Bộ Thông tin và Truyền thông nêu rõ, để thực hiện Nghị quyết chuyên đề số 78/NQ-CP ngày 20-7 của Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 và để bảo đảm hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề nghị các cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí thực hiện một số nhiệm vụ đáng chú ý.
Thứ nhất, với các cơ quan báo chí, nội dung và cách thức thông tin, kể cả những tồn tại, hạn chế phải theo hướng xây dựng, tạo niềm tin và lan tỏa năng lượng tích cực trong xã hội, tuyệt đối không để suy diễn, gây hoang mang và phân tâm trong nhân dân. Chủ động phát hiện, tích cực đấu tranh, phản bác thông tin xấu, độc, tin giả, bịa đặt, xuyên tạc, sai sự thật, thông tin gây hoang mang trên không gian mạng và trên báo chí về tình hình dịch bệnh. Bảo đảm qua công tác thông tin, tuyên truyền, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, huy động, cổ vũ toàn dân đoàn kết, tích cực tham gia phòng, chống dịch bệnh.
Các cơ quan báo chí ban hành và thực hiện nghiêm quy chế hoạt động nghiệp vụ của phóng viên trong vùng có dịch và trong mùa dịch; xây dựng các phương án bảo đảm hoạt động của cơ quan báo chí khi có tình huống xấu; thành lập tổ phóng viên chuyên trách trực tiếp thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh; đồng thời có biện pháp bảo đảm an toàn cho cán bộ, phóng viên tác nghiệp hiện trường; tổ chức xét nghiệm định kỳ, đầy đủ cho cán bộ, phóng viên kể cả những trường hợp đã được tiêm đầy đủ vắc xin.
Đồng thời chỉ đạo cán bộ, phóng viên tuân thủ, chấp hành nghiêm quy định về phát ngôn và cung cấp thông tin, quy định về kỷ luật thông tin, trách nhiệm của người làm báo khi tham gia mạng xã hội, bảo đảm đưa tin cân bằng để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch, ổn định tâm lý, đời sống nhân dân vùng có dịch bệnh. Không mở rộng, làm nóng vấn đề quá mức cần thiết đối với những sự cố, vụ việc đơn lẻ có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến công tác phòng, chống dịch bệnh và chiến dịch tiêm chủng, không để bị thế lực xấu lợi dụng công kích, chống phá; đặc biệt thận trọng khi khai thác, chỉ đạo khai thác tin tức, vấn đề xuất hiện trên mạng xã hội. Không đưa tin theo mạng xã hội khi chưa kiểm chứng qua các cơ quan chức năng.
Khi phát hiện có những bất cập trong công tác phòng, chống dịch, khẩn trương phản ánh với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tại địa phương để kiểm tra, xử lý hoặc thực hiện phỏng vấn, phản ánh ý kiến của người có trách nhiệm tại địa phương đó. Cùng với đó, siết chặt kỷ luật đọc, duyệt và cho đăng tải tin, bài, đặc biệt là trên báo điện tử, tạp chí điện tử, bảo đảm chỉ đạo cơ quan báo chí nắm quyền xuất bản.
Với các cơ quan chủ quản báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị cử cán bộ lãnh đạo trực tiếp chỉ đạo, giám sát thường xuyên đối với hoạt động của cơ quan báo chí trong việc thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 và có văn bản thông báo họ tên, chức vụ, số điện thoại để Bộ Thông tin và Truyền thông biết, liên hệ khi cần thiết. Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các cơ quan liên quan trong công tác chỉ đạo, quản lý hoạt động thông tin báo chí, bảo đảm cung cấp kịp thời thông tin cho các cơ quan báo chí về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch Covid-19 để báo chí đưa tin thống nhất, chính xác, tránh sai sót. Có hình thức xử lý, kỷ luật nghiêm đối với trường hợp cán bộ, phóng viên của cơ quan báo chí thuộc quyền không thực hiện nghiêm túc chỉ đạo, định hướng thông tin và các quy định về phòng, chống dịch bệnh...
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng khẳng định, các cơ quan, đơn vị chuyên môn thuộc Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan liên quan thực hiện tốt hoạt động cung cấp thông tin theo quy định; tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm minh theo quy định với hành vi thông tin sai sự thật trên báo chí, trên không gian mạng, gây ảnh hưởng tiêu cực tới công tác phòng, chống dịch...