Phát
biểu thảo luận của đại biểu Quách Thế Tản tại phiên họp sáng 1/11 Kỳ họp thứ
tư, Quốc hội khóa XIV
"...Tại phiên khai mạc kỳ họp Thủ tướng Chính phủ đã báo cáo kết quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018. Bên cạnh những kết quả đạt được đáng phấn khởi, kinh tế - xã hội nước ta còn nhiều hạn chế yếu kém trong đó có đề cập một số nội dung như năng suất lao động chưa cao, chất lượng giáo dục đại học và nghề nghiệp chuyển biến chậm chưa thật sự gắn với nhu cầu xã hội. Còn những biểu hiện tiêu cực suy thoái đạo đức lối sống gây bức xúc, nhất là tình trạng xâm hại trẻ em, phụ nữ, bạo lực gia đình chưa có giải pháp hiệu quả khắc phục tình trạng lợi dụng mạng xã hội đưa tin xấu độc.
Thực thi pháp luật vẫn là khâu yếu, kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm. Tình trạng tham nhũng lãng phí vẫn xảy ra ở nhiều nơi. Tôi hoàn toàn nhất trí với những nội dung mà Thủ tướng đã nêu. Tôi xin nêu thêm một số nguyên nhân và đề xuất các giải pháp mong muốn góp phần khắc phục những hạn chế yếu kém đó.
Thứ nhất, vấn đề làm gương và phương pháp giáo dục của một bộ phận không nhỏ người lớn trong gia đình và ngoài xã hội chưa tốt đã tác động xấu đến giáo dục trẻ em, làm giảm chất lượng giáo dục của nhà trường. Chính bạo lực gia đình do người lớn gây ra đã tác động không nhỏ đến bạo lực học đường. Bạo lực học đường đã đến mức báo động, không thể xem nhẹ và càng không thể thờ ơ được. Học sinh nữ đánh nhau ngày càng tăng, không chỉ là đánh nhau, bạo lực học đường còn diễn ra ở hình thức thóa mạ trên mạng xã hội, xúc phạm nhau ở lớp, gây ức chế tinh thần dẫn đến có trường hợp các cháu phải quyên sinh. Nhiều đứa trẻ bị bạo hành đã nghĩ đến gia đình không còn yêu thương, che chắn và bảo vệ mình nữa nên đã bỏ nhà ra đi, lang thang bụi đời. Một số biểu hiện của người lớn có hành vi thiếu văn hóa, đạo đức, thậm chí có cả những hành vi phạm tội, đánh chửi nhau, nghiện rượu, nghiện ma túy, trộm cắp tham ô ảnh hưởng nhiều đến trẻ em.
Có hiện tượng một số gia đình đã giáo dục trẻ em làm ăn gian dối. Có nhiều trường hợp bố mẹ là người tốt, có đủ kiến thức nhưng không đủ và không chú ý đúng mức đến việc giáo dục con cái hoặc không có điều kiện gần gũi trẻ. Có người ỷ lại cho nhà trường, dẫn đến việc con cái bị bỏ rơi, thiếu sự dạy dỗ và tình thường của cha mẹ. Đặc biệt, một số gia đình quá nuông chiều, thỏa mãn mọi nhu cầu của con cái, thói quen đòi gì được nấy, cha mẹ bao bọc mọi việc khiến trẻ em hình thành tính ỷ lại, dựa dẫm, sống ích kỷ, lười nhác, không ý thức được trách nhiệm bản thân mà chỉ quen được phục vụ hưởng thụ.
Thứ hai, những thói quen xấu của người lớn khá nhiều nên ảnh hưởng hạn chế đến phát triển kinh tế xã hội, đến chất lượng của cuộc sống toàn xã hội.
Trước hết, khó khăn, bất cập của người lớn như thiếu động cơ học tập đúng đắn, bằng lòng hoặc thỏa mãn với bằng cấp đã có đối với những người có bằng cấp cao như cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ. Thiếu ý thức học tập tiếp theo, trong đó, việc học để hoàn thiện bản thân chưa thực sự quan tâm, nhất là học kỹ năng sống, rèn luyện đạo đức. Bên cạnh đó, cũng còn có sự mặc cảm, tự ti của nhiều người có trình độ văn hóa hạn chế, nhất là người nghèo. Mặt khác, nhận thức của xã hội là tập trung đầu tư cho học tập của trẻ em. Còn đối với người lớn, học tập cũng quan trọng nhưng chưa "cháy nhà chết người" nên chưa cấp thiết phải thực hiện ngay, hoặc thực hiện thế nào thì hay thế ấy. Đó là một quan niệm hết sức sai lầm.
Thứ ba, về năng suất lao động chưa cao mà trong Báo cáo Chính phủ đã nêu. Chúng ta hiện nay không chỉ quan tâm đến đào tạo đội ngũ lao động cho tương lai để có năng suất lao động cao mà ngay từ bây giờ, chúng ta phải quan tâm đào tạo cho người lớn, nhất là nông dân để khỏi mất việc ngay trên sân nhà khi chúng ta hội nhập ngày càng sâu rộng. Như vậy, việc đầu tư vào giáo dục người lớn sẽ đem lại hiệu quả trực tiếp hơn và nhanh hơn. Chúng ta cần song song việc giáo dục chính quy và không chính quy. Từ thực tiễn trên, tôi xin kiến nghị và đề xuất một số giải pháp sau:
Thứ nhất, đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần xác định rõ hơn vị trí, vai trò, nghĩa vụ, trách nhiệm về giáo dục người lớn trong hệ thống giáo dục quốc dân. Có cơ chế chính sách đảm bảo điều kiện cho cơ sở giáo dục thường xuyên, học tập của người lớn phát triển tốt hơn. Đề nghị Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội có chương trình chuyên đề giám sát thực hiện Luật Giáo dục đối với giáo dục thường xuyên, trong đó có việc học tập của người lớn. Chính phủ cần có bộ phận chỉ đạo xây dựng xã hội học tập trong Ủy ban quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo.
Thứ hai, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có chương trình đào tạo giáo viên trong các trường sư phạm về phương pháp giáo dục người lớn để sau khi ra trường sẽ thích ứng khi được giao nhiệm vụ tại các cơ sở giáo dục không chính quy, giáo dục thường xuyên hoặc dạy học, quản lý đối với người lớn. Mặt khác, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các địa phương hết sức quan tâm đến các Trung tâm học tập cộng đồng ở các xã, phường, thị trấn".
Đại biểu Quách Thế Tản
(Đoàn đại biểu Quốc hội Hòa Bình)