Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng. Ảnh: TTXVN
1. Cuối năm 2018, khởi lên từ đoạn video của một nghệ sĩ accordion
thể hiện sự bất mãn về chính sách thuế được đưa lên mạng xã hội, những cuộc biểu
tình mang tên "Phong trào áo Vàng” đã gây khủng hoảng triền miên trong suốt thời
gian qua ở Pháp. Phong trào lan nhanh bởi những lời kêu gọi phát tán trên mạng
xã hội đã thổi bùng cơn giận dữ, vượt xa mục tiêu ban đầu là kích động biểu
tình để phản đối chính sách, trở thành bạo loạn.
Nhìn lại các cuộc "cách mạng màu” hay các cuộc biểu tình bạo động
mang hơi hướng của "cách mạng màu” được hiện đại hóa trong mấy thập niên gần
đây, chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng, chính truyền thông xã hội đã châm ngòi,
thổi bùng bằng kích động, tổ chức và thông tin, khiến ban đầu là các phong trào
đường phố, đi đến bạo động và hệ quả là sự suy yếu nhanh chóng của các chế độ
như ở Đông Âu, Trung Đông, Bắc Phi, Mỹ Latinh (1). Truyền thông xã hội, tin giả
đã trở thành từ khóa làm nhiều người liên tưởng tới những cuộc xuống đường bạo
động khiến cả châu Âu và thế giới đứng ngồi không yên suốt thời gian qua. Ngay
tại Mỹ, sau những cuộc biểu tình chiếm phố Wall (năm 2011), giới chính trị gia
đã chỉ trích đích danh Facebook, Twitter là "công cụ của bạo loạn”. Báo chí
phương Tây cũng đúc rút phương thức dùng truyền thông xã hội tạo nên những "đám
đông” kích động, đó là: châm ngòi xuống đường; triệt để lợi dụng các sự cố, tai
nạn, những cái chết để tạo cớ bạo loạn; sử dụng điện thoại di động, mạng xã hội
để kích động và liên kết trong, ngoài (2).
Truyền thông xã hội là một "dòng chảy thông tin” trên nền tảng, dịch
vụ công nghệ cho phép người dùng tạo ra, chia sẻ, trao đổi, thảo luận và thay đổi
các nội dung, thiết lập thành các mạng lưới liên kết và tương tác xã hội (3).
Truyền thông xã hội, nhất là mạng xã hội liên tục được nâng đỡ, hỗ trợ bởi những
công nghệ mới, ngày càng tiện ích hơn, trở thành kênh quan trọng, thúc đẩy quá
trình giao tiếp và kết nối xã hội. Các thuật toán cho phép các nền tảng truyền
thông xã hội thiết lập các cộng đồng hoạt động dưới nhiều hình thức khác nhau
(diễn đàn, nhóm, hội công khai, hoặc bí mật...) có thể thu hút từ hàng nghìn
lên đến hàng triệu thành viên, không giới hạn về địa lý, thành phần xã hội. Sự
tiếp cận đến từng cá nhân người dùng với tốc độ nhanh tạo ra nhiều cơ hội và lợi
ích về truyền tải, tiếp nhận, chia sẻ, thông tin, tri thức; phục vụ các nhu cầu
đa dạng của cộng đồng như: kết bạn, giải trí, kinh doanh, bày tỏ quan điểm, phản
biện xã hội, lan tỏa những điều tốt đẹp… Đồng thời, cũng từ các nền tảng truyền
thông xã hội bộc lộ những tác động tiêu cực, ẩn chứa những nguy cơ phức tạp,
khó lường, thậm chí có khả năng gây chia rẽ sâu sắc, kích động hận thù trong
các cộng đồng xã hội, nhất là ở các quốc gia đa sắc tộc, tôn giáo.
