Các hội viên câu lạc bộ Hưu trí tỉnh Hòa Bình nghiên cứu, cập nhật thông tin thời sự và dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt qua báo chí. ảnh: P.V
PV: Thưa đồng chí, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội đang thảo luận về dự án Luật Đơn vị hành chính - Kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc được cử tri tỉnh nhà rất quan tâm. Đồng chí có thể cho biết chủ trương, định hướng cơ bản về dự án Luật?
Đồng chí Trần Đăng Ninh: Dự án Luật Đơn vị hành chính - Kinh tế đặc biệt được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, sau đó dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý để trình Quốc hội tại kỳ họp này. Việc nghiên cứu, xây dựng các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt để tạo lực tăng trưởng và thử nghiệm đổi mới, đồng thời luật hóa chủ trương, quan điểm, chiến lược và kế hoạch phát triển Đặc khu kinh tế đã được thông qua trong văn kiện nhiều kỳ Đại hội của Đảng, các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, các kết luận của Bộ Chính trị và đã được thể chế hóa trong Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 và các đạo luật liên quan.
Việc thành lập các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh; Bắc Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa; Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang), trực thuộc cấp tỉnh nhằm khai thác tốt nhất các tiềm năng khu vực có lợi thế vượt trội, thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư, công nghệ cao, phương thức quản lý mới tiên tiến, hình thành khu vực tăng trưởng cao, tạo thêm nguồn lực và động lực góp phần thúc đẩy nhanh phát triển và tái cơ cấu kinh tế cho tỉnh, vùng và cả nước.
Đồng thời, trong thời gian chuẩn bị xây dựng dự án Luật trình Quốc hội, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các tỉnh: Quảng Ninh, Khánh Hòa và Kiên Giang đã nghiên cứu xây dựng đề án thành lập các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trình Chính phủ; chỉ đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xây dựng các đề án bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội, bảo đảm chủ quyền quốc gia.
PV: Thưa đồng chí, trong dự thảo Luật có quy định trường hợp đặc biệt về thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh đến 99 năm. Đây là vấn đề mà cử tri tỉnh Hòa Bình cũng như cử tri cả nước rất quan tâm. Xin đồng chí cho biết rõ hơn về quy định này?
Đồng chí Trần Đăng Ninh: Trong dự thảo Luật có nêu trường hợp đặc biệt Thủ tướng Chính phủ sau khi xin ý kiến cấp có thẩm quyền quyết định thời hạn sử dụng đất lên đến 99 năm. Tuy nhiên đây là vấn đề mới, cần cân nhắc thận trọng nên trong quá trình thảo luận, Quốc hội đã nhận được nhiều ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, các tầng lớp nhân dân và cử tri. Đến nay, Quốc hội đã tiếp thu, chỉnh lý quy định về thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt theo đúng quy định của Luật Đất đai hiện hành.
PV: Trong phiên họp buổi sáng ngày 11/6, Quốc hội đã quyết định điều chỉnh thời gian xem xét, thông qua Luật vào kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV. Đồng chí cho biết thông tin về việc điều chỉnh này?
Đồng chí Trần Đăng Ninh: Trên cơ sở nghiêm túc tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, các cán bộ lão thành, chuyên gia, nhà khoa học và cử tri cả nước, ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất với Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh thời gian thông qua dự án Luật Đơn vị hành chính - Kinh tế đặc biệt từ kỳ họp thứ 5 sang kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV để có thêm thời gian nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng của các vị đại biểu Quốc hội, các tầng lớp nhân dân và cử tri, hoàn thiện dự thảo Luật, đảm bảo xây dựng thành công 3 đặc khu, giữ vững quốc phòng, an ninh và chủ quyền quốc gia với tỷ lệ nhất trí đạt 85,63%. Để tạo sự đồng thuận cao đối với các nội dung của dự thảo Luật, đảm bảo để khi Luật và các Nghị quyết được Quốc hội thông qua sớm đi vào thực tiễn, đề nghị các cơ quan, đơn vị có liên quan, các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, kịp thời làm rõ những vấn đề được cử tri và nhân dân quan tâm trong thời gian tới.
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
P.V (thực hiện)
Nhóm ý kiến:
Quốc hội điều chỉnh thời gian thông qua Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là hợp lý, cần thiết
Theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng được biết, sáng 11/6, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết về việc điều chỉnh thời gian xem xét, thông qua Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Cá nhân tôi cho rằng, đó là việc hoàn toàn hợp lý và cần thiết.
Thực tế, việc xây dựng các đặc khu kinh tế là điều kiện cần cho sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rõ: việc xây dựng đặc khu là vấn đề lớn, liên quan đến an ninh chính trị, an ninh kinh tế, lớn hơn là an ninh quốc gia. Hơn thế, 3 đặc khu được đề cập đến trong Dự án Luật (Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc) đều là cửa ngõ của biển Đông, đặc biệt quan trọng trong việc khẳng định chủ quyền quốc gia. Trong lịch sử, chúng ta đã có bài học lớn xuất phát từ việc cho thuê đất phục vụ phát triển KT-XH Bởi vậy, việc Quốc hội dừng việc xem xét, thông qua Dự án Luật tại kỳ họp này là hợp lý và cần thiết. Đó là thời gian để nghe thêm ý kiến của người dân, nghiên cứu một cách thấu đáo để có quyết sách phù hợp.
Nguyễn Văn Cửu
Cán bộ hưu trí
Tuyên truyền, vận động nhân dân không nghe theo những luận điệu xuyên tạc, kích động liên quan đến dự án Luật Đặc khu
Trong quá trình công tác, nắm bắt tình hình tư tưởng nhân dân, chúng tôi cũng nghe ở đâu đó, một số người dân lời ra, tiếng vào, xì xào về năm tháng thuê đất trong dự thảo Luật Đặc khu. Đến giờ này, qua nắm bắt tình hình, chúng tôi thấy ở Hoà Bình chưa có vấn đề gì thể hiện sự không đồng tình, phản đối. Quan điểm của cán bộ làm công tác mặt trận, qua theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng khẳng định rằng, việc Quốc hội đưa ra các dự án Luật, trong đó có dự án Luật Đặc khu trong kỳ họp để thảo luận, xem xét có ý nghĩa hết sức quan trọng. Bởi đây là để các đại biểu và cử tri xem xét, tham gia đóng góp ý kiến để hoàn thiện trước khi ban hành. Chúng tôi thấy rằng việc xây dựng dự án Luật để trình Quốc hội xem xét, ban hành thì Đảng và Nhà nước, Chính phủ đều có sự nghiên cứu, có sự chuẩn bị dài hơi, không phải là một sớm, một chiều. Tuy nhiên trong xã hội luôn có những luồng dư luận trái chiều. Do vậy, tôi cho rằng, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các ngành, đoàn thể các cấp trong tỉnh cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân không nghe theo những luận điệu xuyên tạc, có bản lĩnh nhìn nhận đầy đủ, toàn diện vấn đề để thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của người công dân đối với đất nước.
Bài toán kinh tế ở các đặc khu là một bài toán lớn mà Đảng, Nhà nước và Chính phủ đang trong quá trình nghiên cứu, xem xét, lấy ý kiến chứ chưa phải là việc cụ thể, mang tính áp đặt triển khai thực tế. Cái mấu chốt hiện nay là sự vào cuộc của cấp uỷ, chính quyền địa phương từ tỉnh đến cơ sở cần tập trung tuyên truyền cho người dân tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, thực hiện tốt các phong trào phát triển KT-XH, xây dựng NTM, đô thị văn minh, đảm bảo ANTT ở địa phương.
Trần Đức Trường
Phó Chủ tịch UB MTTQ tỉnh
Cẩn trọng trước thông tin bịa đặt trên mạng xã hội
Hiện nay, trên mạng xã hội, đặc biệt là facebook, nhiều đối tượng, kẻ xấu lợi dụng sự kiện Quốc hội xem xét dự thảo Luật Đặc khu để kích động, lôi kéo người dân, nhất là thế hệ trẻ tham gia biểu tình, bạo động để chống phá Nhà nước. Thông qua trang facebook của Huyện Đoàn Tân Lạc, chúng tôi đã chia sẻ những thông tin chuẩn mực từ các kênh chính thống đến ĐV-TN. Đến nay, các ĐV-TN trên địa bàn huyện đã nắm bắt thông tin và hiểu rõ bản chất vấn đề. Huyện Đoàn sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt ĐV-TN cần cẩn trọng trước những thông tin bịa đặt, lơi dụng lòng yêu nước của ĐV-TN để kích động tham gia biểu tình, bạo loạn chống phá Đảng, Nhà nước.
Cao Viết Đồng
Bí thư Huyện Đoàn Tân Lạc
Ngày 11-6, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Bùi Văn Cường đã gửi lời kêu gọi tới toàn thể đoàn viên công đoàn, công nhân lao động cả nước hãy bình tĩnh, đề cao cảnh giác, không nghe theo và làm theo lời xúi giục của kẻ xấu, không để lòng yêu nước bị lợi dụng.