Mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước Thảo luận về phạm vi phòng, chống tham nhũng (PCTN), nhiều đại biểu tán thành sự cần thiết mở rộng ra khu vực ngoài nhà nước. Cụ thể, mở rộng phạm vi áp dụng đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, các tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Nội vụ hoặc Chủ tịch UBND tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ. Bởi hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp này có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế, đây cũng là các chủ thể huy động vốn đóng góp của nhiều cổ đông hoặc thường xuyên huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện… Khi kiểm soát chặt chẽ sẽ tránh việc người có thẩm quyền lợi dụng chức vụ được giao hoặc thành lập doanh nghiệp "sân sau” để tham nhũng. Quy định này bảo đảm đồng bộ với Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định trách nhiệm hình sự của người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước về các hành vi tham ô tài sản, nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ. Đồng thời, còn tác động lớn đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế, thúc đẩy hiệu quả PCTN trong khu vực nhà nước. Tuy nhiên, đại biểu Bế Minh Đức (Cao Bằng) và một số đại biểu cho rằng, khi mở rộng ra khu vực ngoài nhà nước, cần đánh giá tác động tính khả thi, có các quy định chặt chẽ và phù hợp để PCTN không gây khó khăn đối với hoạt động của các chủ thể, nhất là không gây ảnh hưởng hoạt động sản xuất, kinh doanh và chính sách, chủ trương khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp của Chính phủ. Bên cạnh đó, cần xem xét, bổ sung chặt chẽ, đồng bộ các quy định để làm căn cứ cho các công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, tổ chức xã hội thực hiện minh bạch, kiểm soát tài sản, thu nhập. Có đại biểu yêu cầu, việc mở rộng phạm vi là cần thiết nhưng không được làm phân tán nguồn lực, gây ảnh hưởng đến công tác PCTN trong khu vực công; tránh nguy cơ chuyển định hướng của các cơ quan chuyên trách PCTN từ khu vực công sang khu vực tư. Hơn nữa, đây là chính sách mới, có tác động lớn đến cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức xã hội, cho nên cần tuyên truyền, phổ biến pháp luật một cách rộng rãi và thấu đáo để doanh nghiệp, người dân có nhận thức sâu sắc và đúng đắn. Để bảo đảm tính toàn diện và phát huy vai trò của pháp luật trong công tác đấu tranh PCTN, nhiều đại biểu đề nghị nghiên cứu mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật đến tất cả các tổ chức, pháp nhân, cá nhân trong và ngoài nhà nước, bởi nếu chỉ dừng lại ở nhóm đối tượng nêu trên thì việc quản lý, kiểm soát tài sản vẫn chưa triệt để. Cân nhắc phương án xử lý tài sản không rõ nguồn gốc Thảo luận về thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập, nhiều đại biểu nhất trí phương án giao nhiều cơ quan tham gia kiểm soát tài sản, thu nhập. Cụ thể, đối với người có nghĩa vụ kê khai đang công tác tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ, chính quyền địa phương, giao Thanh tra Chính phủ tiến hành kiểm soát. Đối với người có nghĩa vụ kê khai công tác tại Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm toán Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, giao cơ quan trung ương của các cơ quan, tổ chức này kiểm soát. Đối với người có nghĩa vụ kê khai công tác tại Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng QH, Văn phòng Chính phủ, giao các cơ quan này kiểm soát. Đối với người có nghĩa vụ kê khai là đại biểu QH chuyên trách, giao cho Ủy ban Thường vụ QH kiểm soát. Theo phân tích của các đại biểu, phương án này giúp tăng cường hơn tính tập trung, không gây xáo trộn lớn về tổ chức, hoạt động và tránh tăng áp lực công việc cho các cơ quan, đơn vị đang làm công tác này. Dự thảo luật sửa đổi đối tượng kê khai tài sản, thu nhập theo hướng mở rộng tới mọi cán bộ, công chức, viên chức đều phải có nghĩa vụ kê khai. Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) và một số đại biểu cho rằng, những cán bộ, công chức, viên chức làm việc ở vị trí có nguy cơ tham nhũng cao, cần kê khai tài sản, thu nhập lần đầu nhằm tạo cơ sở dữ liệu để so sánh, đối chiếu khi tài sản, thu nhập của họ biến động lớn trong một năm hoặc khi có tố cáo, có dấu hiệu về việc kê khai không trung thực. Quy định như vậy bảo đảm tập trung nguồn lực cho việc kiểm soát tài sản, thu nhập, tăng cường ý thức tuân thủ của người kê khai, bảo đảm tính khả thi và góp phần khắc phục được tính hình thức của việc kiểm soát tài sản, thu nhập như thời gian qua. Có ý kiến đề nghị, nên mở rộng diện kê khai đến cả vợ hoặc chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, con ruột… của đối tượng có nghĩa vụ kê khai. Bởi thực tế cho thấy, tài sản do tham nhũng, vi phạm mà có thường được đứng tên người thân của đối tượng có nghĩa vụ kê khai. Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị thu hẹp đối tượng có nghĩa vụ kê khai, chỉ tập trung vào những vị trí, lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao để làm thực chất, hiệu quả hơn. Việc mở rộng sẽ được thực hiện khi đã làm tốt công tác kiểm soát tài sản, thu nhập trong xã hội và có đủ nguồn lực cho việc kiểm soát. Đối với tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc (không loại trừ tài sản, thu nhập này có nguồn gốc bất hợp pháp) thì đến nay pháp luật chưa có quy định để xử lý. Tuy nhiên, trường hợp người có nghĩa vụ kê khai không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp và Nhà nước cũng chưa chứng minh được tài sản này do phạm tội, vi phạm pháp luật mà có, thì cần thiết quy định xử lý đối với tài sản, thu nhập này. Nhiều đại biểu tán thành phương án "thu thuế” đối với tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc, với mức thuế suất 45% giá trị tài sản, thu nhập, như quy định của dự thảo luật. Các ý kiến cho rằng, phương án này không mâu thuẫn các quy định hiện hành của pháp luật hình sự, dân sự và hạn chế phải sửa đổi các luật liên quan, phù hợp điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam hiện nay, khi cơ quan có thẩm quyền chỉ cần chứng minh đã có một khoản thu nhập, tài sản mới được tạo ra và người sở hữu phải có trách nhiệm đóng thuế cho Nhà nước. Tuy nhiên, cần nghiên cứu điều chỉnh mức thuế suất cho phù hợp, vì đề xuất mức "thuế suất 45%” chưa có cơ sở vững chắc. Một số ý kiến lại tán thành phương án "xử phạt hành chính” như quy định trong dự thảo luật, vì cho rằng, mọi cán bộ, công chức, viên chức có nghĩa vụ phải nghiêm chỉnh chấp hành Luật PCTN, trong đó có nghĩa vụ trung thực, minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập. Vì vậy, đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc, kê khai không trung thực thì cơ quan chức năng sẽ xử phạt hành chính đối với hành vi kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, không minh bạch. Tán thành phương án "xử phạt hành chính”, nhưng đại biểu Trịnh Ngọc Thúy (TP Hồ Chí Minh) và một số đại biểu đề nghị, cần quy định xử lý theo trình tự tư pháp để bảo đảm tính công minh, khách quan, đó là: sau khi kết luận tài sản, thu nhập mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc thì cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập đề nghị Tòa án quyết định việc xử lý tài sản. Có ý kiến đề nghị, người kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, người giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm không hợp lý thì tùy theo mức độ sẽ bị áp dụng các hình thức xử lý kỷ luật và áp dụng xử phạt tiền theo quy định tại Luật Thuế thu nhập cá nhân. Ý kiến khác không tán thành hai phương án như dự thảo luật, vì cho rằng, tài sản là hợp pháp sẽ được pháp luật bảo vệ… Ngày 13-6, Kỳ họp thứ năm, Quốc hội (QH) khóa XIV sang ngày làm việc thứ 19. Các đại biểu QH dành cả ngày làm việc tại hội trường, thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Thực tế ở nước ta hiện nay, việc quản lý toàn bộ thu nhập từ đầu vào của công chức là hết sức khó khăn. Cán bộ, công chức ngoài tiền lương còn có nhiều khoản thu nhập hợp pháp khác đã giúp họ thu về những khoản lợi nhuận gấp nhiều lần tiền lương. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên không kê khai đầy đủ để trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế và việc che giấu, không kê khai này là trái với quy định. Nhưng cũng không thể quy kết đó là tài sản không hợp pháp. Và khi nào chưa chứng minh được tài sản mà họ có được là bất hợp pháp thì nguyên tắc vẫn phải suy đoán tài sản đó là hợp pháp. Kể cả khi họ không giải trình được nguồn gốc tài sản thì cũng chưa thể thu hồi được bởi trách nhiệm chứng minh là của cơ quan có thẩm quyền, nhà nước pháp quyền không thể suy đoán có tội. Đại biểu BẾ MINH ĐỨC(Cao Bằng) Về xử lý tài sản, thu nhập kê khai, Ban soạn thảo đưa ra hai phương án thì cả hai phương án tôi không đồng tình. Bởi lẽ, Ban soạn thảo xây dựng hai phương án theo hướng cơ quan có thẩm quyền phải chứng minh tài sản của người kê khai là không trung thực, hoặc thu nhập chênh lệch tăng thêm là không hợp pháp, và nếu không chứng minh được thì mới thu thuế thu nhập là 45%, như vậy là không hợp lý.Trong trường hợp này, nghĩa vụ chính là của người kê khai, nếu không kê khai, kê khai không hợp lý, không hợp pháp thì phải sung vào công quỹ. Đại biểu PHẠM HỒNG PHONG(Hậu Giang) Cần làm rõ các hành vi kê khai tài sản không trung thực hoặc tài sản thu nhập tăng thêm mà không giải trình hợp lý có phải là hành vi vi phạm pháp luật phòng, chống tham nhũng hay không? Có phải là hành vi nguy hiểm cho xã hội không và nếu có lỗi nhưng chưa được xem là tội phạm thì phải xử phạt như thế nào? Cần có những quy định về thẩm quyền xử lý tài sản thu nhập được kê khai không trung thực hoặc giải trình không hợp lý sẽ do cơ quan nào kiểm soát, thực hiện và giao như vậy đã phù hợp quy định của pháp luật hay chưa? Bên cạnh đó, cần làm rõ hơn nữa việc tài sản thu nhập kê khai không trung thực hoặc giải trình không hợp lý có phải là đối tượng chịu thuế theo Luật Thuế thu nhập cá nhân hay không? Theo tôi, những vấn đề nêu trên chưa được thể hiện rõ trong dự thảo luật. Đại biểu HUỲNH THANH PHƯƠNG(Tây Ninh) |