Đại biểu Trần Đăng Ninh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại phiên thảo luận tổ.
Đại biểu Trần Đăng Ninh phát biểu: Tôi cơ bản đồng ý với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc Hội. Tuy nhiên, theo tôi cần quy định thêm việc thiết kế kiến trúc gắn với bản sắc dân tộc bằng việc sử dụng các chất liệu, nguyên vật liệu đặc thù của địa phương. Bên cạnh đó, cần quan tâm quy định rõ hơn về kiến trúc nông thôn, quy hoạch nông thôn, đồng thời, đối với việc bổ sung danh mục kinh doanh có điều kiện cần xem xét tính hợp lý, tính cần thiết của quy định này để đảm bảo phù hợp với thực tiễn.
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh phát biểu: Cơ bản tôi đồng tình với nội dung Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội. Tuy nhiên, thứ nhất tôi thấy đối với quy định về quy chế quản lý kiến trúc quy định tại Điều 10 của dự thảo chưa thật rõ ràng; chưa có quy định cơ quan kiểm duyệt, phê duyệt quy chế quản lý kiến trúc; chưa thể hiện rõ mục tiêu khi đưa ra quy định này. Thứ hai là, theo tôi việc quy định về Hội đồng kiến trúc Quốc gia trong Luật kiến trúc là không cần thiết, nên xem xét bỏ quy định này. Thứ ba là, việc Quy định về hành nghề kiến trúc tại Chương III: Cần quy định, xác định rõ trách nhiệm của kiến trúc sư bởi mối quan hệ giữa sản phẩm kiến trúc và xã hội là rất lớn. Đồng thời cần có quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về quy chế quản lý, đào tạo, hành nghề kiến trúc (Một cá nhân có thể tự cung cấp dịch vụ hành nghề kiến trúc không? Hay bắt buộc phải tham ra vào tổ chức hành nghề kiến trúc?) đề nghị cần xem xét lại nội dung này; Việc quy định "hành nghề liên tục” cần phải xác định rõ ràng, cụ thể về mặt thời gian; Việc ban hành khung chương trình đào tạo kiến trúc sư cần quy định lại vì theo tôi quy định như vậy chưa hợp lý, chưa thống nhất. Cuối cùng là về quyền và nghĩa vụ của kiến trúc sư quy định tại Điều 27: theo tôi cần quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của kiến trúc sư đối với chất lượng và bản quyền của sản phẩm.
Đại biểu Quốc hội Quách Thế Tản phát biểu: Trước hết tôi cơ bản đồng tình với các nội dung trong Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường. Theo tôi ngoài việc quy định Hội đồng Kiến trúc Quốc gia cần có thêm Hội đồng Kiến trúc của địa phương. Tại Khoản 2, khoản 4 Điều 14; khoản 2, khoản 3 Điều 30; khoản 3 Điều 33 đề nghị xem xét lại cách diễn đạt, cách sử dung từ ngữ. Bên cạnh đó, nên xem xét gộp khoản 1, khoản 2 Điều 20 lại để sở Xây dựng vừa cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc, vừa gia hạn, thu nộp chứng chỉ. Đồng thời, cần bổ sung quy định về năng lực của cơ quan sát hạch hành nghề kiến trúc quy định tại Điều 25 của dự thảo luật.
Buổi chiều cùng ngày, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại các Tổ đại biểu về dự án Luật giáo dục (sửa đổi). Tham gia phát biểu ý kiến, ĐBQH Nguyễn Thanh Hải, ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh và ĐBQH Quách Thế Tản Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình đã tham gia phát biểu đóng góp ý kiến vào các nội dung:
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải phát biểu: Tôi đồng tình và đánh giá cao báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Về quy định độ tuổi đi học đã được quy định trong luật, theo tôi cần nghiên cứu quy định trong luật ấn định ngày 05/09 hàng năm là ngày khai giảng năm học mới và không tổ chức dạy học trước ngày khai giảng đối với giáo dục phổ thông; Việc quy định về Hội đồng trường ở các cấp học cần phải được xem xét lại, cần đánh giá tác động xã hội của quy định, cần lấy ý kiến của các đối tượng có liên quan (như học sinh, phụ huynh...). Tên gọi các cấp học đối với cấp học phổ thông nên được đơn giản hóa bằng cách chuyển về cách gọi thông thường (cấp 1, cấp 2, cấp 3); Về quy định chương trình sách giáo khoa phổ thông cần áp dụng một cách thận trọng, trước hết cần xây dựng lộ trình, thực hiện từng bước chính sách để tránh gây xáo trộn, bất ổn định trong hệ thống giáo dục. Đồng thời, cần xem xét có quy định rõ hơn nữa về quyền của phụ huynh học sinh và quyền của học sinh trong dự thảo luật.
