Ngày 1-11, tại Nhà Quốc hội (QH), các đại biểu QH làm việc tại hội trường, tiếp tục thảo luận về: kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách T.Ư năm 2018 và kế hoạch tài chính - NSNN ba năm quốc gia 2018 - 2020.


Ðại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh phát biểu thảo luận tại hội trường. Ảnh: ANH TUẤN

Băn khoăn về chất lượng tăng trưởng

Cho ý kiến về tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước đạt 6,7% của năm 2017, nhiều ý kiến lo ngại vì những nhóm yếu tố tạo đà tăng trưởng trong chín tháng đầu năm hiện không còn nhiều dư địa, tăng trưởng của nông nghiệp tiềm ẩn rủi ro, các yếu tố khác như khai khoáng, giải ngân vốn đầu tư công dự báo giảm so với năm 2016.

Ðại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) và một số đại biểu đề nghị, Chính phủ cần rà soát, đánh giá khó khăn, phân tích rõ hơn các yếu tố, nguồn lực để bảo đảm đạt mức tăng trưởng 6,7%. Trong đó, cần dựa vào xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, nhất là gia tăng kim ngạch xuất khẩu tại các thị trường truyền thống, mở rộng thị trường mới. Ðại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) và một số đại biểu tán thành quan điểm này, nhưng cho rằng, khả năng cả ba nguồn thu quan trọng từ nội địa đều không đạt dự toán, đó là thu từ doanh nghiệp nhà nước, thu từ khu vực có vốn nước ngoài và khu vực ngoài quốc doanh. Ngoài ra, để thu nội địa đạt 1.011 nghìn tỷ đồng như báo cáo của Chính phủ, thì thu từ tiền sử dụng đất phải tăng 29,8 nghìn tỷ đồng và từ hoạt động xổ số tăng 2,2 nghìn tỷ đồng. Cộng đồng doanh nghiệp Việt phải thật sự tạo ra niềm tin đối với người tiêu dùng, làm cho người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Ðối với những tháng còn lại của năm 2017, nhiều ý kiến cho rằng, các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn cần được quan tâm, đánh giá rõ hơn về chất lượng, tránh những rủi ro phát sinh trên thị trường chứng khoán, bất động sản và khả năng kiểm soát lạm phát trong các năm tiếp theo. Ngoài ra, những vấn đề nổi lên gần đây cũng cần được đánh giá cụ thể và có giải pháp từ sớm như: vấn đề tiền ảo, biến tướng trong kinh doanh đa cấp; xử lý các hạn chế, yếu kém trong triển khai Nghị định số 67/2014/NÐ-CP của Chính phủ về đóng tàu cá vỏ thép...

Về chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (Lai Châu) và nhiều đại biểu thống nhất với chỉ tiêu tăng trưởng khoảng 6,5 đến 6,7%, cho đây là sự thận trọng cần thiết để không thiên lệch tăng trưởng về số lượng, mà hướng tới mục tiêu cao hơn là cải thiện chất lượng tăng trưởng. Do vậy, Chính phủ cần chủ động xây dựng phương án cơ cấu lại thu chi ngân sách phù hợp; hạn chế sử dụng nguồn dự phòng, đầu tư công trung hạn khi nguồn thu ngân sách chưa bảo đảm theo kế hoạch. Quan trọng hơn, cần khẩn trương đánh giá tổng thể chính sách thuế, tác động giảm thu do quá trình hội nhập quốc tế. Sớm sửa đổi các chính sách thuế cho phù hợp, bảo đảm với cân đối nguồn lực và thúc đẩy kinh tế bền vững.

Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Tài chính Ðinh Tiến Dũng phát biểu ý kiến giải trình, làm rõ những nội dung được đại biểu quan tâm về công tác thu, chi NSNN, phân bổ NSNN và quản lý nợ công. Ðồng thời, nêu rõ nhiều giải pháp cụ thể để thực hiện tốt dự toán NSNN thời gian tới. Trong đó, tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác thu ngân sách, chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống thất thu, trốn thuế, chống nợ đọng tiền thuế. Rà soát, đánh giá, làm rõ cơ chế tài chính đặc thù đang áp dụng đối với một số lĩnh vực, kết hợp với việc tổ chức tập trung các khoản thu phí, lệ phí vào ngân sách. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư cho các dự án, công trình, quản lý chặt chẽ vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Tăng cường công tác quản lý chi, thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí; quản lý chặt chẽ việc mua sắm tài sản công. Quản lý chặt chẽ nợ công, bảo đảm sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả; giữ mức trần nợ công trong giới hạn cho phép để bảo đảm an ninh tài chính.

Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường tham gia giải trình về công tác quản lý phân bón, cho biết: tình trạng phân bón giả hiện nay diễn biến rất phức tạp, gây thiệt hại cho nông dân, ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng. Bộ đã xây dựng các nghị định về quản lý và xử phạt, mức xử phạt sẽ tăng lên, siết chặt chế tài, đơn vị nào vi phạm sẽ bị dừng sản xuất, không cấp phép nữa. Về chính sách bảo vệ, phát triển rừng giai đoạn tới, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, sau một thời gian, cả nước đã phấn đấu nâng hệ số che phủ rừng từ 28% lên 41,19%. Mục tiêu tới đây là giữ được hệ số che phủ 42%. Bên cạnh đó, phải hình thành một ngành kinh tế lâm nghiệp với giá trị đến năm 2020 là 40 nghìn tỷ đồng, với tốc độ tăng trưởng từ 5 đến 6% và giá trị xuất khẩu đồ gỗ là 8,5 tỷ USD. Theo tinh thần đó, trong tổng số 14,3 triệu ha rừng, có 10,2 triệu ha rừng tự nhiên phải giữ bằng được. Kiên quyết không chuyển đổi những dự án xâm phạm vùng này, trừ trường hợp dự án quốc phòng, an ninh hoặc dự án đặc biệt phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Tiếp đó, thâm canh 4,1 triệu ha rừng trồng, rừng sản xuất để bảo đảm lượng gỗ cung cấp cho công nghiệp chế biến.

Xử lý triệt để 12 dự án thua lỗ

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh phát biểu ý kiến giải trình về những khó khăn, giải pháp để xử lý, giải quyết 12 dự án thua lỗ và các dự án khác có khả năng phát sinh thua lỗ; tình hình chống buôn lậu, chống hàng giả, hàng kém chất lượng.

Ðể làm tốt công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu một số giải pháp như: tăng cường phối hợp các lực lượng liên ngành để tổ chức đấu tranh, triệt phá các tổ chức buôn lậu quy mô lớn với các thủ đoạn, phương thức tinh vi; xem xét hoàn chỉnh khuôn khổ pháp lý và thể chế bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, nhất là chế tài đối với hành vi buôn lậu thuốc lá. Ðồng thời, thành lập Tổng cục Quản lý thị trường theo hệ thống ngành dọc.

Về xử lý 12 dự án thua lỗ, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, trong năm 2016 và 2017, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thành lập các Ban chỉ đạo để đánh giá tổng thể, toàn diện, kiểm tra cụ thể tìm ra nguyên nhân của những hạn chế, bất cập và hướng giải quyết. Ðồng thời, tiếp tục ban hành các chính sách, các quy định, hướng dẫn cụ thể để giải quyết đồng bộ về mặt công nghệ, thương mại, bảo đảm hiệu quả nguồn lực của Nhà nước đầu tư trong các dự án này. Mặt khác, giải quyết triệt để hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức và cá nhân liên quan. Năm 2018, sẽ tập trung giải quyết về cơ bản những dự án tồn đọng này. Ðến năm 2020, sẽ giải quyết triệt để toàn bộ, đồng bộ tất cả các khía cạnh và lĩnh vực. Trên thực tế, bốn dự án trong lĩnh vực phân bón đã khôi phục hoạt động sản xuất và từng bước tiếp cận thị trường, hoạt động thương mại có hiệu quả để từ đó hướng đến giải pháp bán vốn cũng như thu hồi vốn của nhà nước. Ba dự án trong lĩnh vực xăng sinh học cũng đang khởi động và tiếp tục tổ chức lại, năm 2018 sẽ tham gia thị trường. Các dự án như gang thép Thái Nguyên, thép Việt Trung đang có những bước triển khai cụ thể trong việc rút vốn nhà nước, cũng như tiếp tục có giải pháp về mặt công nghệ...

