Đồng chí Trần Đăng Ninh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, nhiệm kỳ 2016-2021.
PV: Xin đồng chí cho biết ý nghĩa của việc ban hành Luật An ninh mạng?
Đ.C Trần Đăng Ninh: Luật An ninh mạng có 7 chương, 43 điều, được Quốc hội thông qua thông qua ngày 12-06-2018 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. Trước hết xin khẳng định, Luật An ninh mạng được ban hành phù hợp với Hiến pháp và không cản trở việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Những năm gần đây, an ninh mạng đã trở thành mối quan tâm đặc biệt của nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế, khu vực. Các cuộc tấn công nhằm vào môi trường mạng phát triển nhanh chóng cả về hình thức lẫn quy mô, có tính chất xuyên biên giới và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định kinh tế, chính trị của các nước. Những nỗ lực nhằm cải thiện an ninh trên môi trường mạng ngày càng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là do thiếu thể chế pháp lý và năng lực bảo đảm an ninh mạng. An ninh mạng là vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Do đó, việc ban hành Luật An ninh mạng là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay nhằm bảo đảm hoạt động trên không gian mạng không gây phương hại đến an ninh quốc gia, TTAT xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
PV: Xin đồng chí cho biết những hành vi bị nghiêm cấm thực hiện trên mạng theo quy định của Luật An ninh mạng?
Đ. C Trần Đăng Ninh: Luật quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm, cụ thể: Sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi tổ chức, hoạt động, cấu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc. Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động KT-XH, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan Nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác. Hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng. Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội. Thực hiện tấn công mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng, tội phạm mạng; gây sự cố, tấn công, xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, gián đoạn, ngưng trệ, tê liệt hoặc phá hoại hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia. Sản xuất, đưa vào sử dụng công cụ, phương tiện, phần mềm hoặc có hành vi cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông; phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử; xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác. Chống lại hoặc cản trở hoạt động của lực lượng bảo vệ an ninh mạng; tấn công, vô hiệu hóa trái pháp luật làm mất tác dụng biện pháp bảo vệ an ninh mạng. Lợi dụng hoặc lạm dụng hoạt động bảo vệ an ninh mạng để xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, TTAT xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc để trục lợi…Về chế tài xử lý, Luật quy định rõ: tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà người vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật...
PV: Có ý kiến cho rằng thực hiện Luật An ninh mạng sẽ hạn chế tự do báo chí, tự do ngôn luận và tác động đến xấu đến các nhà đầu tư nước ngoài, xin đồng chí giải thích rõ vấn đề này?
Đ.C Trần Đăng Ninh: Luật An ninh mạng không có quy định nào hạn chế quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của tổ chức và cá nhân. Luật không có bất cứ quy định nào thiết lập sự cấm đoán hay cản trở công dân hoạt động trên không gian mạng nói chung hay mạng xã hội nói riêng. Tuy nhiên, luật cụ thể hóa và liệt kê khá chi tiết các hành vi bị cấm do vi phạm pháp luật khi thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của tổ chức và cá nhân như đã nêu trên. Các hành vi này cũng đã được quy định là hành vi vi phạm pháp luật trong Bộ luật Hình sự. Do đó, thực tế nó chỉ cụ thể hóa hành vi trong bộ luật riêng mà thôi.
Luật An ninh mạng không có mục đích ngăn chặn các nhà đầu tư nước ngoài, mà ngược lại, nó có mục đích giúp các hoạt động trên không gian mạng trở nên lành mạnh hơn. Tuy nhiên, việc luật thiết lập các quy định nghiêm ngặt cần phải đáp ứng trên không gian mạng đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực mạng như yêu cầu lưu giữ các dữ liệu quan trọng trên lãnh thổ Việt Nam và phải có văn phòng đại diên trên lãnh thổ Việt Nam
PV: Theo đồng chí, phải làm gì để Luật an ninh mạng được thực thi có hiệu quả?
Đ.C Trần Đăng Ninh:Luật An ninh mạng được ban hành không phải chỉ cho trước mắt mà cả lâu dài.An ninh mạng được định nghĩa là sự bảo đảm hoạt động trên không gian mạng không gây phương hại đến an ninh quốc gia, TTAT xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân. Bảo vệ an ninh mạng là phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi xâm phạm trong lĩnh vực này.Hoạt động trên không gian mạng khác với các hoạt động trong không gian truyền thống ở việc xác định phạm vi. Do đó, việc xác định phạm vi điều chỉnh về mặt lãnh thổ đối với hoạt động trên không gian mạng sẽ là điều vô cùng khó khăn. Vì vậy, các cấp có thẩm quyền phải xây dựng và ban hành các quy định hướng dẫn chi tiết và khả thi trong việc xác định phạm vi điều chỉnh về lãnh thổ để Luật An ninh mạng được thực thi trong đời sống. Đặc biệt, các cấp, các ngành, các địa phương phải đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để mọi người nhận thức được vấn đề an ninh mạng chính là bảo đảm quyền lợi ích hợp pháp của người dân, tổ chức và lấy người dân là gốc.
Trong những ngày qua, một số đối tượng chống đối đã có hoạt động tuyên truyền, kích động tụ chống phá Luật An ninh mạng. Các đối tượng trên sử dụng các luận điệu như Luật An ninh mạng là "bịt miệng dân chủ”, "tạo rào cản kinh doanh”, "cấm sử dụng Facebook, Google”...Đối chiếu với những nội dung của Luật An ninh mạng chúng ta thấy rõ đây là những thông tin bịa đặt, xuyên tạc, với mục đích cản trở, gây tâm lý hoang mang, nghi ngờ trong quần chúng nhân dân đối với chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về an ninh mạng, gây bất ổn tình hình ANCT, ảnh hưởng đến nhiệm vụ phát triển KT-XH và đời sống của cộng đồng dân cư trên địa bàn. Chúng ta cần tỉnh táo và lên án những thông tin sai lạc và bịa đặt này
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí
Đức Phượng (Thực hiện)