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh phát biểu: Về giáo dục mầm non, tôi đề nghị đánh giá, điều chỉnh lại việc quy định nhận trẻ từ 3 tháng tuổi. Bởi thực tế, theo tôi gần như không có cơ sở giáo dục nào nhận trẻ từ 3 tháng tuổi. Tại Điều 30 quy định về Chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa chưa rõ ràng, quy trình lựa chọn sách giáo khoa cần được quy định trong luật, không thể giao toàn quyền cho cơ sở đào tạo. Việc giao quyền lựa chọn sách giáo khoa cho cơ sở đào tạo sẽ gây ra sự không ổn định, không thống nhất của hệ thống giáo dục trên cả nước. Nếu vẫn giữ nguyên quy định về quyền lựa chọn sách giáo khoa như vậy, cần phải xây dựng quy chuẩn chung về lựa chọn sách giáo khoa, quy định cụ thể ai là người phê chuẩn lựa chọn sách giáo khoa. Về giáo dục thường xuyên, chương trình dạy học và cơ chế vận hành của tổ chức giáo dục thường xuyên cần làm rõ là giáo dục phổ thông hay tổ chức dạy nghề. Tại Khoản 1, Điều 41 quy định về Chương trình, hình thức, nội dung, phương pháp giáo dục thường xuyên cần xem xét bỏ điểm d, bởi theo tôi chỉ nên đào tạo nghề ở trung tâm giáo dục thường xuyên, không đào tạo chương trình giáo dục phổ thông. Về thẩm quyền thành lập trường quy định tại khoản 1, Điều 51, cần bổ sung thêm việc quy định thành lập Trung tâm giáo dục thường xuyên theo hướng giao cho chính quyền địa phương thực hiện. Theo tôi, đề nghị xem xét theo hướng không thành lập Hội đồng trường ở trường phổ thông và trường mầm non công lập. Tại Điều 57 về Đoàn thể, tổ chức xã hội trong nhà trường đã có quy định về trách nhiệm của các đoàn thể, tổ chức xã hội đối với hoạt động của nhà trường nên theo tôi, cần bổ sung quy định về việc nhà trường cũng phải có trách nhiệm tạo điều kiện để các đoàn thể, tổ chức xã hội trong nhà trường hoạt động vì mục tiêu giáo dục chung. Cuối cùng là cần xem xét lại quy định bắt buộc trình độ chuyên môn của giáo viên mầm non là trình độ cao đẳng. Theo tôi quy định như vậy là cứng nhắc, không cần thiết.
Đại biểu Quách Thế Tản phát biểu: Trước hết, tôi nhất trí với bản tiếp thu giải trình của Chính phủ và cơ quan chủ trì soạn thảo. Tuy nhiên, đối với quy định về mục tiêu giáo dục cần phải bám sát với thực tiễn, gắn liền với lao động, sản xuất, quy định như hiện nay vẫn còn tính chất nặng nề về thi cử. Việc xây dựng xã hội học tập cần được triển khai cụ thể hơn trong các văn bản pháp luật. Về chính sách phát triển giáo dục thường xuyên đã được quy định rất tốt, nhưng theo tôi việc quy định Trung tâm giáo dục cộng đồng theo loại hình dân lập là chưa phù hợp trong thực tiễn, thiếu tính khả thi. Tôi đề nghị xem xét lại quy định này./.
Bùi Hoài Thu (Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh)