(HBĐT) - Thời gian qua, công tác "Dân vận khéo” được các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Kim Bôi tập trung thực hiện với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Qua đó, tạo hiệu quả tích cực trong xây dựng cơ sở hạ tầng (CSHT), dồn điền, đổi thửa, xây dựng nông thôn mới (NTM)…, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương.
Xã Nam Thượng là địa phương thực hiện hiệu quả việc phát triển giao thông nông thôn. Thông qua công tác "Dân vận khéo", người dân góp sức cùng chính quyền đầu tư xây dựng các tuyến đường. Hiện, toàn xã cứng hóa được hơn 83% đường liên thôn, 70% đường nội đồng. Nhân dân hiến trên 7.100 m2 đất ở, đất sản xuất, tài sản trên đất để làm đường. Giao thông thuận lợi góp phần giúp xã hoàn thành các nhiệm vụ khác, nhất là dồn điền, đổi thửa thành công, đạt 100% (năm 2016) trên diện tích 25 ha đất sản xuất, giảm từ 1.800 thửa còn 500 thửa.
Hay xã Vĩnh Đồng là địa phương tiêu biểu trong vận động Nhân dân chung sức xây dựng NTM. Thời điểm đầu, xã mới đạt 4/19 tiêu chí, thu nhập bình quân đầu người dưới 10 triệu đồng/ năm, tỷ lệ hộ nghèo còn gần 20%... Đến năm 2019, người dân phấn khởi khi xã được công nhận đạt chuẩn NTM, khoác lên mình "chiếc áo mới” với những ngôi nhà, trạm y tế, nhà văn hóa khang trang, những con đường bê tông trải dài khắp các ngõ, xóm… Sau 9 năm, xã đã huy động nguồn lực trên 170 tỷ đồng, trong đó, Nhân dân đóng góp tiền, hiến đất, tài sản trên đất và ngày công lao động trị giá 12 tỷ đồng. Hiện, 100% xóm có nhà văn hóa; 100% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh; 98% người dân tham gia BHYT; trạm y tế và các trường học đạt chuẩn… Thu nhập bình quân đầu người đạt 32 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 10,6%.
Đồng chí Bùi Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Đồng cho biết: "Đảng ủy xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cán bộ, đảng viên, các ngành, đoàn thể, người có uy tín trong cộng đồng tích cực tham gia tuyên truyền, vận động Nhân dân hiểu được lợi ích của chương trình xây dựng NTM đem lại; ý thức được trách nhiệm của Nhân dân trong việc tham gia thực hiện. Ngoài hình thức lồng ghép tuyên truyền trong các hội nghị, họp dân, họp chi bộ, cán bộ xã thường xuyên đến cơ sở, những khu vực hộ dân chịu ảnh hưởng từ các công trình để trực tiếp tuyên truyền, làm công tác tư tưởng để người dân yên tâm hiến đất, sinh sống và lao động sản xuất”.
Bằng nhiều hình thức "Dân vận khéo” sáng tạo ở mỗi địa phương đã giúp huyện Kim Bôi từng bước đổi mới. Một trong những hình thức hiệu quả được đánh giá cao là xây dựng mô hình "Dân vận khéo” trên các lĩnh vực. Đến nay, toàn huyện duy trì, nhân rộng được 943 mô hình, trong đó, 438 mô hình phát triển kinh tế, 212 mô hình lĩnh vực văn hóa - xã hội, 139 mô hình QP-AN, 154 mô hình xây dựng hệ thống chính trị. Nổi bật trên lĩnh vực kinh tế như mô hình "Trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi gia cầm, gia súc”, "nuôi ong lấy mật”, "cải tạo vườn tạp”... Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội như "Tổ hòa giải”, "Tổ phụ nữ thu gom, phân loại rác thải”, "Mái ấm Công đoàn”… Toàn huyện vận động hơn 6.800 hộ tự nguyện hiến hơn 429.000 m2 đất các loại, hơn 860.800 ngày công lao động, tự nguyện dỡ bỏ hàng rào, công trình phụ, cây cối, hoa màu để mở rộng đường giao thông nông thôn, xây dựng CSHT.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Thủy, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Kim Bôi chia sẻ: "Kết quả đó là minh chứng rõ nét cho việc thực hiện hiệu quả tư tưởng dân vận của Bác Hồ tại địa phương. Đặc biệt, thực hiện tốt việc công khai, minh bạch các chủ trương, kế hoạch, nội dung thực hiện đưa ra bàn bạc, lấy ý kiến Nhân dân đã tạo niềm tin, sự ủng hộ, đồng thuận cao của Nhân dân đối với lãnh đạo của cấp ủy Đảng, điều hành, quản lý, thực hiện của chính quyền. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã lấy Nhân dân làm chủ thể của sự phát triển KT-XH, từ đó, tạo nền tảng vững chắc cho những bước tiến tiếp theo”.
Thanh Sơn