Không để dịch bệnh diễn biến phức tạp, kéo dài

Nhiều đại biểu phản ánh, chất lượng khám, chữa bệnh tuyến y tế cơ sở chưa cao, còn tình trạng buông lỏng quản lý, vi phạm các quy định về đấu thầu thuốc, y tế dự phòng (dịch sốt xuất huyết), bảo hiểm y tế (BHYT) bị lạm dụng, trục lợi ở nhiều cơ sở khám, chữa bệnh.

Giải trình về công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch bệnh sốt xuất huyết thời gian qua, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, dịch diễn biến kéo dài, nặng nhất là ở Hà Nội. Nguyên nhân là do biến đổi khí hậu, nắng kéo dài, mưa nhiều, sự di cư dân số, nơi ở của công nhân xây dựng, ý thức bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh chưa cao; vấn đề phòng chống muỗi cũng rất khó khăn... Giải pháp quan trọng nhất để hạn chế phát sinh dịch bệnh vẫn là phòng bệnh, bảo đảm vệ sinh môi trường, nâng cao sức khỏe, thể lực; hoàn thiện hệ thống thể chế, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ; quyết liệt phòng chống dịch bệnh...

Về BHYT, Bộ trưởng cho biết, tỷ lệ bao phủ đã đạt 82% dân số; chất lượng khám, chữa bệnh từng bước nâng cao; giá dịch vụ nâng lên phù hợp thực tế... Tuy nhiên, do giá dịch vụ tăng, công tác thông tuyến, kỹ thuật cao được áp dụng đến tuyến tỉnh, tuyến huyện, ý thức bảo vệ sức khỏe của người dân tăng lên, cho nên nhiều địa phương bội chi quỹ BHYT. Thời gian tới, Bộ sẽ sửa đổi các quy định để ngăn chặn tình trạng sử dụng các dịch vụ quá mức, khoán trần chi phí tránh trục lợi BHYT, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, ứng dụng công nghệ thông tin... nhằm khống chế tình trạng chi quá mức cần thiết BHYT.

Năm 2005, xuất khẩu dầu thô đạt 7,3 tỷ USD, cao gấp 31 lần xuất khẩu nhóm sản phẩm rau, quả, hoa (235 triệu USD). Tuy nhiên, năm 2016, xuất khẩu dầu thô đạt 2,4 tỷ USD, chỉ bằng 0,98% rau, quả, hoa (2,45 tỷ USD). Như vậy, giai đoạn qua, xuất khẩu dầu thô giảm gần 5 tỷ USD, nhưng rau, quả, hoa tăng trung bình 30%/năm. Dự báo đến năm 2020, giá trị xuất khẩu quả, rau, hoa đạt 10 tỷ USD, cao hơn giá trị xuất khẩu dầu thô thời điểm cao nhất. Chúng tôi kiến nghị đưa sản phẩm rau, quả, hoa vào nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực, bởi hướng đi này khả thi và có hiệu quả.

                                           Ðại biểu NGUYỄN THIỆN NHÂN

                                                           (TP Hồ Chí Minh)

 

Báo cáo của Chính phủ cần phân tích, đánh giá rõ nguyên nhân chủ quan và quy trách nhiệm rõ ràng đối với thực trạng phá rừng, phát triển thủy điện ồ ạt vừa qua đã làm cho rừng bị thiệt hại, tạo ra "lỗ hổng lớn" về trách nhiệm thực thi pháp luật bảo vệ rừng. Từ thực tế này, tôi đề nghị QH, Chính phủ cần triển khai giám sát toàn diện về bảo vệ rừng, về phát triển thủy điện, về khả năng ứng phó biến đổi khí hậu, thiên tai trong hoàn cảnh các phương án trước đây của chúng ta đến nay có những nội dung không còn phù hợp.

                                           Ðại biểu Hoàng Ðức Thắng

                                                          (Quảng Trị)


 

Môi trường kinh doanh còn nhiều hạn chế, nhất là việc các đoàn kiểm tra gây phiền hà cho doanh nghiệp. Nhiều địa phương chưa thực hiện đúng yêu cầu thanh tra, kiểm tra mỗi năm chỉ một lần. Có doanh nghiệp một năm phải tiếp bảy đoàn thanh tra, kiểm tra thuế, kiểm toán, an toàn vệ sinh thực phẩm, quản lý thị trường, y tế, đo lường...

                                                Ðại biểu Lê Công Nhường

                                                             (Bình Ðịnh)

 

 

                                                  TheoNhandan

Các tin khác


Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc thôn Sấu Thượng, xã Thanh Lương

(HBĐT) - Nhân kỷ niệm 87 năm ngày truyền thống mặt trận tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2017), sáng ngày 1/11, nhân dân thôn Sấu Thượng, xã Thanh Lương, huyện Lương Sơn đã tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc.Tới dự và chung vui có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cùng các đồng chí lãnh đạo UB MTTQ Việt Nam tỉnh, Tỉnh đoàn, Huyện ủy, UBND, MTTQ huyện Lương Sơn. 

Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Văn phòng Tỉnh ủy Hòa Bình

(HBĐT) - Sáng 01/11, Văn phòng Tỉnh ủy long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Văn phòng Tỉnh ủy Hòa Bình (01/11/1947 - 01/11/2017) và đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Tham dự có các đồng chí: Bùi Văn Tỉnh, UV BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Trần Đăng Ninh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện Văn phòng T.Ư Đảng, Bộ LĐ-TB&XH; các đồng chí nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, lãnh đạo và CBCC Văn phòng Tỉnh ủy qua các thời kỳ; lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh và các huyện, thành phố.

Hòa Bình - phương châm “bốn tại chỗ” và vai trò của cấp ủy, chính quyền trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn

Bài 2: Sát sao, kịp thời khắc phục hậu quả thiên tai

(HBĐT) - Những thiệt hại nặng nề về người và tài sản do mưa lớn kéo dài và lũ ống, lũ quét gây ra làm đảo lộn cuộc sống của hàng nghìn hộ dân và hoạt động SX-KD trên địa bàn tỉnh. Nhất là đối với những gia đình có người chết, mất tích, bị thương và mất hết nhà cửa, tài sản. Trong lúc này, phương châm "bốn tại chỗ” được cấp uỷ, chính quyền các cấp vận dụng có hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức các biện pháp khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.

Cần những giải pháp đồng bộ bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội bền vững

Ngày 31-10, tại Nhà Quốc hội (QH), tiếp tục chương trình kỳ họp, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân và sự điều hành của Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển, QH thảo luận ở hội trường về: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (KT - XH) và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2017; kế hoạch phát triển KT - XH, dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách T.Ư năm 2018 và kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm quốc gia 2018 - 2020.

Tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ, khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống người dân

(HBĐT) - Ngày 31/10, đồng chí Nguyễn Văn Quang, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị thường kỳ của UBND tỉnh. Cùng dự có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở ban ngành của tỉnh.

Phát huy truyền thống vẻ vang, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu, phục vụ, đáp ứng tốt hơn yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy trong giai đoạn cách mạng mới

(HBĐT) - Cách đây 80 năm, tại hội nghị lịch sử ở Hương Cảng (Trung Quốc), BCH Trung ương Đảng họp lần thứ nhất và quyết định thành lập các bộ phận chuyên môn giúp việc, tham mưu cho Trung ương Đảng, trong đó có bộ máy Văn phòng cấp ủy. Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định lấy ngày 18/10/1930 là ngày truyền thống Văn phòng cấp ủy. Đây chính là dấu mốc đầu tiên về sự ra đời và hoạt động của Văn phòng cấp ủy Đảng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục