượng nước đổ về hồ chứa thủy điện Hòa Bình trên sông Đà sẽ tăng nhanh, có khả năng đạt mức 7.000-7.500m3/s. BCĐ T.Ư về PCTT&TKCN đã ban hành công điện yêu cầu các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa và các Bộ, ngành liên quan theo dõi biến biến thời tiết, rà soát phương án và có kế hoạch di dời người dân vùng ven biển cửa sông, kêu gọi tàu thuyền di chuyển vào nơi trú tránh an toàn,chủ động các biện pháp ứng phó với mưa lũ sau bão… sẵn sàng lực lượng, phương tiện, cứu hộ, cứu nạn…Đối với các tỉnh miền núi phía Bắc và đồng bằng sông Hồng chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với lũ quét, sở lở đất, có phương án bảo đảm an toàn cho hạ du trong trường hợp xả lũ…
Tỉnh ta nằm trong vùng nguy cơ cao ảnh hưởng của bão số 2, liên tiếp trong những ngày qua đã xuất hiện mưa lớn, nguy cơ ngập úng, trượt sạt đất đã đang rất cao. Ngày 15/7, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành công điện khẩn yêu cầu các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện thành phố theo dõi sát diễn biến thời tiết, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với thiên tai, mưa lũ. Theo đó yêu cầu: Rà soát tất cả các khu vực trọng điểm dân cư có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, khu vực đang khai thác khoáng sản, khẩn trương hoàn thiện các biện pháp cần thiết để kịp thời xử lý khi có tình huống xấu. Rà soát đánh giá các khu vực trọng yếu, nhất là khu vực thường xuyên xảy ra sạt lở đất đá ở các các xã vùng cao; các vị trí ngầm, tràn, khe suối triển khai phương án vận động và di dời người dân ra khỏi vùng nguy cơ trượt sạt, tổ chức trực thường xuyên cảnh báo, kiên quyết không để người dân tham gia giao thông tại các ngầm, tràn giao thông khi có mưa lũ và nước dâng cao. Đối với thành phố Hòa Bình và huyện Kỳ Sơn có phương án bảo đảm an toàn cho vùng hạ du, có biện pháp phòng chống, di dời nhà cửa và tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm, đặc biệt phải khẩn trương thông báo tới các hộ dân sinh sống trên sông, các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh tế khu vực lòng sông, bãi sông khu nhà máy thủy điện xả lũ. Đối với các công trình giao thông thủy lợi cần xây dựng phương án bảo đảm an toàn cho từng loại công trình, thực hiện tu bổ, củng cố các tuyến đê, đập, hồ chứa theo kế hoạch, kiểm tra phát hiện và có phương án xử lý kịp thời những hư hỏng, ẩn họa. Các biện pháp, phương án PCTT&TKCN phải sát thực tế và chủ động trong phương án bảo đảm nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
LC