Yuval Noah Harari không hề phóng đại nỗi lo lắng toàn cầu khi cho
rằng, Internet, mạng xã hội "là một vùng đất tự do và vô luật làm xói mòn chủ
quyền quốc gia, phớt lờ các biên giới, phá hủy quyền riêng tư và đem lại mối đe
dọa an ninh toàn cầu có thể nói là đáng sợ nhất” (4). Với những tác động nhiều
chiều, có thể xem không gian mạng như "miền chiến sự thứ năm” (5), ở đó, truyền
thông xã hội đóng vai trò là một thứ "quyền lực”, vượt mặt truyền thông chính
thống, thách thức các biện pháp quản lý hành chính và kỹ thuật của tất cả các quốc
gia, nhất là các quốc gia đang phát triển. Nguồn thu lớn từ truyền thông xã hội
vẫn đang đổ về quốc gia phát triển có trình độ công nghệ cao, những dữ liệu cá
nhân đang ở trong tay số ít các đại gia công nghệ nước ngoài khiến kinh tế, luật
pháp, an ninh, chủ quyền đều bị đe dọa. Có người ví Facebook như một "quốc gia”
lớn và chắc chắn có thông tin về các "công dân” của nó nhiều hơn bất kỳ chính
phủ nào. Khi "dữ liệu trên mạng” là tài nguyên, thông tin là quyền lực, thì
chúng ta có cơ sở để lo lắng rằng người nắm quyền "sở hữu thông tin” sẽ "tạo ra
nhiều nguy cơ mới, đồng thời khuếch đại những nguy cơ khác” (6). Vụ bê bối dữ
liệu do Cambridge Analytica, công ty phân tích dữ liệu chính trị tiếp cận trái
phép và "đầu độc thông tin chính trị” tới 87 triệu người dùng là bài học đắt
giá làm cho câu hỏi: "Làm thế nào để quản lý được quyền sở hữu thông tin?” trở
thành "câu hỏi mang tính chính trị quan trọng nhất trong kỷ nguyên của chúng
ta” (7).
Trước những thách thức hiện hữu và nguy cơ tiềm ẩn đòi hỏi phải tư
duy lại về mô hình và cách thức quản trị không gian mạng, các quốc gia đang ráo
riết thiết lập những hàng rào bảo vệ bằng việc đưa ra những biện pháp cứng rắn.
Bởi lẽ, "Quyền quyết sách đối với những vấn đề chính sách công liên quan tới mạng
Internet là chủ quyền của các nước” (8). Đức đã thông qua luật về quản lý mạng
xã hội (NetzDG), theo đó, những dịch vụ mạng xã hội nếu để xảy ra tình trạng
người dùng lăng mạ, gây thù oán hay phát tán các tin tức giả mạo sẽ đối mặt với
án phạt nặng có thể lên tới 50 triệu Euro. Australia tuyên bố sẽ phạt các công
ty cung cấp dịch vụ mạng và các trang mạng xã hội, có thể phạt tới 10% tổng thu
nhập hàng năm, thậm chí phạt tù lên tới 3 năm đối với người điều hành nếu không
loại bỏ hoàn toàn các nội dung xấu. Luật chống tin giả của Ai Cập cho phép cơ
quan chức năng quyền giám sát các tài khoản cá nhân trên những mạng xã hội có
trên 5.000 người theo dõi. Luật An ninh mạng của Thái Lan quy định đối tượng
phát tán tin giả sẽ phải chịu 7 năm tù. Philippines mới đây cũng ban hành luật
quy định hoạt động truyền bá thông tin giả mạo bị coi là tội phạm hình sự, bị
phạt tới 6 tháng tù, kèm khoản tiền phạt hơn 3.000 USD. Còn Singapore, vừa
thông qua Dự luật Bảo vệ khỏi sự thao túng và lừa dối trực tuyến. Người lan
truyền tin giả với dụng ý xấu, gây tổn hại nghiêm trọng lợi ích cộng đồng có thể
đối mặt với bản án 10 năm tù, các công ty mạng xã hội nếu không tuân thủ các
quy định có thể bị phạt lên đến 1 triệu đô la Singapore (9)...
2. Trong bối cảnh bất ổn gia tăng ở nhiều nơi trên thế giới, sự ổn
định chính trị, xã hội của Việt Nam là một lợi thế quan trọng để phát triển. Nhờ
nhất quán quan điểm: "Ổn định và phát triển gắn liền với nhau trong quá trình vận
động, tiến lên, ổn định để phát triển và có phát triển mới ổn định được” (10)
mà môi trường chính trị, xã hội ổn định, an ninh, an toàn được giữ vững, nội lực
đất nước được khơi dậy và phát huy, ngoại lực được tiếp nhận và sử dụng hiệu quả,
nên sau hơn 30 năm đổi mới, đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn có ý
nghĩa lịch sử. Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, của du
khách, là điểm hẹn của khát vọng hòa bình thế giới.
Ổn định chính trị, xã hội dựa vào những nhân tố bên trong và bên
ngoài. Trong đó, nhân tố cốt lõi là "yên dân”, là đoàn kết và đồng thuận, là niềm
tin xã hội. Trong quá trình dựng nước, giữ nước, các bậc minh quân luôn coi
"yên dân” là "kế sâu rễ bền gốc”, "gốc có vững thì cây mới yên”, thế nước mới vững
bền. Thực tiễn phong phú của cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng cho thấy, "dân
là gốc” là tư tưởng dẫn dắt, chi phối đường lối, chủ trương, chính sách, hoạt động
của Đảng và Nhà nước; là một trong những bài học kinh nghiệm lớn trong lãnh đạo
của Đảng. Không ngừng chăm lo, nâng cao đời sống nhân dân, vun đắp cho mối quan
hệ máu thịt giữa Đảng và dân, củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của
Đảng là nền tảng cho sự ổn định chính trị, xã hội của nước ta trong thời gian
qua. Tuy vậy, việc "yên dân” hay lòng dân, niềm tin, đồng thuận xã hội lại luôn
bị thử thách, biến động không ngừng trong dòng chảy của thế sự, thời cuộc và
các va đập của lịch sử. Năm nay thế này, năm sau có thể thế khác với rất nhiều
yếu tố, tầng nấc đan xen tác động. Trong đó, báo chí, truyền thông nói chung,
truyền thông xã hội nói riêng có vai trò rất quan trọng.
Sau hơn 20 năm Internet có mặt (từ năm 1997), với hơn 60 triệu người sử dụng, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 18 trên thế giới về tỷ lệ người dân sử dụng Internet và là 1 trong 10 nước có lượng người dùng Facebook và YouTube cao nhất thế giới. Điều đó cho thấy sự cởi mở, năng động của Việt Nam trong tiến trình hội nhập cùng thế giới số.
Cũng như các quốc gia khác trên toàn cầu, Việt Nam đang khai thác
và phát huy những đặc tính ưu việt của truyền thông xã hội, đồng thời, cũng
đang phải đối mặt với những tác động tiêu cực khó kiểm soát từ dạng thức truyền
thông mới này.
Có thể nhận thấy, "hệ sinh thái” mạng xã hội đã hình thành tầng lớp
KOLs (Key Opinion Leader), influencers là những người có "thương hiệu” hoặc là
"người bình thường” mà thông tin, quan điểm nêu ra có sức thu hút, ảnh hưởng,
được "cư dân mạng” chia sẻ, khuếch tán nhanh trên phạm vi rộng. Họ đa phần là
những chủ thể tích cực góp phần tạo nên đời sống thông tin lành mạnh. Nhưng,
cũng đã lộ diện những KOLs, influencers có động cơ không trong sáng, nền tảng
văn hóa thấp, bất mãn chế độ, thậm chí từng vi phạm pháp luật nhưng lại biết
"khơi gợi những cảm xúc xấu xa”; lạm dụng chữ nghĩa, ảo tưởng "quyền lực bàn
phím”, luôn tìm cách điều hướng dư luận; tấn công doanh nghiệp nhằm trục lợi;
đe dọa, xúc phạm cá nhân, tổ chức… Một số được nuôi dưỡng, cấp phát từ các tổ
chức thù địch bên ngoài. Lợi dụng những bất cập trong quản lý nhà nước về
Internet, mạng xã hội, chúng thâm nhập vào các nền tảng truyền thông xã hội,
"nuôi” nick (tên tài khoản), lập ra hàng trăm nghìn tài khoản ảo và nhiều trang
giả mạo cá nhân, tổ chức. Với nhiều thủ đoạn tinh vi được hỗ trợ bởi công nghệ,
chúng tập trung chống phá nền tảng tư tưởng, phủ nhận thành tựu của công cuộc đổi
mới, đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, gieo rắc tư tưởng
cực đoan, tạo bất đồng, xung đột trong nội bộ Đảng và nhân dân. Chúng cường điệu
những hạn chế, khuyết điểm trong lãnh đạo, quản lý để khoét sâu vào xung đột lợi
ích, làm chia rẽ xã hội, suy giảm lòng tin, thực hiện "diễn biến hòa bình”, đòi
lật đổ chế độ. Từ đó, lôi kéo, tập hợp lực lượng, kích động biểu tình trái
phép, chống đối, bạo loạn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, trật tự xã hội
như trong các vụ lợi dụng vấn đề môi trường tại Formosa Hà Tĩnh, phản đối Dự Luật
về Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, Luật An ninh mạng…
Có hiện tượng KOLs, influencers được hỗ trợ "không trong sáng” từ
những thông tin mật trong nội bộ các cơ quan Đảng, Nhà nước bị rò rỉ, không loại
trừ có cả những cái "bắt tay với âm binh” vô cùng nguy hiểm của những cán bộ
suy thoái, cơ hội chính trị, đầy tham vọng cá nhân. Việc các chính trị gia sử dụng
truyền thông xã hội làm công cụ để giao tiếp với công chúng, xây dựng hình ảnh
hay vận động chính trị không phải là mới mẻ trên thế giới và có thể khuyến
khích ở Việt Nam nhưng cần phải được xác lập thành một trong những nguyên tắc
hành xử chính trị công khai và minh bạch. Còn việc "đi đêm” với các nhân tố mạng
xã hội để tạo "sóng” trong dư luận, vì ý đồ và động cơ cá nhân là điều không thể
chấp nhận.
Sự lệch lạc trong nhận thức về các vấn đề chính trị, kinh tế, văn
hóa, xã hội sẽ dẫn đến sai lầm trong hành vi, tạo nên những mối nguy về an
ninh, bất ổn chính trị, xã hội. Một bộ phận người sử dụng mạng xã hội ở Việt
Nam thường có xu hướng quan tâm, thích (like) và chia sẻ (share) thông tin giật
gân, tiêu cực, trái chiều hơn thông tin tích cực, một cách cố tình hoặc vô ý thức,
bất chấp các hậu quả. Nhiều người cho rằng mạng xã hội là ảo, không phải chịu
trách nhiệm về những phát ngôn, hành xử của mình. Tâm lý đó cộng hưởng với các
công cụ được tạo ra để thu hút người dùng của truyền thông xã hội, cùng với sự
bất cập, hạn chế trong quản lý của các cơ quan chức năng càng làm cho việc phát
tán thông tin xấu, độc trở nên dễ dàng và nguy hiểm.
Những nghiên cứu gần đây chỉ ra, hiện tượng tin giả, các phát ngôn
thù ghét, nói xấu, phỉ báng, vu khống, bịa đặt, kỳ thị dân tộc, tôn giáo, kỳ thị
giới tính, các hành vi gây hấn, tấn công trên mạng,… đang trở nên đáng báo động
(11). Những hành vi lệch lạc này có thể làm khủng hoảng đời sống của cá nhân, tổ
chức, gây nặng nề và trầm cảm xã hội, thậm chí những "cơn bão mạng” có thể
"khai tử” doanh nghiệp, có cá nhân đã lựa chọn cái chết làm lối thoát.
Tác động xấu từ truyền thông xã hội có thể dẫn đến những hậu quả
trực tiếp, tức thì, nhưng cũng có những hậu quả len lỏi, lâu dài tích tụ vào ứng
xử, lối sống, dần dần phá vỡ những hệ giá trị văn hóa và đạo đức tốt đẹp. Những
đổ vỡ về giá trị, những tổn thương về tâm lý ảnh hưởng đến đời sống mỗi cá
nhân, từ đó, tác động đến ổn định chính trị, xã hội của quốc gia. Các nhà xã hội
học cho rằng, việc dành quá nhiều thời gian cho mạng dẫn đến "cô lập với xã hội
thực tại”, "xao nhãng các quan hệ đời thực”, "tin vào đó mà không dành thời
gian cho các quan sát, trải nghiệm và tương tác thực tế để đưa ra các quyết định
đúng đắn”, thậm chí lệch lạc về nhận thức, dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật,
đặc biệt với giới trẻ. Về lâu dài, có thể khiến sự cố kết xã hội bị rạn nứt sâu
sắc, gây phân rã, khó tạo nên sự đồng thuận trong việc chung tay giải quyết các
vấn đề của cộng đồng, quốc gia hay nhân loại (12).
3. Có những ý kiến về việc mạng xã hội đã qua đi thời khắc đỉnh
cao và đang chững lại. Có những đánh giá lạc quan rằng người dùng mạng xã hội
đang dần trở nên sáng suốt hơn, bình tĩnh hơn, trang bị bộ lọc tốt hơn, có nhiều
kinh nghiệm hơn sau khi bị tin giả lừa đảo nhiều lần. Nhưng trong thực tế, có
thể khẳng định, truyền thông xã hội là một "mặt trận” ngày càng phức tạp, mở rộng
mà các thế lực thù địch đang lợi dụng để thúc đẩy các "yếu tố cách mạng sắc màu
ở Việt Nam”. Bài học từ những cuộc "cách mạng màu” cho thấy không thể chủ quan,
lơ là mà cần phải chủ động nhận diện, ngăn chặn kịp thời những nhân tố lợi dụng
truyền thông xã hội để tác động đến ổn định chính trị, xã hội từ nhiều hướng,
nhiều cách thức khác nhau. Yêu cầu ấy đòi hỏi phải nhìn nhận đúng về truyền
thông xã hội ở cả hai mặt tích cực và tiêu cực, nhận diện và quản lý những tác
nhân gây ảnh hưởng để bảo vệ, phát huy những giá trị tiến bộ được xã hội thừa
nhận, đồng thời hạn chế, đẩy lùi, triệt phá những tác động tiêu cực bằng những
giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ và hiệu quả.
Một là, trong lãnh đạo, chỉ đạo cần tiếp tục quán triệt, nhận thức
đúng, đầy đủ quan điểm: "không ngừng đổi mới tư duy lãnh đạo, chỉ đạo và quản
lý báo chí điện tử, mạng xã hội và các loại hình truyền thông khác trên
Internet theo kịp sự phát triển của công nghệ Internet,… chủ động, kiên trì
thúc đẩy phát triển đúng hướng đi đôi với quản lý chặt chẽ” (13). Xác định rõ,
đây là môi trường mở, độc đáo, đặc biệt quan trọng nằm bên cạnh dòng chảy thông
tin của truyền thông truyền thống cần được khai thác tối đa mặt tích cực, cổ vũ
những giá trị tiến bộ, định hướng và tiến hành đấu tranh đối với những nhận thức,
tư tưởng, quan điểm sai trái. Do đó, phải chủ động đánh giá, dự báo chính xác
tình hình; chú trọng giải quyết thấu đáo các vấn đề bức xúc của người dân; khắc
phục hiệu quả những hạn chế, bất cập, không để hình thành "điểm nóng”, những xu
hướng (trend) tiêu cực trên mạng xã hội. Các cơ quan chức năng cần cung cấp
thông tin cho báo chí một cách đầy đủ, công khai, minh bạch, kịp thời, nhất là
với các vấn đề quan trọng được người dân quan tâm, không để cho các thế lực thù
địch lợi dụng, chiếm lĩnh truyền thông xã hội. Đồng thời, giữ nghiêm kỷ luật
thông tin, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm khắc với các phần tử cơ hội chính
trị, "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” cố tình làm lộ lọt, cung cấp thông tin nội
bộ, hỗ trợ cho các phần tử mạng xã hội đưa tin sai sự thật, kích động, tấn công
vào nội bộ.
Hai là, khẩn trương thể chế hóa, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản
lý trong thực tiễn; tích cực xây dựng khung khổ pháp luật khoa học, tiến bộ để
truyền thông xã hội hoạt động, phát triển lành mạnh, đúng hướng. Thời gian qua,
những thay đổi chóng mặt về thuật toán của các nền tảng công nghệ "làm khó” cả
về nhận thức và hành động khiến các cơ quan chức năng vốn đã chậm trễ, hạn chế
trong quản lý không gian mạng lại càng lúng túng, bất cập, chưa theo kịp trong
việc hoạch định chính sách, pháp luật đối với truyền thông xã hội. Để quản lý tốt,
cần nhanh chóng tiếp tục hoàn thiện đồng bộ hệ thống văn bản pháp luật với các
điều khoản cụ thể, rõ ràng, sát thực, phù hợp, theo kịp tốc độ biến động của
truyền thông xã hội... thay vì chỉ dừng ở quy tắc điều chỉnh mang tính khuyến
nghị đạo đức và văn hóa. Bởi lẽ, khi các ràng buộc pháp lý không cụ thể, rõ
ràng và đủ mạnh thì các quy tắc đạo đức, văn hóa cũng rất khó để đi vào cuộc sống.
Kiên trì vấn đề có tính nguyên tắc là các nhà mạng, nhà cung cấp dịch
vụ, khai thác dịch vụ nhất là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới
phải có trách nhiệm tuân thủ luật pháp Việt Nam, tôn trọng chủ quyền, lợi ích,
an ninh quốc gia Việt Nam. Yêu cầu các đối tác phải thể hiện sự hợp tác, tuân
thủ các quy định khi vào Việt Nam như đặt cơ quan đại diện, thiết lập tính
chính danh của người dùng trong đăng ký tài khoản, phối hợp tích cực để kịp thời
bóc gỡ những trang mạo danh các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, xóa bỏ
triệt để các tài khoản đưa thông tin sai sự thật,... Cần coi trọng hơn các biện
pháp kinh tế, yêu cầu trách nhiệm của những doanh nghiệp phải tương xứng với lợi
ích mà họ được hưởng. Tích cực triển khai thực hiện Luật An ninh mạng với các
chế tài đủ mạnh để răn đe, xử lý những hành vi vi phạm, gây hại như lưu trữ,
cung cấp, đăng tải, phát tán tin giả, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, nói xấu,
kích động, chống phá Đảng, Nhà nước trên Internet, mạng xã hội…
Ba là, phát huy vai trò chủ động, tiên phong, dẫn dắt, định hướng
của báo chí trong thông tin tích cực. Báo chí cách mạng cần khẳng định hơn nữa
vai trò, vị thế của mình trong thời đại kỹ thuật số. Dòng thông tin tích cực của
báo chí vẫn phải là dòng thông tin chủ lưu với thông tin chất lượng, chính xác,
kịp thời, khách quan, là bộ lọc đáng tin cậy về mọi vấn đề xã hội, dư luận quan
tâm. Vì vậy, phải khẩn trương tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Luật Báo chí
năm 2016, sửa đổi bổ sung, hoàn chỉnh Luật cũng như các văn bản dưới Luật để
hoàn thiện hơn nữa môi trường pháp lý cho hoạt động báo chí. Xác định rõ tiêu
chí đối với từng loại hình thông tin điện tử nhất là báo điện tử, tạp chí điện
tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội; có quy định để điều chỉnh hoạt
động của các công ty công nghệ chuyên cung cấp thông tin báo chí. Tăng cường
trách nhiệm của cơ quan chủ quản, của cơ quan báo chí trong thực hiện tôn chỉ,
mục đích và nội dung thông tin, trong hợp tác hoạt động báo chí, trong đầu tư nền
tảng công nghệ số cho sự phát triển vươn tầm của báo chí. Thực hiện ngay quy hoạch
báo chí đã được phê duyệt trong năm 2019, rà soát cấp phép lại hoặc thu hồi giấy
phép hoạt động đối với các tổ chức, cơ quan trong thời gian qua đã buông lỏng
quản lý, có nhiều vi phạm trong hoạt động báo chí. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng
những người làm báo về bản lĩnh chính trị, về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ,
công nghệ, trau dồi đạo đức, ý thức về sứ mệnh nghề nghiệp, thực hiện tốt quy định
về trách nhiệm và chuẩn mực khi tham gia mạng xã hội.
Bốn là, thúc đẩy các giải pháp công nghệ, các biện pháp kỹ thuật
phù hợp bắt kịp với sự phát triển của Internet, mạng xã hội. Khuyến khích mạng
xã hội có nền tảng công nghệ trong nước phát triển, khuyến khích các cơ quan, tổ
chức trong nước xây dựng mạng xã hội nội bộ. Tăng cường ứng dụng công nghệ để
phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời các thông tin sai sự thật, xấu, độc có ảnh
hưởng đến ổn định chính trị, xã hội. Nâng cao năng lực phân tích, điều tra,
nghiên cứu công chúng, đo lường thái độ của người sử dụng Internet, tham gia
truyền thông xã hội đối với những vấn đề được dư luận quan tâm.
Năm là, truyền thông xã hội khác biệt vì nội dung do người dùng tạo
ra và thông tin mang tính cá nhân hóa cao, do đó, sự quản lý của Nhà nước là cần
thiết nhưng quan trọng nhất vẫn là ý thức người dùng. Việc người dùng nâng cao
sức "đề kháng”, trang bị hiểu biết về pháp luật, bộ lọc văn hóa tốt, ứng xử văn
minh, lịch lãm trong tranh luận, phản biện, có năng lực về tin tức, đánh giá được
độ tin cậy của thông tin trên truyền thông xã hội là rất quan trọng. Có như vậy,
việc khai thác, sử dụng mạng xã hội mới hiệu quả, thiết thực và lành mạnh, người
dùng mới có thể bảo vệ những giá trị của bản thân, của cộng đồng và dân tộc.
Cho nên, cần chú trọng tăng cường các biện pháp tuyên truyền nâng
cao hiểu biết pháp luật, ý thức, trách nhiệm khi tham gia các nền tảng truyền
thông xã hội của mọi công dân. Giáo dục định hướng giá trị để người trẻ biết
tránh khỏi các biểu hiện lệch lạc về nhận thức và hành vi; trang bị cho học
sinh, sinh viên kỹ năng tự bảo vệ thông tin cá nhân, cách thức chắt lọc, tiếp
nhận thông tin.
Phát huy vai trò của các tổ chức và cá nhân, nhất là những người
điều hành website, blog, fanpage, các KOLs, influencers, người trẻ trong xây dựng
môi trường Internet, mạng xã hội lành mạnh. Mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội
viên tham gia mạng xã hội phải giữ vai trò là lực lượng nòng cốt đăng tải, chia
sẻ, lan tỏa thông tin tích cực và xem đây là giải pháp thường xuyên, lâu
dài.
Việt Nam đang là một quốc gia có chính trị, xã hội ổn định và trên
đà phát triển, tuy nhiên, cũng vẫn tiềm ẩn những nguy cơ gây mất ổn định. Tạo lập
môi trường thông tin lành mạnh, an toàn, trong đó, truyền thông xã hội là một
trong những nguồn lực thông tin quan trọng, sẽ góp phần tích cực, hiệu quả, bảo
vệ, gìn giữ môi trường chính trị, xã hội ổn định làm nền tảng cho đất nước phát
triển bền vững.
-----------------------------------
(1) Từ "Cách mạng nhung” ở Nam Tư năm 2000, "cách mạng hoa hồng” ở Gruzia năm
2003, "cách mạng cam” ở Ucraina năm 2004, "cách mạng hoa tuy líp” ở Kyrgyzstan
năm 2005, "cách mạng màu Jean” ở Belarus năm 2006, đặc biệt, "Mùa xuân Ả Rập” ở
Tunisia, Ai Cập năm 2010 lan sang Libya, Sirya năm 2011, cho đến những biến động
chính trị, xã hội gần đây ở Hy Lạp, Venezuela, Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha, Áo,
Pháp… đều có vai trò tác động của truyền thông xã hội.
(2) Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Trung tâm
Thông tin khoa học Quân sự, Bộ Quốc phòng: Hiểm họa từ mặt trái của Internet,
Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2016, tr.50.
(3) Hội thảo khoa học thuộc đề tài cấp nhà nước KX.01.10/16-20: Mạng xã hội
trong bối cảnh phát triển thông tin ở Việt Nam.
(4) Yuval Noah Harari: Lược sử tương lai, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2018, tr.445.
(5) Bên cạnh mặt đất, bầu trời, biển cả và vũ trụ.
(6) Jean Tirole, nhà kinh tế học giành giải Nobel: Quản lý các tác nhân gây xáo
trộn, Dự báo 2019, Đại biến động, TTXVN, Project Syndicate, Hà Nội, 2018,
tr.92.
(7) Yuval Noah Harari: 21 Lesson for the 21st Century, Jonathan Cape, London,
2018, p. 80.
(8) Liên hợp quốc: Tuyên bố nguyên tắc Xây dựng xã hội thông tin: Thách thức
toàn cầu trong thiên niên kỷ mới, Mục a, Điều 49 (WSIS-03/GENEVA/DOC), Hội nghị
thượng đỉnh về xã hội thông tin, Gieneva, 12/12/2003.
(9) Theo Nhân dân điện tử: Cuộc chiến chống tin giả và nội dung bạo lực trên mạng
xã hội, 10/4/2019
(http://www.nhandan.com.vn/thegioi/item/39805002-cuoc-chien-chong-tin-gia-va-noi-dung-bao-luc-tren-mang-xa-hoi.html);
Theo Vietnamnet.vn: Singapore: Luật chống tin giả khiến người dùng mạng xã hội
phải cẩn trọng, 14/05/2019
(https://vietnamnet.vn/vn/cong-nghe/tin-cong-nghe/singapore-luat-chong-tin-gia-khien-nguoi-dung-mang-xa-hoi-phai-can-trong-531604.html)...
(10) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc thời kỳ đổi mới
(khóa VI, VII, VIII, IX, X), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, P.I,
tr.40.
(11) Theo khảo sát của chương trình nghiên cứu Internet và xã hội (VPIS) thuộc
Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội (năm 2017).
(12) Nhóm tác giả Nguyễn Hoài Sơn, Lê Quang Ngọc, Nguyễn Quang Tuấn, Nguyễn Đức
Vinh, Viện xã hội học, Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam: Một số chiều cạnh biến đổi
xã hội trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư,
(http://www.haiphong.gov.vn/PortalFolders/ImageUploads/SKHCN/12/Cong%20nghiep%204.0/Bien%20doi%20xa%20hoi%20trong%20CMCN%204.0.pdf).
(13) Chỉ thị 30-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI ngày 25/12/2013 về "Phát triển
và tăng cường quản lý báo chí điện tử, mạng xã hội và các loại hình truyền
thông khác trên Internet”.