Thành phố Hòa Bình hôm nay. ảnh: H.D
Dưới ánh nắng vàng dịu nhẹ chúng tôi đến thăm cụ Lê Thị Tâm, phường Phương Lâm. Cụ Lê Thị Tâm nguyên tổ trưởng Tổ phụ nữ cứu quốc, Chủ tịch UBND thị xã Hoà Bình. Năm nay cụ Tâm đã 95 tuổi nhưng trí nhớ vẫn mẫn tiệp khi hồi tưởng về mùa thu lịch sử 72 năm trước. Cụ thể rằng: Tôi cùng hơn 10 đội viên được tham dự lớp huấn luyện quân sự đầu tiên của tỉnh mở tại xóm Giằng Xèo, xã Tu Lý (Đà Bắc). Huấn luyện trong điều kiện khó khăn mà những người đội viên vẫn gây dựng phong trào, tuyên truyền đồng bào Mường, Dao, Tày ở các xã lân cận đi theo cách mạng. Tôi được trực tiếp tham gia viết và rải truyền đơn khắp thị xã để đả đảo phát xít Nhật, tham gia cùng tổ thanh niên cứu quốc treo cờ đỏ sao vàng qua sông Đà. Đầu năm 1945, phong trào cách mạng ở tỉnh đã lên cao, nhất là ở thị xã Hoà Bình, khí thế cách mạng sục sôi, tổng số hội viên cứu quốc lên tới hơn 200 người. Hầu hết các khu phố, xóm đều lập đội, tổ tự vệ cứu quốc. Để tuyên truyền người dân ủng hộ cách mạng, các tổ chức, đoàn thể cứu quốc đã hăng hái tuyên truyền, vận động nhân dân thông qua truyền đơn biểu ngữ, áp phích với nội dung: "Đả đảo phát xít Nhật và chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim”. Từ những hoạt động này đã tạo được vị thế cách mạng trong nhân dân. Phong trào cách mạng của thị xã Hoà Bình lan rộng khắp các địa phương trong tỉnh.
Khi thời cơ khởi nghĩa đã chín muồi, đêm 13/8/1945, UB Khởi nghĩa toàn quốc ra Quân lệnh số 1 truyền lệnh tổng khởi nghĩa trên phạm vi cả nước. Đêm 17/8, Xứ uỷ Bắc Kỳ họp quyết định khởi nghĩa trong toàn xứ. Ngay hôm sau, lệnh khởi nghĩa được truyền tới Hoà Bình giữa lúc cán bộ và quần chúng nhân dân đang sẵn sàng chuẩn bị hành động. Ngay sau khi giành chính quyền tại châu Lạc Sơn ngày 20/8/1945 theo như kế hoạch quần chúng tiếp tục giành chính quyền toàn tỉnh. Tại thị xã Hoà Bình, từ ngày 19 - 21/8, cả khu vực bờ phải, bờ trái sông Đà và các phố, xóm đã hừng hực khí thế khởi nghĩa. Cán bộ, quần chúng cứu quốc phổ biến kế hoạch, hướng dẫn nhân dân chuẩn bị vũ khí, băng zôn, cờ chờ ngày nổi dậy. Đến sáng 22/8, đông đảo nhân dân thị xã với vũ trang thô sơ, nòng cốt là tự vệ cứu quốc xông thẳng vào trụ sở của bọn hội đồng thị xã. Trước sức mạnh đó, quân địch phải đầu hàng. Đông đảo nhân dân phấn khởi từ các ngả đường tập trung về chợ Phương Lâm tham dự cuộc mít tinh mừng khởi nghĩa thị xã thắng lợi.
Cuộc mít tinh nhanh chóng biến thành cuộc biểu tình vũ trang tiến về chiếm châu Kỳ Sơn. Chiều hôm đó, nhân dân tiếp tục chuẩn bị giành chính quyền tỉnh. Đúng 2h chiều ngày 23/8, cùng với lực lượng chiến đấu của khu căn cứ Tu Lý - Hiền Lương đang chờ tại phía tây dinh Tỉnh trưởng thì lực lượng tiến công chính gồm hàng trăm chiến sỹ tự vệ được nhân dân bờ phải chở đò vượt sông Đà sang bờ trái, nơi tập trung công sở chính quyền bù nhìn đầu tỉnh. Vô cùng hoảng sợ, Tỉnh trưởng cùng một số quan chức bù nhìn ra bờ sông xin đầu hàng. Lực lượng khởi nghĩa theo lệnh của Uỷ ban quân sự cách mạng đã toả đi chiếm các công sở, vị trí quan trọng trong thị xã. Ngay hôm sau, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại chợ Phương Lâm nhằm công nhận UBND cách mạng lâm thời của thị xã Hoà Bình, châu Kỳ Sơn và các xã xung quanh. Khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh lỵ thành công là thắng lợi có ý nghĩa quyết định thúc đẩy mạnh mẽ và tạo điều kiện giải quyết tiếp việc giành chính quyền tại Châu Mai Đà, Châu đường Lương Sơn và những nơi khác.
Chúng tôi bị cuốn hút theo dòng sự kiện lịch sử bởi ánh mắt ngời sáng của cụ Tâm, đó là ánh mắt của niềm tự tôn dân tộc. 72 năm trôi qua, cứ mỗi độ thu về, khi tiết trời dịu nhẹ như nhắc nhở trái tim những người con thành phố Hòa Bình hướng về những năm tháng lịch sử hào hùng. Mùa thu năm 1945 là động lực cho cán bộ và nhân dân thành phố Hòa Bình quyết tâm xây dựng cuộc sống mới. Phát huy truyền thống anh hùng, cán bộ và nhân dân thành phố luôn chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn để xây dựng thành phố xứng tầm là trung tâm chính trị, hành chính kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh. Thành phố Hòa Bình giờ đây đã khoác lên mình tấm áo mới với những tòa nhà cao tầng, những trung tâm thương mại sầm uất, những con đường thênh thang xanh - sạch - đẹp.
Năm 2016, cơ cấu kinh tế của thành phố chuyển dịch theo hướng tích cực với dịch vụ chiếm 53,3%; công nghiệp - xây dựng chiếm 38,8%; nông, lâm nghiệp chiếm 5,9%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn đạt 6.514 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đạt 44,9 triêu đồng/người/năm. Toàn thành phố chỉ còn 1,64% hộ nghèo. Thành phố Hòa Bình có 40/54 trường học đạt chuẩn quốc gia. Tình hình an ninh trật tự luôn được giữ vững. Hệ thống chính trị được củng cố, vững mạnh từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Những thành tựu trên thể hiện tinh thần đoàn kết của chính quyền và nhân dân thành phố Hòa Bình không ngừng phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của thế hệ đi trước.