Đồng chí Bùi Văn Tỉnh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu kết luận buổi làm việc.
Tính đến tháng 10/2017, toàn tỉnh có 8 KCN đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận điều chỉnh, bổ sung vào Quy hoạch phát triển các KCN Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 với diện tích quy hoạch 1.515 ha. Hiện, 5 KCN đã có doanh nghiệp thứ phát đầu tư, 4 KCN đang có doanh nghiệp hoạt động với 71 dự án đầu tư. Trong đó, 22 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, 50 dự án đầu tư trong nước, 45 dự án đang sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho 16.300 lao động, chiếm gần 50% tổng số lao động tại các doanh nghiệp trong tỉnh. Chủ yếu lao động là người địa phương và các vùng lân cận. Trong đó, 4.056 lao động nam, 12.244 lao động nữ; 7,06% lao động có trình độ đại học và trên đại học, 7,09% trình độ cao đẳng, 8,56% trình độ trung cấp, 4,9% trình độ sơ cấp, 12,68% chưa qua đào tạo, 60,2% học qua đào tạo nghề.
Doanh nghiệp trong các KCN cơ bản thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về lao động, nhất là các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài. Các doanh nghiệp thực hiện đóng BHXH cho trên 80% tổng số lao động; tạo việc làm ổn định với mức thu nhập thường cao hơn mức lương tối thiểu vùng được Chính phủ công bố hằng năm. Đến nay, các KCN có 27 công đoàn cơ sở với trên 13.000 đoàn viên. Công đoàn các KCN và các cơ quan liên quan hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng kênh đối thoại với người lao động. Tình hình lao động tương đối ổn định, không xảy ra đình công, lãn công lớn.Đời sống vật chất, tinh thần của công nhân được quan tâm như tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao, thưởng Tết...
Tuy nhiên, vẫn xảy ra tình trạng nợ lương, BHXH của người lao động. Vẫn xảy ra một số vụ việc đình công, người lao động kiến nghị, tố cáo về chế độ lương, bảo hiểm. Nhà ở cho công nhân, nhà trẻ cho con công nhân chưa đáp ứng được nhu cầu. Việc tuân thủ pháp luật về an toàn vệ sinh lao động của nhiều doanh nghiệp chưa nghiêm, các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng vẫn xảy ra. Việc đo, kiểm tra định kỳ các yếu tố có hại trong môi trường, quản lý sức khỏe người lao động đã được tăng cường nhưng còn hạn chế…
Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, đồng chí Bùi Văn Tỉnh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, doanh nghiệp tại các KCN đã tạo việc làm, đóng góp nhiều cho sự phát triển KT-XH của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nhưng cũng còn những hạn chế. Đồng chí đề nghị, thời gian tới, trên cơ sở quy hoạch các KCN đã được phê duyệt rà soát, nghiên cứu đẩy mạnh hỗ trợ đầu tư, tạo quỹ đất sạch, quyết tâm mỗi năm tạo được 50 ha đất sạch. UBND tỉnh nghiên cứu đưa vào danh mục đầu tư của tỉnh có mục đầu tư cho doanh nghiệp. Hỗ trợ doanh nghiệp thứ phát vào KCN sản xuất, khuyến khích nhà đầu tư để lấp đầy KCN Bờ trái Sông Đà, KCN Lương Sơn. Xây dựng cơ chế đào tạo lao động cho doanh nghiệp. Hỗ trợ doanh nghiệp thu hút lao động, giải quyết mối quan hệ thị trường - lao động. Làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao chất lượng công tác xúc tiến thu hút đầu tư để mang lại hiệu quả cả số lượng, chất lượng các dự án, từ đó giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Sở LĐ-TB&XH thống kê, rà soát, đánh giá lại nhu cầu việc làm ở các địa phương. Khuyến khích xây dựng nhà ở xã hội, tạo điều kiện để các chủ thể khác xây dựng nhà ở cho công nhân xung quanh KCN nhưng phải đảm bảo quy định của Nhà nước. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật cho người lao động để họ nắm được quyền và lợi ích của mình. Quản lý chặt chẽ ATTP bữa ăn công nhân, vệ sinh môi trường sản xuất. Quan tâm thực hiện các dịch vụ, chính sách cho công nhân như khám sức khỏe, tăng thêm cây ATM… Có giải pháp giải quyết vấn đề nợ đọng bảo hiểm. Phát triển tổ chức Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp. Hằng năm, tổ chức tôn vinh các doanh nghiệp giải quyết tốt việc làm, chấp hành các quy định của pháp luật.
Cẩm Lệ