Tiếp đó các đại biểu QH làm việc tại tổ, thảo luận về dự án Luật
Giáo dục (sửa đổi).
Nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế
Mở đầu phiên họp buổi sáng, QH nghe đại diện Ủy ban Thường vụ QH Báo cáo giải
trình, tiếp thu ý kiến đại biểu QH dự thảo Nghị quyết về kế hoạch phát triển
KT-XH năm 2019. QH đã tiến hành biểu quyết với 92,16% tổng số đại biểu tán
thành thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển KT-XH năm 2019.
Theo đó, mục tiêu tổng quát và các chỉ tiêu cụ thể năm 2019 là: Tiếp tục ổn
định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu
quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tập trung cải thiện môi
trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tạo chuyển biến thực
chất hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với
đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học,
công nghệ tiên tiến và tận dụng có hiệu quả cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ
tư... Nghị quyết nêu các chỉ tiêu chủ yếu: Tổng sản phẩm trong nước (GDP)
tăng 6,6 đến 6,8%; tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 4%; tổng kim ngạch
xuất khẩu tăng 7 đến 8%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới
3%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33 đến 34% GDP; tỷ lệ hộ
nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) giảm 1 đến 1,5%, riêng các huyện
nghèo giảm 4%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động
qua đào tạo đạt 60 đến 62%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng,
chứng chỉ đạt 24 đến 24,5%; số giường bệnh/một vạn dân (không tính giường trạm
y tế xã) đạt 27 giường; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 88,1%; tỷ lệ
khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập
trung đạt tiêu chuẩn môi trường 89%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,85%...
Tiếp đó, các đại biểu QH nghe: đại diện Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án
Luật Quản lý thuế (QLT) (sửa đổi); đại diện Ủy ban Tài chính - Ngân sách của
QH báo cáo thẩm tra dự án luật. Theo Tờ trình của Chính phủ, xây dựng Luật Quản
lý thuế (sửa đổi) hoàn chỉnh, toàn diện nhằm tạo cơ sở cho QLT hiện đại, tiếp
cận những chuẩn mực, thông lệ quốc tế tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp
thuế, cho cơ quan QLT thực hiện nghiêm quyền, nghĩa vụ của người nộp thuế;
quyền và trách nhiệm của cơ quan QLT theo quy định pháp luật, tích cực phòng,
chống tham nhũng, tiêu cực.
Thảo luận tại tổ về Luật Kiến trúc, nhiều đại biểu cho rằng, việc QH ban hành
luật về lĩnh vực này là cần thiết, bởi việc xây dựng luật đã được cơ quan quản
lý nhà nước và giới kiến trúc sư đề xuất từ hơn 20 năm trước nhằm khắc phục
các hạn chế, khó khăn, vướng mắc, đáp ứng yêu cầu quản lý, phát triển kiến
trúc; góp phần hình thành đội ngũ kiến trúc sư có đức, có tài, xây dựng nền
kiến trúc Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc dân tộc. Theo đại biểu Phan Viết Lượng
(Bình Phước), dự thảo luật xác định quy chế quản lý kiến trúc còn chồng chéo
về thẩm quyền giữa các cấp; quy chế quản lý kiến trúc chung và riêng chưa rõ,
nặng về kiến trúc xây dựng, trong khi đó yêu cầu cảnh quan, môi trường chưa
được đề cập. Đề nghị Ban soạn thảo cần bổ sung cụ thể chi tiết hơn trong quản
lý nhà nước về lĩnh vực này; phân cấp, phân quyền và thẩm quyền quản lý của
Chính phủ, của các bộ, ngành và UBND các cấp.
Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo
Buổi chiều, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên
họp, QH nghe Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trình bày Báo cáo
về việc sửa đổi toàn diện Luật Giáo dục. Dự án luật được xây dựng nhằm thể chế
hóa các quan điểm và định hướng của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục
và đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định
hướng XHCN và hội nhập quốc tế, đã được nêu trong các nghị quyết của Đảng; cụ
thể hóa các quy định mới của Hiến pháp năm 2013; bảo đảm tính thống nhất và đồng
bộ của Luật Giáo dục với các văn bản pháp luật khác... Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy
ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH Phan Thanh
Bình trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).
Một trong những điểm mới, dự thảo luật sửa đổi quy định không thu học phí đối
với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh THCS trường công lập và hỗ trợ đóng học
phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập. Bên cạnh đó,
quy định trước mắt ưu tiên thực hiện chính sách này đối với người học ở vùng
miền núi, vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn và giao Chính phủ quy định
lộ trình thực hiện trên cơ sở cân đối ngân sách nhà nước. Chính sách không
thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi trường công lập và hỗ trợ đóng học
phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi trường dân lập, tư thục; học sinh tiểu học
trường tư thục sẽ thực hiện ngay sau khi Luật Giáo dục có hiệu lực và miễn học
phí trước năm 2020. Ngoài ra, dự thảo luật quy định chính sách bồi dưỡng nhân
tài, tín dụng với sinh viên sư phạm, cán bộ quản lý...
Thảo luận ở tổ về dự án luật, một số đại biểu cho ý kiến về nội dung sách
giáo khoa. Nhấn mạnh luật cần quy định thống nhất, đại biểu Nguyễn Văn Được
(Hà Nội) và nhiều đại biểu nêu rõ, xây dựng trường, lớp, bàn ghế, dụng cụ học
tập… có thể xã hội hóa, nhưng không thể xã hội hóa sách giáo khoa (SGK). Theo
quy định việc biên soạn SGK có thể phát huy nguồn lực của các giáo sư, tiến
sĩ, giáo viên về hưu đủ điều kiện, trình độ biên soạn. Tuy nhiên, phải được
quản lý bởi những cơ quan chuyên môn nhất định. Đề cập các nội dung tại Điều
9 nêu ngôn ngữ dùng trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác; dạy và học tiếng
nói, chữ viết của dân tộc thiểu số, dạy ngoại ngữ... đại biểu Hồ Thị Minh (Quảng
Trị) cho rằng: Để thực hiện được những quy định này, đề nghị có quy định cụ
thể về đào tạo giáo viên cho việc dạy tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số
và phải có chế độ, chính sách thỏa đáng cho đội ngũ này. Đại biểu Dương Đình
Thông (Bắc Giang) và một số đại biểu quan tâm cho ý kiến về khoản 3, Điều 83
về chính sách tín dụng sư phạm, cho rằng cần quy định mang tính khả thi về
trách nhiệm hoàn trả. Cần có chính sách cụ thể quy định trong luật này hoặc
luật có liên quan nhằm thu hút sinh viên giỏi vào ngành sư phạm, bảo đảm đội
ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới...
Cần có chính sách bồi hoàn
kinh phí có tính lãi suất đối với đối tượng đi du học bằng nguồn ngân sách
nhà nước mà ra ngoài làm việc sau khi hoàn thành chương trình học tập, giúp
tránh tình trạng "chảy máu chất xám” và gây lãng phí nguồn lực ngân sách
nhà nước...
Đại biểu Bùi Thị Huỳnh Thơ (Hà Tĩnh)
|
Trong dự thảo Luật Kiến trúc
xác định quyền của Hội đồng kiến trúc quốc gia nhiều, nhưng lại không xác định
trách nhiệm của hội đồng này, cho nên sẽ gặp khó khăn trong tổ chức hoạt động.
Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung xác định quyền phải đi
đôi với xác định trách nhiệm của hội đồng...
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội)
|
Về nguyên tắc chung, SGK nên
là một bộ chuẩn dùng cho cả nước, do Hội đồng thẩm định SGK đề xuất, Bộ
Giáo dục và Đào tạo quy định dùng được cho nhiều năm và hằng năm có bổ sung
nhưng không quá 10%. Xã hội hóa in ấn thì đúng, chứ không xã hội hóa biên
soạn SGK...
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội)
|
|