Từ năm 1927, những tổ chức quần chúng bắt đầu hình thành và thu hút đông đảo tầng lớp phụ nữ như: Công Hội Đỏ, Nông Hội Đỏ, các nhóm tương tế, tổ học nghề và các tổ chức có tính chất riêng của giới nữ. Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập. Cương lĩnh đầu tiên của Đảng đã ghi: "Nam nữ bình quyền”. Đảng sớm nhận rõ, phụ nữ là lực lượng quan trọng của cách mạng và xác định: "Đảng phải giải phóng phụ nữ, gắn liền giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp với giải phóng phụ nữ”. "Phụ nữ phải tham gia các đoàn thể cách mạng và thành lập tổ chức riêng cho phụ nữ để lôi cuốn các tầng lớp phụ nữ tham gia cách mạng”.
Chính vì vậy, ngày 20/10/1930, Hội Phụ nữ phản đế Việt Nam (nay đổi tên là Hội LHPN Việt Nam) chính thức được thành lập. Để đánh dấu sự kiện này, Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định chọn ngày 20/10 hàng năm làm ngày truyền thống của tổ chức này, đồng thời cũng xem đây là ngày kỷ niệm và tôn vinh phụ nữ Việt Nam, lấy tên là "Ngày phụ nữ Việt Nam”.
Đồng chí Trần Đăng Ninh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cùng lãnh đạo Hội LHPN tỉnh, huyện Lạc Sơn cắt băng khánh thành công trình đường giao thông nông thôn do Hội LHPN huyện đóng góp xây dựng.
Trải qua các thời kỳ cách mạng, người phụ nữ dần khẳng định vị trí, vai trò của mình và được thừa nhận. Bác Hồ từng nói: "Giang sơn gấm vóc Việt Nam là do phụ nữ Việt Nam, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”. Cùng với cả nước, trong những năm qua, hội viên và các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh luôn nỗ lực khẳng định vai trò, vị trí của mình, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 11, ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ CNH-HĐH đất nước và Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII, cấp ủy Đảng, chính quyền đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để phụ nữ phát triển, đồng thời bản thân phụ nữ đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu xây dựng hình tượng người phụ nữ có tri thức, có sức khoẻ, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hoá, có lòng nhân hậu, quan tâm tới lợi ích xã hội và cộng đồng.
Điều này được thể hiện rất rõ qua các chương trình, các phong trào do Hội phụ nữ phát động ngày càng được triển khai sâu rộng, có ý nghĩa thiết thực không chỉ đối với đời sống của phụ nữ mà còn lan tỏa toàn xã hội. Điển hình như phong trào thi đua "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và cuộc vận động "rèn luyện 4 phẩm chất tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” đã được cụ thể hóa bằng những nhiệm vụ trọng tâm sát với thực tế địa phương. Nổi bật là cuộc vận động "xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh. Với cách làm sáng tạo, đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 12 đoạn đường dài gần 5.000 m với tổng kinh phí huy động được trên 5 tỷ đồng. Trong đó, phần ủng hộ của cán bộ, hội viên, phụ nữ (tính cả giá trị quy đổi) gần 2 tỷ đồng. Phối hợp với tổ chức Đông Tây hội ngộ (Dự án ChoBa 2) triển khai xây dựng 2.961 nhà tiêu hợp vệ sinh tại 17 xã của 4 huyện: Kim Bôi, Lạc Thủy, Yên Thủy và Lạc Sơn…
Từ những kết quả trên có thể thấy, cuộc vận động đã tác động đa chiều vào hộ gia đình, phát huy vai trò chủ động và mang lại lợi ích trực tiếp cho hội viên, phụ nữ, đóng góp tích cực vào tiến trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Đặc biệt, các cấp Hội đã đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Thông qua phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, phong trào mỗi chi hội giúp đỡ 1 hội viên thoát nghèo bền vững và duy trì các mô hình điển hình như: xoay vòng vốn phát triển kinh tế, liên kết trồng cây có múi, tiết kiệm tại các chi tổ đã giúp hàng trăm lượt hội viên phụ nữ tiếp cận được nguồn vốn, học hỏi tiến bộ khoa học kỹ thuật và từng bước phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững. Không dừng lại với những mô hình nhỏ lẻ, nhiều hội phụ nữ đã mạnh dạn đầu tư thành lập các hợp tác xã phát triển kinh tế do phụ nữ làm chủ. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã thành lập mới được 3 hợp tác xã do phụ nữ làm chủ. Đây là một mô hình mới cho thấy sự chủ động, sáng tạo và khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng của nhiều phụ nữ nông thôn.
Phát huy truyền thống "uống nước nhớ nguồn” và tinh thần "tương thân, tương ái”, các cấp Hội đã tổ chức thăm hỏi, chúc tết, tặng quà bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình chính sách, hội viên phụ nữ nghèo, nữ học sinh nghèo vượt khó, tổng trị giá hơn 1,3 tỷ đồng.
Tham gia xây dựng, phản biện và giám sát các chính sách, pháp luật là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Hội LHPN các cấp chú trọng thực hiện. Các cấp Hội đã tổ chức nhiều chương trình giám sát liên quan trực tiếp đến các chính sách về phụ nữ, bình đẳng giới như giám sát việc thực hiện chế độ bảo hiểm cho phụ nữ nghèo là người dân tộc tôn giáo, trẻ em dưới 6 tuổi; giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ CNH-HĐH đất nước; giám sát việc thực hiện Điều 8, 9, 10 - Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, phụ nữ vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Đời sống của một bộ phận nhân dân, trong đó có phụ nữ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ yếu thế… còn nhiều khó khăn. Vấn nạn về tảo hôn, về mất cân bằng giới tính khi sinh khiến cuộc sống của người phụ nữ gặp nhiều bất hạnh.
Là một tổ chức có chức năng đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của các tầng lớp phụ nữ, những khó khăn trên của phụ nữ cũng là những thách thức lớn đối với việc thực hiện vai trò nòng cốt trong công tác vận động phụ nữ của các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh.
Trong bối cảnh đó, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh xác định tiếp tục nâng cao công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn kỹ năng, tạo điều kiện để hội viên phụ nữ có thể làm chủ, phát triển toàn diện về tri thức, nhân cách và đạo đức, đồng thời khích lệ tinh thần khởi nghiệp để phụ nữ có thể tham gia giải quyết những vấn đề của chính mình.
Xu thế toàn cầu hóa và yêu cầu của sự nghiệp CNH-HĐH đất nước đã và đang đặt ra cơ hội cùng những thách thức mới đối với phụ nữ. Giữ vững và phát huy vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ, Hội LHPN tỉnh Hòa Bình luôn xác định thời gian tới cần phải không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đoàn kết, động viên các tầng lớp phụ nữ nỗ lực phấn đấu, trưởng thành; thông qua phát động các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động. Mặt khác quan tâm, chú trọng đến công tác tuyên truyền giáo dục như: giáo dục truyền thống và phẩm chất đạo đức cho phụ nữ; giáo dục ý thức chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; những kiến thức về giới, về chăm sóc sức khỏe, nuôi dạy con, xây dựng gia đình hạnh phúc..., tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả để hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng. Từ đó, phát huy phẩm chất tốt đẹp, khả năng sáng tạo, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội.