Quỹ "Vì người nghèo” là một nguồn quỹ quan trọng để giúp hộ nghèo phát triển kinh tế, xóa đói - giảm nghèo. Ảnh: Cán bộ, công chức tham gia ủng hộ quỹ vì người nghèo tỉnh năm 2018.
Phong trào "Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” đã khơi dậy, huy động được nhiều nguồn lực từ các tổ chức, doanh nghiệp, các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh. Với cách làm phong phú, sáng tạo, trong 3 năm đã vận động Nhân dân ủng hộ quỹ "Vì người nghèo” các cấp được trên 10 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ đã xây dựng 236 ngôi nhà đại đoàn kết, tặng 3.629 suất quà cho hộ nghèo, hỗ trợ giống, vốn, tư liệu sản xuất...
Đặc biệt, thực hiện phong trào thi đua "Tỉnh Hòa Bình chung sức xây dựng nông thôn mới”, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh đã phối hợp với các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động Nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới. Thông qua phong trào, nhiều mô hình hay, cách làm mới được biểu dương, tôn vinh và nhân rộng. Đến nay, toàn tỉnh đã có 51 xã về đích xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm bình quân trên 3%/năm, đời sống của đại bộ phận Nhân dân được cải thiện, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc.
Cùng với phát triển kinh tế, hưởng ứng Cuộc vận động, các khu dân cư trên địa bàn tỉnh đã đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, chăm lo sự nghiệp giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, phát huy truyền thống đền ơn - đáp nghĩa, tương thân, tương ái. Ba năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh đã vận động quyên góp hàng chục tỷ đồng, hàng trăm tấn gạo và các loại hàng hóa khác kịp thời giúp đỡ Nhân dân các vùng bị thiệt hại khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống. Đồng thời tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia bảo vệ môi trường nhằm nâng cao ý thức, kiến thức về bảo vệ môi trường, đấu tranh khắc phục các tập tục, thói quen trong sản xuất, sinh hoạt xâm hại đến môi trường.
Qua 15 năm triển khai, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã trở thành hoạt động thường niên của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở. Ngày hội với nhiều hoạt động vui tươi, lành mạnh, bổ ích không chỉ thu hút các tầng lớp Nhân dân mà còn được sự quan tâm của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Ngày hội đã khơi dậy truyền thống đoàn kết các dân tộc trong tỉnh, tạo nên sức mạnh nội lực ngay trong mỗi người dân, mỗi gia đình, cộng đồng. Qua đó góp phần tăng cường sự đồng thuận trong các tầng lớp Nhân dân, củng cố lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, tăng cường và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Qua 3 năm triển khai, với những kết quả thiết thực, Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy Đảng, sự phối hợp của chính quyền và sự vào cuộc của các ngành, đoàn thể, sự hưởng ứng tích cực của người dân nên từng nội dung của cuộc vận động ngày càng thu hút đông đảo người dân tham gia. Trong thời gian tới, để Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được hưởng ứng có sức lan tỏa rộng rãi, mang lại hiệu quả thiết thực, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức chính trị, xã hội trong tỉnh quan tâm thực hiện tốt một số nội dung sau:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh hiểu sâu sắc về mục đích, ý nghĩa tầm quan trọng của Cuộc vận động và Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc với 5 nội dung tiêu chuẩn cơ bản để phát triển kinh tế, xã hội; làm cho mỗi người dân tự ý thức về vai trò, trách nhiệm, quyết tâm và hành động để ủng hộ, tự giác, tích cực tham gia Cuộc vận động.
Hai là, xây dựng kế hoạch, chương trình phối hợp với các ngành, địa phương triển khai thực hiện; chú trọng nâng cao chất lượng Cuộc vận động có bề rộng và chiều sâu. Gắn Cuộc vận động với các phong trào chung của tỉnh, của địa phương, phát huy tinh thần chủ động, tích cực, vai trò tự quản, sáng tạo của Nhân dân trong quá trình triển khai thực hiện Cuộc vận động.
Ba là, đổi mới nội dung, phương thức chia sẻ thông tin, huy động và sử dụng các nguồn lực khơi dậy, phát huy tính chủ động, sáng tạo, đặc thù, thế mạnh của từng địa phương, vai trò tự quản của cộng đồng, tinh thần tự nguyện, tự giác của mọi người dân trong thực hiện Cuộc vận động.
Bốn là, tổ chức thực hiện có hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội; lắng nghe ý kiến, kịp thời phản ánh, tham mưu với cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp những nguyện vọng, đề xuất, sáng kiến của Nhân dân trong quá trình thực hiện Cuộc vận động.
Năm là, tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình tự quản của khu dân cư; phát hiện, nhân rộng, biểu dương, khen thưởng kịp thời, thỏa đáng các điển hình trong thực hiện Cuộc vận động, tạo sự lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng, tạo động lực mạnh mẽ trong xã hội.
Sáu là, giữ gìn truyền thống tổ chức ngày hội đi đôi với việc đảm bảo chất lượng các cuộc vận động và đa dạng giữ gìn bản sắc văn hóa trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đại đoàn kết toàn dân tộc luôn là vấn đề chiến lược, là tư tưởng nhất quán và là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong tiến trình lãnh đạo cách mạng của Đảng ta. Phát huy những thành tích đã đạt được, với những giải pháp thiết thực, sáng tạo, các cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh tin tưởng Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” ngày càng phát huy hiệu quả tích cực, góp phần xây dựng tỉnh Hòa Bình ngày càng giàu mạnh, văn minh, hiện đại.