Thủ tướng
Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Tại Hội nghị ACMECS với chủ đề "Hướng tới một Cộng đồng ACMECS kết
nối và hội nhập,” các nhà lãnh đạo đã tập trung thảo luận về các biện pháp nhằm
thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, gia tăng tính cạnh tranh cho các nền kinh tế
thành viên Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và đề ra các định hướng
hợp tác vì phát triển bao trùm và bền vững của khu vực Mekong.
Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo đã thảo luận việc thành lập Quỹ ACMECS và Quỹ tín
thác ACMECS nhằm hỗ trợ triển khai các dự án ưu tiên trước mắt của các nước
thành viên.
Các nhà lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố Bangkok và Kế hoạch Tổng thể ACMECS giai
đoạn 2019-2023 với mục tiêu đưa khu vực ACMECS trở thành một trung tâm kinh tế
kết nối thông suốt và hội nhập mạnh mẽ. Hội nghị nhất trí Campuchia sẽ chủ trì
tổ chức Hội nghị Cấp cao ACMECS 10 trong năm 2020.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nỗ lực xây dựng
Kế hoạch Tổng thể ACMECS và khẳng định Việt Nam sẽ phối hợp cùng các nước thành
viên xây dựng kế hoạch hành động để thực hiện các dự án hợp tác trong thời gian
sớm nhất.
Nhấn mạnh quan điểm xây dựng tiếng nói chung của các nước ACMECS trong hợp tác
với các đối tác phát triển để có thể "gia tăng vị thế của khu vực chúng ta, bảo
đảm hài hòa và tối ưu hóa lợi ích của các nước thành viên,” Thủ tướng Nguyễn
Xuân Phúc đã đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của hợp tác
ACMECS.
Theo đó, hợp tác ACMECS cần đóng góp trực tiếp hơn và trở thành một phần không
thể thiếu trong tiến trình hình thành Cộng đồng ASEAN thông qua gắn kết việc
triển khai Kế hoạch Tổng thể ACMECS với Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, Kế hoạch
Tổng thể về kết nối ASEAN và các chương trình hợp tác khác của ASEAN. Cần cải
tiến cơ chế hoạt động của ACMECS và chú trọng huy động nguồn lực tài chính cho
hợp tác ACMECS.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề xuất ACMECS cần tập trung phát triển Hành lang
Kinh tế Đông-Tây (EWEC), Hành lang Kinh tế phía Nam (SEC), nghiên cứu xây dựng
một số tuyến đường bộ mới kết nối khu vực, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp các
nước ACMECS đầu tư vào thị trường của nhau...
Thủ tướng
Nguyễn Xuân Phúc. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Thủ tướng cũng đề xuất nhiều nội dung hợp tác trong các lĩnh vực thương mại và
đầu tư, nông nghiệp, du lịch, bảo vệ môi trường, quản lý sử dụng hiệu quả bền vững
nguồn nước Mekong và quản lý các nguồn tài nguyên khoáng sản và phát triển nguồn
nhân lực; các giải pháp bao trùm liên lĩnh vực nước-lương thực-năng lượng-môi
trường.
Tại Hội nghị Cấp cao CLMV lần thứ 9 với chủ đề "Vì sự hội nhập và kết nối
sâu sắc hơn," các nhà lãnh đạo đã rà soát tình hình hợp tác kể từ Hội nghị
Cấp cao CLMV 8 (Hà Nội, 10/2016) và thảo luận phương hướng và biện pháp nâng
cao hiệu quả hợp tác trong thời gian tới.
Các nhà lãnh đạo đã chia sẻ mục tiêu chung là thu hẹp khoảng cách phát triển
trong ASEAN, xây dựng một khu vực CLMV năng động, thịnh vượng và phát triển bền
vững.
Kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố chung của Hội nghị Cấp
cao CLMV 9 và nhất trí Lào sẽ chủ trì tổ chức Hội nghị Cấp cao CLMV lần thứ 10
vào năm 2020.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh thu hẹp
khoảng cách phát triển trong ASEAN có tính cấp thiết và ý nghĩa quan trọng đối
với sự phát triển kinh tế-xã hội của từng quốc gia CLMV và sự ổn định, thịnh vượng
của ASEAN.
Thủ tướng đã nêu ba điểm lớn mà hợp tác CLMV cần chú trọng để đạt hiệu quả hoạt
động cao nhất gồm: Hợp tác CLMV cần tập trung vào các lĩnh vực hợp tác phù hợp
với thế mạnh của cơ chế hợp tác và có tính khả thi cao, đặc biệt trong điều kiện
nguồn lực hạn chế và cả bốn nước đều tham gia vào nhiều cơ chế hợp tác Mekong;
một số lĩnh vực cần chú trọng như kết nối hạ tầng mềm, nông nghiệp và du lịch,
đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng.
Thứ hai, sáng tạo trong cách thức huy động nguồn lực và xây dựng các dự án
chung liên quốc gia (lồng ghép nội dung của CLMV vào các cơ chế hợp tác Mekong
khác), thúc đẩy tham gia của các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Phát
triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB)… chính phủ một số nước đối tác…
trong thực hiện dự án.
Thứ ba, xây dựng chiến lược hợp tác trung, dài hạn làm cơ sở để triển khai các
hoạt động.
Thủ tướng cũng đưa ra những đề xuất cụ thể, thể hiện sự chủ động đóng góp của
Việt Nam như việc sẵn sàng hỗ trợ các nước tham dự các hội chợ lớn tại Việt
Nam, xây dựng chính phủ điện tử, nâng cao năng lực và kỹ năng số, tiếp tục triển
khai chương trình học bổng CLMV, mở rộng quy mô học viên cho cả 3 nước
Campuchia, Lào, Myanmar tới học tại Trung tâm Đào tạo nghề tại tỉnh Kon Tum..
Lễ tiễn Thủ
tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân tại sân bay Don Mueang (Bangkok). (Ảnh: Thống
Nhất/TTXVN)
Trong thời gian dự Hội nghị Cấp cao ACMECS lần thứ 8 và CLMV lần thứ 9, Thủ tướng
Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc song phương với Thủ tướng các
nước Thái Lan, Lào, Campuchia và Tổng thống Myanmar; tiếp một số lãnh đạo tập
đoàn lớn của Thái Lan.
Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Thái Lan đã chứng kiến lễ
ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác giữa Ngân hàng Kasikorn của Thái Lan với Cục
Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư của Việt Nam, và thỏa thuận đầu
tư phát triển nhà máy điện năng lượng mặt trời Dầu Tiếng 1 và Dầu Tiếng 2 tại tỉnh
Tây Ninh (quy mô khoảng 400 triệu USD).
Với tình cảm hữu nghị thân thiết, ba Thủ tướng Việt Nam, Lào, Campuchia đã có
buổi ăn sáng làm việc để trao đổi các công việc mà các bên cùng quan tâm.
Chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao ACMECS lần thứ 8 và CLMV lần thứ 9 của Thủ tướng
Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định sự coi trọng của Việt Nam đối với hợp
tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong và hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar-Việt
Nam; nâng cao vị thế và vai trò của Việt Nam, góp phần mở ra chương mới cho hợp
tác khu vực Mekong, đóng góp ngày càng nhiều hơn cho sự phát triển bền vững và
thịnh vượng chung ở khu vực./.
TheoVietnamplus